Đời Sống 18/01/2014 07:19

Vung vãi tiền lẻ lễ chùa: Lãng phí và phản cảm

Năm nay tuyệt đối không in và phát hành tiền lẻ mới mệnh giá 500, 1.000 đồng nhằm hạn chế sự lãng phí cả trăm tỷ đồng chi cho việc in tiền mới chỉ phục vụ đi lễ một lần rồi xếp kho bỏ xó.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng tuyên bố: Ngân hàng Nhà nước đảm bảo tiền đưa vào lưu thông đủ các cơ cấu mệnh giá, nhưng năm nay tuyệt đối không in và phát hành tiền lẻ mới mệnh giá 500, 1.000 đồng nhằm hạn chế sự lãng phí cả trăm tỷ đồng chi cho việc in tiền mới chỉ phục vụ đi lễ một lần rồi xếp kho bỏ xó.

1.200 bao tiền lẻ ở chùa Hương mỗi mùa

Ngày mùng một tháng 12 âm lịch nhằm đúng 1/1/2014, PV Tiền Phong có mặt tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội.

9 giờ sáng, Phủ đã chật như nêm, Ban quản lý phải kê thêm ban đặt lễ. Ken dầy trên các ban thờ, dưới gầm tượng Phật, gài trên tay các Ngài, đan xen trong các cành hoa đang cắm trong lọ, tràn lan trên ban, dưới chân tượng thờ là la liệt tiền lẻ. 

Tiền lẻ tràn lan tại động Hương Tích - Chùa Hương Ảnh: hồng vĩnh

Chưa hết, vì lễ đặt nhiều quá, nên dù đã có một mâm to như chiếc thúng đựng tiền lẻ tại các ban Công đồng, Ngũ hổ nhưng do chen chân quá đông, không vào đặt được tận nơi nhiều người phải đứng ngoài tung vào, thành ra rất nhiều tiền lẻ vung vãi. Dù chốc chốc, lại có thành viên Ban quản lý vào gom nhưng xem ra vẫn không xuể.

Tại di tích Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Gia, kế toán Hội người cao tuổi (được cử vào Ban quản lý) dè dặt ước: lượng tiền lẻ mệnh giá từ 500 đến 5.000 đồng tại đền Bà Chúa Kho khoảng hơn 1 tỷ mỗi mùa.

Cơn khát tiền lẻ đi lễ đang nở rộ nhất là tại các tỉnh phía Bắc trong một vài năm trở lại đây. Liên quan đến câu chuyện tiền lẻ Chùa Hương, chị Lê Thị Hoa, nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Mỹ Đức kể, mỗi mùa lễ hội Chùa Hương, cán bộ ngân hàng này rất vất vả với việc kiểm đếm tiền. 

“Từ 15/1 trở đi, ngân hàng cử 2 nhân viên vào làm việc trong thời gian 3 tháng diễn ra lễ hội. Đều đặn, ngày nào hai nhân viên cũng đều dậy từ 6 giờ sáng, sau khi ăn sáng xong khoảng 7 giờ 30 sẽ cùng với các chấp pháp từ 40-50 người nhặt tiền bó hộ, đến trưa nghỉ ngơi chút rồi lại đếm tiền đến chiều tối. Tất cả đều như một guồng máy”- chị Hoa cho hay. 

Về lượng tiền lẻ kết thúc mỗi mùa lễ hội, chị Hoa kể Tết vừa rồi ngân hàng phải chở 1.200 bao mà cứ tính 20 bó/bao. “Tổng trị giá số tiền thực ra không nhiều, chỉ một đôi tỷ nhưng do toàn tiền lẻ nên cồng kềnh, chúng tôi phải dùng hết 15 xe chuyên dùng để chở tiền từ ngân hàng ra NHNN chi nhánh Hà Nội. Mà toàn bộ chi phí từ kiểm đếm, vận chuyển, dây buộc, hồ dán, ngân hàng chịu tất”- chị Hoa cho biết.

Lễ Phật ở tâm chứ không phải bằng tiền

Những ngày cận Tết này, tại chùa Pháp Vân (Hưng Yên) sư thầy trụ trì Thích Quảng Hoà ôn tồn: “Ở quê người dân rất nghèo. Vào ngày lễ rằm, mùng Một các cụ ra chùa chỉ đặt lễ 2.000 - 3.000 đồng đã là đáng quý. Nếu mình đi chùa cầu phúc thì cần chú tâm.  Đồng tiền đặt lễ cũng cần sạch sẽ, chứ đây, rất nhiều đồng tiền đã trôi nổi ngoài chợ, tiền bán cá, bán thịt, thực ra không thanh tịnh chút nào”.

Theo thầy Hoà, việc quan niệm “trần sao âm vậy” là chưa đúng. “Các Ngài đã giải thoát rồi, không tiêu tiền giấy, không màng vật chất”- thầy Hoà nói.

Quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là không nên đặt tiền lẻ trên các ban thờ, nhất là việc cài tiền lên tay Phật tạo nên hình ảnh phản cảm. Những việc làm đó xuất phát từ việc chúng ta chưa hiểu về việc phát tâm công đức.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng thư ký VP Giáo hội Phật giáo VN

Tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh), trụ trì chùa Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Tổng thư ký văn phòng giáo hội Phật giáo Việt Nam từ tốn giảng: “Tất cả các thầy trong bài thuyết giảng đều nói quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là không nên đặt tiền lẻ trên các ban thờ, nhất là việc cài tiền lên tay Phật tạo nên hình ảnh phản cảm. Những việc làm đó xuất phát từ việc chúng ta chưa hiểu về việc phát tâm công đức; vô hình trung làm sai lệch đi hình ảnh của các bậc tôn kính, đấng tối cao khi ta đặt niềm tin vào. Đến chùa lễ phật cần bằng chính tâm của mình”.

Liên quan việc “thu gom” tiền lẻ sau mỗi mùa lễ hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết thông thường phật tử địa phương sẽ là những người đi thu gom tiền lẻ. “Qua quan sát, thầy thấy đây là việc hết sức vất vả đối với các phật tử. Bởi số lượng tiền lẻ thu gom mất nhiều thời gian, rồi phải mời ngân hàng đến kiểm đếm. 

Thầy được biết, sau khi kiểm đếm, ngân hàng phải phân loại các loại tiền rồi qua một vài thủ tục mới đưa tiền vào lưu thông. Việc này rất tốn kém sức lao động, tiền của xã hội, và lãng phí”- Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định.

Kiên quyết không in tiền lẻ phục vụ đi lễ

NHNN kiên quyết hạn chế in tiền lẻ chỉ để phục vụ lễ chùa, hầu đồng... “Ai đã từng đi Chùa Hương nhìn suối Giải Oan trắng tiền ném từ trên cáp treo xuống; ở Đền Hùng thì tiền vứt xuống kín cả Giếng Ngọc, rồi ở chùa, đền phủ tiền lẻ đặt tràn lan, cài cả trên tay Phật sẽ thấy đó là những hình ảnh rất phản cảm, chưa kể làm như vậy còn là hủy hoại đồng tiền, trái pháp luật”- Phó Thống đốc Tú nhấn mạnh.

“Ai đã từng đi Chùa Hương nhìn suối Giải Oan trắng tiền ném từ trên cáp treo xuống, rồi tiền vứt xuống kín cả Giếng Ngọc ở Đền Hùng, rồi ở chùa, đền phủ tiền lẻ đặt tràn lan, cài cả trên tay Phật sẽ thấy đó là những hình ảnh rất phản cảm, chưa kể làm như vậy còn là hủy hoại đồng tiền, trái pháp luật”.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Mỗi năm, NHNN phải bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng phục vụ riêng việc in tiền mệnh giá nhỏ.

“Chi phí in ấn gấp 3-5 lần mệnh giá đồng tiền đó, lượng tiền lẻ mới sử dụng tại lễ hội, đền chùa quá nhiều và chỉ mới “xuất” ra lưu thông trước Tết, sau một thời gian ngắn lại ùn ùn theo xe chạy về kho quỹ NHNN và chi nhánh các tỉnh, đến mức nhiều nơi không còn chỗ chứa. NHNN phải căng mình ra bảo quản các loại tiền này, rất tốn kém và lãng phí”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích.

“Vừa qua, NHNN đã có công văn gửi đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao & Du lịch nơi phối hợp tuyên truyền với Ban Quản lý các lễ hội. Cần vận động cho bà con mình thấy không nên sử dụng tiền lẻ tràn lan, lãng phí mà còn là bảo vệ nét đẹp văn hoá tín ngưỡng Việt”- Phó Thống đốc Tú cho hay .

Một cán bộ cấp phòng thuộc NHNN thừa nhận với Tiền Phong, ngay tại NHNN, bộ phận kho quỹ kiên quyết không xuất các mệnh giá tiền thấp dù vẫn còn trong kho bằng mọi giá dù có “quan hệ” cỡ nào.

Một lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà Nội cũng khẳng định: “Tết này, NHNN phát hiện bất cứ chi nhánh, ngân hàng nào vi phạm, cung tiền lẻ mệnh giá nhỏ dưới 1.000 đồng ra thị trường lãnh đạo chi nhánh đó sẽ bị kỷ luật. Năm nay, chúng tôi kiên quyết không có bất cứ trường hợp ngoại giao nào đổi tiền lẻ mới”.

Theo Khánh Huyền
Tiền Phong

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *