Đời Sống 11/03/2019 15:30

Vụ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử: “Nếu để dân kêu ca thì cần xem lại!”

PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, đến với di tích là đến với trí tuệ của đạo và tâm đạo. Vì thế việc thu phí nên ở một mức độ nhất định… nếu để dân kêu ca là phải xem lại.

Liên quan đến chuyện thu phí tham quan danh thắng Yên Tử gây xôn xao dư luận vừa qua, ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho rằng, việc thu phí và lệ phí lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch đã có quy định rất rõ. Nếu công trình đó thuộc sự quản lý cấp trung ương thì do Bộ Tài chính quy định, còn công trình cấp địa phương quản lý thì do HĐND tỉnh quyết định.

Vụ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử: “Nếu để dân kêu ca thì cần xem lại!” - 1

Trạm thu phí tham quan thắng cảnh và di tích Yên Tử ở lưng chừng núi gây ngỡ ngàng đối với nhiều du khách.

Việc thu phí tham quan danh thắng Yên tử thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và mức thu theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ VHTT&DL không liên quan đến sự việc này nên không thể phát ngôn cụ thể.

PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng: “Tôi làm công tác nghiên cứu văn hoá đã nhiều năm nhưng ngày xưa tôi chẳng thấy ai thu phí tham quan di tích cả. Bởi vì đến với di tích là đến với tâm chứ không phải đến với tiền. Bây giờ vì đồng tiền, người ta làm méo mó đi nhiều thứ. Đồng tiền làm méo mó cả tâm hồn lẫn đạo đức.

Các cụ ngày xưa bảo, đến với di tích là đến với trí tuệ của đạo và tâm đạo. Phải để người dân được thanh thản với cả tuệ và tâm chứ không nên để tài (tiền) len vào đây. Bây giờ người ta biến di tích thành nơi để làm kinh tế. Nếu tiền ấy để làm kinh phí tu bổ cho di tích thì điều đó quá tốt, còn nếu đưa vào việc khác thì cần phải suy nghĩ lại.

Tôi cũng được các vị cao tăng (nay đã khuất núi hết rồi) bảo với tôi đúng 4 chữ “Hảo tự ố Tăng”, chùa đền miếu làm càng to thì người cai quản về tâm linh ở đấy càng nặng về dục vọng và rời xa lẽ đạo”.

Thep PGS.TS Trần Lâm Biền, các kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng là để giáo dục về tuệ và tâm theo đạo Phật. Và nếu về với đức Phật, về với Mẫu mà phải trả tiền quá cao là buộc người ta phải đi mua “cái đạo” và mua “cái đức”. Điều đó không hề có trong truyền thống.

Vụ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử: “Nếu để dân kêu ca thì cần xem lại!” - 2

PGS.TS Trần Lâm Biền.

PGS Trần Lâm Biền kể, trước đây, ở Di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng – Gia Lâm (Hà Nội), khi tiến hành thu phí tham quan di tích liền bị dân phản đối. Cuối cùng chính quyền và ban quản lý buộc phải bỏ quy định thu phí tham quan di tích ở đó.

“Việc thu phí nên ở một mức độ nhất định. Cái gì cũng nên dừng ở mức giới hạn cho phép. Bao giờ cũng thế, dưới giới hạn là còn mang tính đạo, còn trên giới hạn để dân kêu ca là phải xem lại bởi lúc đó không còn mang tính chất truyền thống nữa. Một khi để dân phản đối thì dễ xảy ra nhiều chuyện lắm”, PGS.TS Trần Lâm Biền nói thêm.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng, việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa… được luật pháp cho phép. Mục đích của việc thu phí này nhằm có chi phí cho công việc tu tạo, bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử... Tuy nhiên, có một nghịch cảnh là việc sử dụng nguồn thu này tại nhiều địa phương lâu nay lại chưa rõ ràng, minh bạch gây nên sự bức xúc cho người dân.

“Việc thu phí, vé tham quan ở Yên Tử (Quảng Ninh) là bình thường nhưng rõ ràng chính quyền địa phương chưa thông báo minh bạch, giải thích cho người dân hiểu, nguồn thu ấy sẽ được sử dụng như nào, vào mục đích gì: Tôn tạo, bảo tồn, phát triển hay trả chi phí vận hành quản lý di tích? Chính vì sự không rõ ràng này đã gây ra sự bức xúc cho khách tham quan”, ông Lương nói.

Quy định thu phí, lệ phí tai các danh thắng, di tích lịch sử đã được nhà nước quy định cụ thể tuy nhiên lâu nay, mỗi địa phương lại áp dụng theo một cách khác nhau. Điều này dẫn đến sự không thống thống nhất, “mỗi nơi một mức phí”.

“Tôi nghĩ Bộ Văn Hóa nên có sự gợi ý, hướng dẫn để có sự thống nhất trong việc thu phí, vé tham quan ở các di tích, danh thắng. Ví dụ từ mức cấp quốc gia hay cấp quốc gia đặc biệt phải trong khoảng nào trở nên, giới hạn là bao nhiêu? Để các địa phương khi áp dụng vào có sự thống nhát, tránh việc chênh lệch gây ra sự so sánh và bức xúc không đáng có cho người dân”, ông Lương chia sẻ.

Quay trở lại câu chuyện ở Yên Tử, danh thắng này nằm trên danh giới giữa Quảng Ninh, Bắc Giang. Việc quản lý di tích lâu nay được nhà nước giao cho Quảng Ninh phụ trách. Từ trước đến nay, người dân có thói quen đi tham quan Yên Tử, theo đường Bắc Giang, việc Quảng Ninh lập thêm các trạm thu phí theo ông Lương, cũng cần có sự giải thích rõ ràng, thống nhất giữa hai địa phương để tránh tình trạng lạm thu cũng như đảm bảo nguồn thu từ việc bán vé được sử dụng đúng mục đích. 

Từ năm 2018, quần thể di tích danh thắng Yên Tử thuộc huyện Đông Triều - Quảng Ninh tiến hành thu phí tham quan trên đỉnh núi, đoạn cách chùa Đồng 700m. Giá vé giá vé người lớn là 40.000 đ/lần và trẻ em là 20.000 đ/lần/người (từ 7 đến dưới 16 tuổi).

Điều đáng nói là ngay dưới chân núi Yên Tử cũng đã có một trạm bán vé thu phí và du khách đã phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí tham quan di tích trước khi lên đỉnh núi. Việc thu phí hai lần cho một chuyến hành hương về đất Phật khiến người dân hết sức bức xúc và phản đối.

Nhiều du khách cho rằng, việc hành hương về Yên Tử đã phải trả phí gửi xe, phí cáp treo, xe điện… nếu có thêm phí tham quan sẽ dẫn đến hiện tượng phí chồng phí và phải xếp hàng gây ùn tắc. 

Ngoài ra, quần thể di tích danh thắng Yên Tử là di sản chung của Quốc gia. Tuy số nguồn thu phí từ bán vé tham quan, gửi xe, công đức… không công bố, nhưng chắc chắn con số thu được mỗi năm sẽ lớn gấp nhiều lần kinh phí bỏ ra trùng tu và trả thù lao cho người quản lý.

Khánh Toàn - Hà Trang

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *