Đời Sống 07/02/2014 10:18

Từ chuyện ăn tết đến chuyện an cư

Tết nhất là quãng thời gian có chút thư nhàn, “trà dư tửu hậu” để ngẫm nghĩ về những gì đã qua và những gì sắp đến, những gì đã làm và những gì chưa làm hoặc chưa dám làm, những gì làm được và cả những gì làm sai…

 Suốt quá trình thực hiện những chuyên đề trên Kiến trúc & Đời sống một năm qua, chúng tôi với vai trò chuyên môn của mình ghi nhận một thực tế: chuyện bếp, chuyện phòng ngủ, việc chọn đèn sang, chọn gạch... sao năm nào cũng nói mà năm nào cũng... không cũ, cũng có chuyện để mà “biết rồi, khổ lắm...!”

 

 

Dân mình vốn được tiếng thông minh, học trò học để thi cử rất giỏi, nhưng sao ra làm việc lại lóng ngóng, khi làm chủ nhà lại thích bắt bẻ, sao chép vụn vặt? Công nghệ xây dựng và vật liệu mới cập nhật hàng giờ hàng phút, nhưng không nhiều công trình mới của ta xứng tầm quốc tế, loay hoay mãi vẫn chưa giải xong bài toán chia nhỏ căn hộ và nhà ở xã hội... Để tìm lời giải cho những câu hỏi này thật không dễ chút nào, và câu chuyện đầu năm này không hẳn đi vào một chuyên đề cụ thể, mà xin được xoay quanh ba ngày tết, những tản mạn và chút suy ngẫm.

 

TỪ CHUYỆN ĂN TẾT… Tết đi đâu, đến nhà ai cũng đều gặp bánh chưng với thịt kho, dưa món củ kiệu, bia lon rượu chai… Đành rằng đây là phong tục tập quán của dân tộc nhưng đâu có ai cấm ta ăn món khác trong dịp tết? Dù có là món truyền thống rất đặc sắc nhưng nếu ăn liên tục tù tì mấy ngày liền tất nhiên sẽ ngán. Biết ngán nhưng chẳng ai quan tâm nên chăng có thay đổi hoặc chí ít cũng có bổ sung món ăn khác lạ. Tại sao các bà nội trợ không thử nhân dịp tết trổ tài làm vài món ăn đặc biệt, món độc đáo, món sở trường lạ miệng? Để không những vừa có một điểm nhấn ẩm thực thú vị “miếng ngon nhớ lâu”, lại vừa là món quà độc đáo của gia chủ tạo nên sự phong phú thú vị cho dịp ăn tết đúng theo nghĩa đen của từ ăn.

 

Suy ngẫm: có lẽ thế mà khi sang chuyện làm nhà, đa phần gia chủ đều chọn những giải pháp “an toàn”, những vật liệu ai cũng dùng lâu năm và rất ngại thay đổi về quan niệm, tìm tòi không gian hấp dẫn hay cập nhật xu hướng kiến trúc bền vững trên thế giới. Câu cửa miệng quen thuộc là: thôi, nhà mình có gì đâu, tôi thích đơn giản... như một kiểu chịu đựng đã thành quen. Nhưng đơn giản với đơn điệu tẻ nhạt là hai khái niệm rất khác xa nhau.

 

ĐẾN CHUYỆN CHƠI XUÂN. Nhiều người giờ đây chọn phương án đi du lịch xa nhà để “trốn” thăm hỏi họ hàng, tránh các độ nhậu liên tu bất tận trước, trong và sau mấy ngày tết. Điều này mới nghe thấy khó có thể chấp nhận đối với đại đa số dân chúng vì mọi người vẫn trân trọng quan niệm truyền thống sum họp bên chung trà chén rượu ngày tết. Đó là chưa kể đến hàng triệu nhân lực làm việc xa quê chỉ có dịp tết là quãng thời gian ngắn ngủi để họ trở về thăm gia đình họ hàng, tận dụng nghỉ tết chăm sóc người thân...

 

Nhưng nét đặc trưng “về quê ăn tết” đó của văn hoá Việt Nam đang bị lung lay bởi tình hình kinh tế chưa khởi sắc mà vấn nạn bao năm tàu xe kẹt cứng trước và sau tết hầu như khó thay đổi, bởi những tốn kém quá mức bình thường mà phải gọi đích danh là lãng phí ở những bộ phận cư dân chưa hề ổn định thu nhập chứ không nói gì khấm khá. Còn cư dân đô thị, những người quanh năm không phải xa gia đình thì lại khó tìm kiếm được những không gian và hình thức giải trí tiện ích, an toàn, mới lạ, hấp dẫn, tại nơi cư trú, cho nên các tour du lịch xa thường hay cháy vé trong dịp lễ tết mà nội dung cũng chỉ như ngày thường: đi tàu xe, tham quan, ăn uống, mua sắm, rồi về đi làm lại… chứ chẳng lẽ nằm nhà trùm mền suốt tết?

 

Suy ngẫm: để chấp nhận và tạo ra nếp nghĩ mới, trước tiên phải dọn dẹp nếp nghĩ cũ. Mọi sự nháo nhào khi cứ gần tết là thợ thuyền đòi nghỉ, gia chủ hối thúc. Các cột mốc lễ lạt, tết nhất, chào mừng, kỷ niệm... khiến công trình lớn nhỏ đều vướng bệnh “lầy lội tiến độ”, bình thường chả thấy làm ăn, gần tết nở rộ siêng năng đào đường!

 

QUA CHUYỆN KINH DOANH. Thông thường ở xứ văn minh, cuối năm các hãng luôn hạ giá, khuyến mãi lớn đồ gia dụng, thực phẩm… để tận dụng thời điểm xài tiền nhiều nhất của dân chúng nhằm tăng doanh số và uy tín. Nhưng giới kinh doanh xứ Việt thì lại có một sự “phá cách” đã thành nếp: lợi dụng tết để... tăng giá vô tội vạ! Làm riết dân chúng cũng quen câu cửa miệng “tết mà” khi thấy giá sắp tết thì lên, trong tết giữ nguyên và sau tết không xuống nữa! Phải chăng vì ai cũng vậy nên mình không làm ắt thành người ngoài hành tinh?

 

Việc kinh doanh ở Việt Nam còn thêm kiểu “không giống ai” nữa, đó là việc nhái thương hiệu, ăn cắp thương hiệu. Nhiều quán ốc nằm cùng một con đường đều có cùng tên quán và chỉ khác nhau ở phần “ghi chú” ốc cũ, ốc gốc, ốc không chi nhánh... Tại sao người ta không chịu động não nghĩ ra sản phẩm kinh doanh khác có thể tận dụng chung nguồn khách của nhau? Ví dụ bên này bán ốc thì bên kia bán chè, khách ăn ốc xong thì qua ăn chè, liên hoàn khép kín có hơn không. Chuyện quán xá nhỏ nhặt mà bát nháo hỗn tạp thiếu tương trợ, nhường nhịn thì hỏi sao chuyện lớn hơn như thiết kế xây nhà không rơi vào mê hồn trận! Cũng gạch giống nhau mà mua hàng trôi nổi giá rẻ gấp mấy lần chính hãng thì ai cầm lòng cho được, chỉ chết doanh nghiệp sản xuất ngậm đắng nuốt cay!

 

Suy ngẫm: việc bội thực thông tin nhưng lại thiếu chọn lọc và minh bạch thông tin khiến gia chủ bây giờ làm nhà... khổ và khó hơn gia chủ thuở trước. Mua gạch gì giữa rừng sản phẩm thật giả mơ hồ, chọn giám sát nào đây khi ai cũng nói coi chừng giám sát bắt tay với thi công? Thôi thì... hên xui, và thường những người làm chuyên môn nghiêm túc lại hay gánh chịu cái khó chịu xét nét của gia chủ bởi lòng tin đang trở thành thứ xa xỉ phẩm thời nay.

 

Dù ngôi nhà mang chất truyền thống hay hiện đại, luôn cần thiết những chắt lọc, sáng tạo có tính chuyên môn và sự ứng xử đúng mực của người sử dụng để tạo nên văn hoá ở đích thực.

 

CHUYỆN SÁNG TẠO VÀ BẢN QUYỀN. Có một nét đặc thù trong các lĩnh vực có tính sáng tạo ở Việt Nam – nhất là thiết kế kiến trúc và nội thất – đó là sự bắt chước tràn lan với mức độ nhiều ít khác nhau. Chuyện “vi phạm bản quyền tác giả” kiểu này rất đa dạng từ ngấm ngầm sao chép “nếu không nói ra thì không ai biết” cho đến trắng trợn ăn cắp ý tưởng lộ liễu tuy ai cũng thấy nhưng chẳng thấy ai kiện ai ra toà!

 

Câu nói từ phía gia chủ mà các nhà thiết kế thường hay nghe nhất là “anh/ chị vẽ giúp tôi căn nhà giống y như một căn nhà ở chỗ xyz”. Sao các gia chủ không yêu cầu nhà thiết kế làm một căn nhà độc đáo khác biệt để... người khác phải ngước nhìn, chứ sao lại đi bắt chước nhỉ? Sao gia chủ không biết rằng bên trong ngôi nhà “sinh đôi” với nhà mình là những con người khác, ăn ở khác, phương hướng khác thì cái hình thức giống nhau ấy quả thật mới khó khăn làm sao khi gán ghép gượng gạo hình hài này vào nội dung kia?

 

Dù rằng việc thiết kế có thể mang dáng dấp, mang phong cách của một công trình đã có, nhưng nó khác với việc “sao y bản chánh” vốn là điều tối kỵ trong mọi hoạt động sáng tạo. Hay là cụm từ “thiết kế” nghe vẫn xa lạ với chủ đầu tư, để từ đó chất xám sáng tạo ở xứ mình là một cái gì đó mơ hồ, rẻ bèo, khó bảo vệ và khó định giá, còn việc “vẽ kiểu nhà” mà thực chất là ăn cắp mẫu mã gán ghép lung tung nghe ra lại dễ dàng hơn, ít nhất là ở khâu trả tiền: mấy bản vẽ thế này thì chỉ trả tiền... giấy mực chút đỉnh mà thôi!

 

Suy ngẫm: sự sáng tạo khác với thông lệ, sự phá cách để cái mới tốt hơn, hợp hơn nếp cũ, sự phản biện để tìm ra chân lý luôn là những điều rất cần thiết để thúc đẩy phát triển, rũ bỏ trì trệ. Cái gì một chiều, áp đặt, chủ quan, theo số đông cũng đều gây ra nhàm chán ù lì, mê muội… Một dịp nghỉ tết ăn cái gì, chơi ở đâu sao cho tiết kiệm, văn minh, khoẻ mình không hại người... năm nào cũng thấy giăng khẩu hiệu, nhưng làm gì thì mạnh ai nấy làm, vừa là số đông mờ nhạt vừa không đủ sức thay đổi nếp cũ èo uột, tốn kém.

 

Những quan điểm phá cách, những ý tưởng phản biện lắm khi lại gây ra “ném đá” ngược chiều. Câu cửa miệng “tết mà” sẽ còn tồn tại đến bao giờ khi mọi thứ giá cả rủ nhau leo thang cận tết? Và những kiến trúc sư, nhà thiết kế chân chính sẽ mòn mỏi chờ đợi đến khi nào để những luật định bảo vệ về quyền tác giả sáng tạo, năng lực tư vấn, phản biện của mình được thừa nhận? Hướng tới sự văn minh và xã hội đủ nhân văn trong cư xử là điều làm con người bình thường ai cũng mơ ước, nhưng có lẽ chặng đường ấy luôn đầy rẫy gian nan, mà cứ mỗi dịp xuân về lại đành phải ngồi với nhau đôi chút, để mà nhìn lại, để mà ưu tư.

 

KTS Trần Phụng Tiên Phuông

Ảnh: NGUYÊN LAM

Theo SGTT

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *