Đời Sống 09/05/2014 07:36

Trưng bày tranh và ảnh “Câu chuyện của Nem”

FICA - “Câu chuyện của Nem” giới thiệu những tác phẩm do Nem - tên thật là Hà Đình Chí - sáng tác. Em mắc hội chứng tự kỷ bẩm sinh.

Từ ngày 8/5 đến ngày 15/5, Ban Hành động vì Sự Phát triển Hòa nhập (IDEA) phối hợp với Trung tâm Kinh tế và Phát triển Cộng đồng (ECCO), nhóm phụ huynh trẻ Tự kỷ tổ chức Trưng bày tranh và ảnh “Câu chuyện của Nem”, nhằm hưởng ứng chủ đề “Giáo dục và Khuyết tật” của Tuần lễ toàn cầu hành động vì giáo dục cho mọi người năm 2014 tại Trung tâm KAI Art, Tây Hồ, Hà Nội.

 Qua thời gian, hội họa đã trở thành phương tiện để Nem tư duy và giao tiếp với thế giới bên ngoài.

 

“Câu chuyện của Nem” giới thiệu những tác phẩm do Nem - tên thật là Hà Đình Chí - sáng tác, em mắc hội chứng tự kỷ bẩm sinh. Nem gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân và giao tiếp qua lời nói, cử chỉ, hành động. Tuy nhiên, thiên khiếu hội họa nảy mầm từ rất sớm đã cho em khả năng để khắc họa lại thế giới màu sắc và đa dạng của mình bằng những bức tranh đầy cảm xúc. Qua thời gian, hội họa đã trở thành phương tiện để Nem tư duy và giao tiếp với thế giới bên ngoài.

“Nem dường như không có nhu cầu chia sẻ và chơi với bạn, nhưng có nhu cầu chia sẻ và chơi với những nét vẽ trên tờ giấy trắng. Nem say sưa hàng tiếng đồng hồ với những hình ảnh muôn hình muôn vẻ trong đầu của bạn ấy,” chị Lan Phương, mẹ Nem chia sẻ.

Bên cạnh mục đích trưng bày những tác phẩm của Nem, khán giả còn được ngắm nhìn thế giới qua một nhãn quan hoàn toàn khác biệt - một trí tưởng tượng rất riêng và một cách thể hiện đầy ngẫu hứng. Qua đây, khán giả tiếp cận cuộc sống thực của một trẻ tự kỷ, mà qua đó, những bậc cha mẹ nói chung sẽ thấy học hỏi được rất nhiều cho việc giáo dục và tiếp cận với chính con cái mình, đặc biệt là tính kiên nhẫn.

Cũng như trẻ không khuyết tật, trẻ khuyết tật có những tiềm năng riêng, những nhu cầu căn bản và cả mưu cầu hạnh phúc. Việc phát triển trong cùng môi trường lành mạnh sẽ giúp tất cả trẻ em phát huy những khả năng tiềm ẩn để đạt tới thành công trong tương lai. Theo Chiến lược phát tiển Giáo dục 2011 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mục tiêu là giáo dục hòa nhập được thực hiện ở tất cả các cấp để đến năm 2020, có 70% trẻ khuyết tật đi học.

Thực tế cho thấy, số lượng trẻ khuyết tật được đi học cấp mầm non và tiểu học ngày càng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ người khuyết tật, trong đó có trẻ khuyết tật, tốt nghiệp tiểu học thấp khoảng 38%1. Năm 2010, khoảng 35% người khuyết tật trên 16 tuổi không biết đọc biết viết2, tỷ lệ người khuyết tật có trình độ từ trung học chuyên nghiệp trở lên là dưới 3%.

“Cộng đồng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật và về khả năng phát triển của trẻ khuyết tật khi được giáo dục. Câu chuyện của Nem được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều thay đổi về nhận thứ và quan trọng hơn hết, là sẽ mang đến cho trẻ khuyết tật cơ hội để sống và thể hiện bằng tiếng nói của chính mình ”, bà Nguyễn Hồng Oanh, Trưởng Ban IDEA cho biết.

An Hạ

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *