Đời Sống 09/02/2019 13:16

Tục lì xì đầu năm: Bao giờ trở lại như xưa?

Dường như từ lâu rồi, vào dịp Tết, trẻ con chẳng cần quan tâm đến những lời chúc, lời hỏi han của người lớn, chỉ nhăm nhăm ngó cái phong bao và chờ cơ hội được ở một mình là mở ra xem ngay…

Từ khi còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán thì mọi người đã rục rịch đổi tiền mới để mừng tuổi đầu năm. Nhà nhà, người người lo tìm chỗ thân quen để nhờ đổi tiền hộ, ai không quen thì tìm tới các dịch vụ đổi tiền. Người nào ít cũng phải chuẩn bị sẵn vài triệu, người nhiều thì vài chục triệu. Có một thực tế là tiền lì xì thời nay, đôi khi còn tốn hơn cả tiền sắm Tết cho gia đình.

Trước đây lì xì vốn là một nét đẹp văn hóa của người Việt nhằm mang đến cho trẻ niềm vui và những lời cầu chúc tốt đẹp đầu năm mới. Nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây, phong tục lì xì đã bị biến tướng một cách trầm trọng, trở thành gánh nặng cho nhiều người mỗi khi Tết đến xuân về. Vì xã hội ngày càng mắc bệnh phô trương hình thức, người ta đánh giá lẫn nhau qua tiền mừng tuổi con trẻ.

Tâm lý chung hiện nay là mừng ít thì sợ bị mất mặt, mà cố gồng mình lên mừng nhiều cho bằng thiên hạ thì xót ruột. Thế nên, với một số gia đình không có điều kiện, họ chọn giải pháp đóng cửa ở trong nhà, hạn chế các cuộc đi thăm hỏi chúc Tết để đỡ tốn tiền.

Đi chơi Tết đồng nghĩa với việc phải kiểm tra xem trong ví có bao nhiêu, phải nhẩm đếm những nhà tới chơi có mấy đứa trẻ cần mừng tuổi, rồi phân loại phong bao chính phụ: con chủ nhà, con của hàng xóm, bạn bè, anh em chủ nhà nếu tình cờ gặp. Thông thường, số tiền mừng tuổi được đong đếm trong mối quan hệ với cha mẹ đứa trẻ.

Ngoài ra, còn phải cân nhắc xem họ sẽ mừng tuổi con nhà mình bao nhiêu để mình mừng lại cho phù hợp. Nhiều người có con lớn thì cảm thấy thiệt thòi vì năm nào cũng phải đi mừng tuổi trẻ con nhà khác.

Người lớn tính toán thực dụng như vậy nên đương nhiên trẻ con cũng bị ảnh hưởng theo. Từ lâu chúng đã chẳng cần quan tâm đến những lời chúc, lời hỏi han của người lớn, chỉ nhăm nhăm ngó cái phong bao và chờ cơ hội được ở một mình là mở ra xem ngay. Rồi so sánh người cho nhiều, người cho ít, thậm chí chê bai, dè bỉu nếu phong bao có ít hơn số tiền trẻ thường được nhận.

Cái cách mừng tuổi của người lớn cũng khiến bọn trẻ sớm nhận ra mối quan hệ qua lại của đồng tiền, ví như bố mẹ mình vừa mừng con nhà người ta thì người ta đương nhiên sẽ phải mừng lại mình. Vì thế nhiều đứa không hề coi trọng bao lì xì mà người lớn đưa cho, chúng chỉ nhận qua loa, chiếu lệ cho xong. Có khi phải dúi tiền vào tận tay, mới ngẩng mặt lên nói lí nhí một câu rồi lại tiếp tục chúi mũi vào việc riêng như không hề quen biết.

Sau Tết, đa phần trẻ con không được sở hữu những đồng tiền mừng tuổi của mình. Vì đó là một số tiền lớn và vì bố mẹ đã phải chi ra một khoản tương tự hoặc nhiều hơn thế nên cần phải thu hồi lại vốn. Lại một lần nữa, trẻ hiểu rằng tiền mừng tuổi thực ra chẳng có ý nghĩa gì, chỉ là công cụ để người lớn phô trương hình thức với nhau.

Nhớ thời của chúng tôi cách đây ba chục năm, tiền mừng tuổi rất nhẹ nhàng, đơn giản, chỉ là vài đồng bạc lẻ. Hình ảnh thường bắt gặp ngày tết là những đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, tay cầm tiền người lớn phát cho, chạy nhảy tung tăng ngoài ngõ. Dạo đó chưa có các phong bao xanh đỏ rực rỡ, đẹp mắt như bây giờ nhưng mừng tuổi đúng là mừng tuổi. Người lớn thường mỉm cười, xoa đầu trẻ nhỏ và dành riêng vài phút để nói những lời chúc tốt đẹp nhất, còn trẻ khoanh tay, cúi đầu nhận tiền lì xì một cách ngoan ngoãn, lễ phép.

Thời đó, tôi cũng chẳng thấy ai phải bận tâm đến việc người này người kia mừng tuổi con bao nhiêu để còn lo mừng lại. Cả người lớn lẫn trẻ con đều hết sức vui vẻ, thoải mái. Chính vì số tiền ít nên bố mẹ cũng không hề quản lý tiền mừng tuổi của con. Sau Tết trẻ con được tự do dùng tiền mừng tuổi mua quà ăn vặt hoặc sách truyện gì đó. Tiền chưa tiêu thì kẹp trong sách vở cũng không lo bố mẹ tịch thu mất.

Bao giờ phong tục lì xì mới trở lại đúng với nét đẹp của những ngày xưa ấy: chỉ mừng những đồng tiền có mệnh giá nhỏ với mục đích cho vui, lấy may là chính, để người lớn mỗi dịp Tết đến  không còn phải bận tâm lo nghĩ quá nhiều về một khoản tài chính có tên Tiền Mừng Tuổi nữa, đặc biệt là để trẻ con không bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc thực dụng của người lớn, tâm hồn ngây thơ, trong sáng của các em có dịp được hiểu đúng ý nghĩa việc mừng tuổi đầu năm.

Hà Đông

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *