Đời Sống 09/11/2014 07:13

Vấn đề của bóng đá VN: Câu chuyện về xí nghiệp đá banh’

Bóng đá Việt Nam vào mùa chuyên nghiệp thứ 15 nhưng chưa CLB nào tự nuôi nổi mình mà đa phần là lập công ty để tiêu tiền không phải của mình.

Nhiệm kỳ II VFF từng nổi đình nổi đám với văn phòng 2 nằm ở sân Thống Nhất chi phối toàn bộ hoạt động mà đặc biệt là nắm phần hồn với các đối tác kinh tế lớn. Nhiệm kỳ đấy có bước ngoặt lớn là Phó Chủ tịch Nguyễn Tấn Minh phụ trách về tài chính đã làm thay đổi bộ mặt VFF từ đơn vị chỉ ngửa tay xin tiền thành một đơn vị được các đối tác săn đón, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Á cũng như mối quan hệ với AFC, FIFA bắt đầu mở rộng.

Cũng nhiệm kỳ đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Tấn Minh khi trà dư tửu hậu hay ví LĐBĐ VN giống như một “xí nghiệp đá banh” mà ở đó phải biết cách kiếm tiền để tự nuôi mình và tiếp thị cho mình cũng như làm ra những sản phẩm bán được trên thị trường. Ông Minh từng lấy kinh nghiệm thời làm LĐBĐ TP.HCM đã xin UBND TP.HCM cấp cho cái cần câu là sân Thống Nhất rồi tự ông và bộ máy Liên đoàn đi câu để nuôi sống mình thay vì cứ ngửa tay xin tiền Nhà nước và xin bao cấp.

Từ cái “xí nghiệp đá banh” đó, ông Minh cùng các đồng sự của mình biến VFF thành một cơ quan tấp nập đối tác ra vào mà điểm nhấn hồi đấy là Cúp Độc Lập năm 1995 có những đại diện mạnh của Hàn Quốc, Trung Quốc và những đội châu Âu, châu Mỹ tham dự…

Nhiệm kỳ VII, nhiệm kỳ của doanh nghiệp điều hành bóng đá. Ảnh: QUANG THẮNG

Cuối nhiệm kỳ II thì cái “xí nghiệp đá banh” đấy bị “đánh” tơi tả sau cuộc thanh tra tài chính mà chủ yếu là người nhà đánh nhau. Kết quả của cuộc thanh tra đấy là không có gì sai phạm nghiêm trọng nhưng phần thiệt lớn nhất là các đối tác lánh mặt do làm ăn với một đơn vị mà trong nhà không êm nên cứ hăm oánh nhau vì miếng bánh.

Nay thì nhiệm kỳ VII đang được ví là chạy theo mô hình “xí nghiệp đá banh” nhưng phần chính lại là “mâm” của những doanh nghiệp điều hành bóng đá.

Nói là doanh nghiệp bỏ tiền vào bóng đá thì chỉ đúng một phần bởi không ít người là doanh nghiệp nhưng làm bóng đá để lấy ra hoặc bỏ 10 phần chung thì nhận lại quả hai phần riêng… Nó cũng là một kiểu làm ăn vừa có tiếng vừa có miếng.

Cái “xí nghiệp đá banh” đấy lần đầu có một phó chủ tịch phụ trách tài chính là người có một đội chuyên nghiệp đồng thời cũng có cả một hệ thống trẻ của riêng mình qua việc hợp tác với Arsenal JMG. Phần bỏ vào bóng đá của doanh nghiệp này thì quá lớn và đó là một trong số những doanh nghiệp hiếm hoi vào bóng đá và bỏ tiền cho bóng đá.

Cái “xí nghiệp đá banh” đấy cũng có những người của Tổng cục TDTT được đưa qua và nhanh chóng hòa tan để ôm không dưới 15 chức từ trưởng ban chuyên nghiệp đến trưởng ban cấp phép rồi sắp đến là chủ tịch Hội đồng HLV kèm đủ loại chức vụ của AFF, AFC, rồi FIFA và sắp tới còn là quan to ở VPF chuẩn bị một cuộc cải cách lớn…

Bây giờ thì nhiều người lại đặt ra câu hỏi chức nhiều, việc nhiều và quyền lợi nhiều nhưng phần cần nhất là “việc nhà” thì thời gian đâu mà làm. Bởi xét cho cùng chỉ mỗi việc đi nước ngoài và điều hành những giải ở nước ngoài (để nhận lương và trách nhiệm bằng tiền đô) thì đã không đủ thời gian để đọc văn bản huống chi là làm.

Nguy hiểm cho cái “xí nghiệp đá banh” là quá nhiều người lo kiếm tiền và quá nhiều người khoác chiếc áo mang tiền cho bóng đá nhưng phần chuyên môn thì lại chẳng mấy người làm.

Và mọi người có quyền lo bởi rất nhiều địa phương làm bóng đá vì cái mô hình “xí nghiệp đá banh” với phần lớn là tiêu và xài tiền không phải của mình.

Nỗi lo “nghị gật” trong bộ máy điều hành

Nhiệm kỳ VII được xem là nhiệm kỳ đổi mới với doanh nghiệp điều hành bóng đá nhưng đấy cũng là nhiệm kỳ gây nhiều lo lắng bởi song song với doanh nghiệp điều hành bóng đá thì cũng tồn tại quá nhiều thành viên vào chỉ để… gật.

Những lá phiếu đồng ý của đa số. Ảnh: QUANG THẮNG

Cuộc họp ban chấp hành VFF vừa qua tại Cần Thơ là một minh chứng. Tại đấy những ý kiến đóng góp về chuyên môn rất cần thiết nhưng tiếc là nó trở nên thiểu số và dễ bị bỏ qua. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, những thành viên tâm huyết với bóng đá Việt Nam than thở rằng bóng đá Việt Nam cần doanh nghiệp cùng song hành nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp điều hành tất tần tật vì không phải doanh nghiệp nào cũng bỏ tiền vào làm bóng đá mà có khi còn lấy bóng đá để “làm ăn” mà bỏ qua rất nhiều yếu tố quan trọng về chuyên môn…

NG.HUY

Theo Nguyễn Nguyên

Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *