Đời Sống 01/02/2014 15:06

“Đại gia tiền lẻ” xây nhà bằng bát đĩa, đồng xu, khuy áo

Thường thì tiền bạc rủng rỉnh, có nhiều thời gian người ta mới chơi đồ cổ, ấy vậy mà ông Nguyễn Văn Trường (làng Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) “nghèo rớt mồng tơi” vẫn bán thóc, cắm sổ đỏ, ứng tiền làm thuê để thỏa mãn đam mê thú chơi xây nhà bằng bát đĩa và đồng tiền cổ.

Ngôi nhà làm bằng “vật liệu” kỳ dị
Ngôi nhà làm bằng “vật liệu” kỳ dị

 
“Duyên” với đồ cổ

Ông Trường, sinh năm 1961, nước da ngăm đen, khuôn mặt gầy gò, dáng cao và đặc biệt mái tóc để dài đậm chất nghệ sĩ, khiến ai gặp cũng ấn tượng. Sinh ra trong gia đình nghèo của làng Sơn Kiệu, nhà đông anh em, ông Trường phải tự lập từ nhỏ. 

Thời trẻ, ông đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở Campuchia đến năm 1986 thì trở về quê, bắt đầu mưu sinh bằng nghề sơn bàn ghế. Một lần đi sơn cho một trùm buôn đồ cổ trong vùng, ông Trường thích thú trước vô vàn cổ vật đẹp. Thấy vậy, chủ nhân nhờ ông để ý xem nhà ai có đồ cổ thì mua lại bán cho mình. Từ đó ông Trường bỏ nghề thợ sơn, ngày ngày rong ruổi đi săn đồ cổ. “Máu mê đồ cổ ngấm vào máu tôi từ khi nào không hay”, ông nhớ lại.
 
Thời gian đầu theo chân những người săn đồ cổ chuyên nghiệp, chịu khó học hỏi, ông biết cách nhìn nhận, thẩm định thâm niên và giá cả món đồ. Sau đó ông tự tách ra, tự tìm mua, được đồ nào là đem bán lại cho ông trùm đồ cổ trong vùng. “Sau này khi hiểu được giá trị của món đồ, tôi thấy tiếc vì đã bán đi. Càng dấn thân vào những thứ đồ của cha ông xưa, tôi càng say mê muốn sở hữu”, ông Trường chia sẻ.


Kỳ nhân bên ngôi nhà kỳ dị
"Kỳ nhân" bên ngôi nhà kỳ dị
 
Năm 1989, ông lập gia đình, được bố mẹ chia cho một mảnh đất nhỏ dựng căn nhà hai gian nhà cấp bốn ở tạm. Cuộc sống chủ yếu trông chờ vào vài sào ruộng, có thời gian thì đi làm thuê làm mướn. Không có tiền đi sưu tầm đồ cổ, nhưng cứ khi nào người ta giới thiệu có ở đâu đồ cổ quý giá là ông bán thóc lúa, vay mượn anh em bạn bè, ứng trước tiền công làm thuê đi mua lại. “Tôi sợ mấy đồ mình biết có giá trị bán cho người khác thì phí lắm, phải tìm mọi cách mua được”, ông Trường chia sẻ. 

Nhớ lại những ngày tháng rong ruổi tìm cổ vật, ông kể thường lặn lội đi dọc sông Hồng, đến từng điểm thu mua sắt vụn tìm bới, dù là mảnh gốm xưa, một chiếc khuy, hay đồng xu cũ cũng nhặt lại. Ông thường xuyên lân la hỏi chuyện bà con, mua lại những đồ nhiều “tuổi thọ”, đặc biệt là bát đĩa. 

Ngoài ra, ông nhiều lần chạy xe máy lên các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái tìm mua bát đĩa, đồng xèng cổ. “Không tiền đi lại, nhiều lần tôi quặn lòng bán đi một vài món đồ để lấy tiền “nuôi” những chuyến đi. Có lần, sau khi mua được đồ thì ngã xe vỡ hết, tôi tiếc ngẩn ngơ, nhặt nhạnh những mảnh vỡ mang về”, ông nhớ lại.

Không phải cứ gặp đồ cổ là mua được vì có món giá đắt đỏ. Những lúc như thế ông lại giới thiệu cho bạn bè có tiền. “Mình không mua được nhưng chỉ cho người ta mua, lâu lâu vẫn qua nhà bạn ngắm được”, ông nói. 

Ít tiền, ông tìm cho mình cách chơi đồ cổ riêng, mua những thứ có giá trị thấp, chủ yếu là bát đĩa thời Lê, Nguyễn, giá trị chỉ 100 - 150 nghìn đồng/chiếc. Hơn 20 năm thu thập, ông sở hữu đến hơn 8.000 bát đĩa cổ.

Biến nhà ọp ẹp thành tuyệt tác có một không hai

Nay đến nhà ông, ai cũng phải lạ lùng. Bước qua cổng, bên phải là hòn non bộ lớn, đắp hàng nghìn mảnh gốm. Bên trái là ngôi nhà cấp bốn, trên tường gắn những chiếc đĩa thành từng hàng ngay ngắn. Ba cây cột trước nhà được gắn chi chít những đồng tiền xu, đồng xèng, khuy áo cổ. Ông Trường cho biết, ngôi nhà cũ xây bằng gạch bình thường, nhưng tường bên ngoài được tỉ mỉ gắn vào hơn 8.000 bát đĩa, 90kg xèng, 20kg tiền xu, hơn 20kg các loại khuy áo bằng đồng, bằng đá, vô vàn mảnh gốm vỡ.

Nói về ý tưởng, chủ nhà chia sẻ, chứng kiến vợ con sống cơ cực, nhà không ra nhà nên ông quyết định tạo ra một ngôi nhà đẹp độc đáo từ đống đồ cổ. “Mình vẫn sở hữu những món đồ cổ mà lại có nhà mới và đẹp cho vợ con hãnh diện”, chủ nhà nói. 
 

Hòn non bộ với vô số đồ cổ
Hòn non bộ với vô số đồ cổ 

Khi mới thực hiện ý tưởng, chủ nhà nhận được nhiều lời dè bỉu từ hàng xóm, nhiều người bảo ông “có vấn đề về thần kinh”, hâm, dở. Hơn thế nữa, chính những người trong gia đình cũng không đồng tình với cách làm của ông. “Có người chê tôi đã nghèo lại còn đua đòi chơi đồ cổ”, chủ nhà nhớ lại.

Bất chấp, ông Trường bắt đầu thực hiện ý tưởng từ đầu năm 2005. Đến nay ngôi nhà đã cơ bản hoàn thành, nhưng chủ nhà cho biết, phải khoảng năm năm nữa thì cả tường rào và một số vị trí khác mới hoàn tất. “Dù chưa hoàn thiện nhưng đến thời điểm này những người chê tôi trước đây là gàn, dở đã thay đổi thái độ, trầm trồ ngợi khen nhà đẹp”, ông nói.

Cụ Nguyễn Thị Ân (79 tuổi, mẹ ông Trường) cho biết: “Tôi sống ngần này tuổi mà đúng là lần đầu tiên thấy căn nhà kỳ dị như vậy. Tính con tôi một khi đã ham mê gì là phải làm bằng được, không ai cản nổi. Có những hôm giữa trưa nắng chang chang vẫn thấy con hì hục làm, rồi đêm cũng thắp đèn làm, nghĩ mà thương. Thế nên khi vợ con nó phản đối cãi vã, tôi phải sang động viên vợ nó hiểu cho”, bà cụ nói. Ngồi bên cạnh, vợ ông Trường chỉ tủm tỉm cười: “Tại nhà cửa đã không ra gì, lại sợ anh ấy làm hỏng thì vợ con có nơi nào để chui ra chui vào nữa, nên tôi cản lại. Mà có cản được đâu”.

Chủ nhà kể thêm, hai năm trước, một người trong giới đồ cổ đến thăm quan ngôi nhà, thấy đẹp, liền trả giá hơn một tỉ mua lại. “Khi đó chưa hoàn thiện như bây giờ, dù gia đình khó khăn, số tiền ấy thừa sức để tôi xây nhà cao cửa rộng nhưng tôi nhất quyết không bán”, ông Trường kể. Hiện ban ngày “kỳ nhân” vẫn tiếp tục săn tìm bát đĩa cổ, ban đêm lại về gắn lên tường. “Sau mấy năm nữa hoàn thành, tôi sẽ toàn tâm toàn ý làm việc khác, chăm sóc vợ con. Nửa đời này tôi đã dành cho đồ cổ rồi”, ông cười.

Theo Như Thảo
Pháp luật Online
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *