Đời Sống 03/12/2013 09:05

Tràn lan thuốc kích phọt giá đỗ, ép chín hoa quả: Cả cộng đồng bị đầu độc

FICA - Vụ bắt quả tang xe tải chở 80.000 ống thuốc kích phọt rau mầm đã “lột trần” bức màn đen của thực trạng nhiều người dân đã và đang lạm dụng thuốc ngoài luồng để sản xuất nông sản, thực phẩm “độc”, bất chấp những hiểm họa về sức khỏe với cộng đồng.

Thuốc kích thích Trung Quốc náo loạn thị trường rau quả


Từ nhiều năm qua, mối lo ngại về các loại rau mầm, giá đỗ cũng như rất nhiều loại trái cây, rau xanh và thịt, cá nhiễm kim loại nặng, chất kích thích tăng trọng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc “thúc chín tố”, “tăng phọt”… đã được nêu ra nhưng sau đó vẫn không được cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Rút cuộc, mọi thông tin vẫn mập mờ, người dân cũng chỉ biết “bán tín bán nghi”.

Thế nhưng, bức màn đen của thực trạng hàng vạn gia đình đang bị đầu độc âm thầm bởi các loại thuốc kích thích nguy hại đã bị bóc trần khi lô hàng lên tới 80.000 lọ thuốc kích phọt rau mầm bị bắt giữ.

Lô hàng 80.000 ống thuốc kích phọt rau mầm đã “lột trần” bức màn đen thực phẩm độc hại.

Vụ việc chấn động bị phát hiện vào rạng sáng ngày 13/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 (Hà Nội) đã phát hiện, bắt giữ chiếc xe tải mang BKS 29C-21528 bên trong chứa 80.000 ống thuốc dạng lỏng trong suốt được nghi là thuốc kích thích cây trồng tăng trưởng tại khu vực Yên Viên-Gia Lâm (Hà Nội).

Toàn bộ lô hàng không có tem nhãn phụ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Nhãn mác, bao bì các hộp và ống thuốc đều bằng chữ Trung Quốc. Theo khai nhận thì lô hàng được đưa từ Trung Quốc về Hà Nội qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là lô hàng không chỉ đem về tiêu thụ ở Hà Nội và các địa phương lân cận mà mục đích là sẽ đưa vào tận các tỉnh ở miền Nam như Quảng Ngãi, Phú Yên và TPHCM để tiêu thụ.

Qua phiên dịch sơ bộ trên nhãn mác, bao bì sản phẩm ống thuốc thì đây là loại dùng cho các loại rau mầm. Theo đó, thuốc có thể khiến cho một cây rau mầm lớn thêm 2- 3cm trong vòng 4-5 tiếng đồng hồ.

Rõ ràng, vụ bắt giữ quả tang xe tải chở 80.000 ống thuốc kích thích sinh trưởng đã thêm một lần khiến người dân không thể ngồi yên bởi việc rau mầm, giá đỗ tồn dư nhiều chất kích thích độc hại đã không còn chỉ là thông tin "bán tín bán nghi".

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì từ vài năm trước, hiện tượng sử dụng thuốc kích thích để làm rau mầm, giá đỗ đã khá rộ tại các làng quanh Hà Nội. Bởi đây là thị trường tiêu thụ lượng rau xanh, giá đỗ khổng lồ. Giá đỗ nếu làm theo cách thông thường thì phải sau 2-3 ngày mới được một mẻ, cọng giá cũng không được mập và trắng nên không bắt mắt. Do nhu cầu của các nhà hàng, quán ăn và bữa ăn của hàng vạn gia đình ngày càng tăng cao nên các cơ sở sản xuất đã nhanh chóng sử dụng thuốc kích thích để tăng sản lượng, mẫu mã và rút ngắn quy trình sản xuất.

Do là chất cấm sử dụng nên hầu như các loại thuốc đều được nhập lậu, không rõ tên và nhãn mác hoàn toàn bằng chữ nước ngoài, nông dân cũng không rõ hướng dẫn sử dụng, thành phần của thuốc, các độc tố như thế nào…

Đáng buồn là từ nhiều năm nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật lậu, trong đó có thuốc kích thích sinh trưởng và thúc chín tố, kháng sinh cấm vẫn đã và đang âm thầm tuồn vào nội địa qua các cửa ngõ biên giới phía Bắc. Do việc quản lý của các cơ quan chức năng quá lỏng lẻo nên từ Hà Nội, “vấn nạn” đã lan vào tận các tỉnh phía Nam.

Tại TPHCM trong năm 2012 đã rộ lên tình trạng rau mầm, giá đỗ có thuốc kích thích. Sau đó, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế vào cuộc thì mới khẳng định có chất cấm trong giá đỗ và đã… “nhắc nhở” các cơ sở vi phạm. Vậy nhưng gần đây, thực trạng sử dụng tràn lan các loại thuốc kích thích rau xanh, thực phẩm, nhất là trong dịp mùa đông - cuối năm nhu cầu tăng cao, quy trình sinh trưởng của cây trồng bị chậm lại do ảnh hưởng thời tiết lạnh lại khiến dư luận xôn xao bức xúc.

Cả cộng đồng đối mặt hiểm họa bị đầu độc

Tràn lan thuốc kích phọt giá đỗ, ép chín hoa quả: Cả cộng đồng bị đầu độc.

Không chỉ thuốc kích thích sinh trưởng mà gần đây, thuốc thúc chín tố cũng đang tràn ngập thị trường nội địa và nguồn cũng đều là nhập lậu từ Trung Quốc. Tại miền Bắc, người nông dân đang sử dụng “thúc chín tố” để ép chín trái quy trình đối với các sản phẩm được nhiều người tiêu dùng sử dụng hàng ngày như chuối, mít, đu đủ… Còn ở miền Nam, thuốc được ép chín sầu riêng, xoài, dứa…

Trước vụ bắt quả tang xe chở 80.000 ống thuốc kích thích sinh trưởng, cũng tại Hà Nội, cơ quan thanh tra bảo vệ thực vật thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội đã phát hiện một cơ sở ở thị trấn Quảng Oai-Ba Vì (Hà Nội) đang tàng trữ tới 1.500 ống “thúc chín tố” Trung Quốc. Đây là những vụ bắt giữ đầu tiên của cơ quan chức năng và đó cũng chỉ là một phần nổi nhỏ của “tảng băng chìm” đã tồn tại từ nhiều năm qua.

Theo TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc sử dụng thuốc tăng trưởng và thúc chín tố là rất nguy hiểm vì làm cho nông sản chín hoặc phát triển nhanh trái quy trình. Theo ông, chẳng cần phân tích nhiều, loại thuốc mà chỉ sau vài tiếng đồng hồ hoặc qua một đêm đã làm cho trái chín vàng, cọng rau dài vọt hẳn ra thì tồn dư chất kích thích là không tránh khỏi và ảnh hưởng rõ tới sức khỏe người tiêu dùng.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật- Bộ NN-PTNT, trước lô thuốc 80.000 ống kích thích sinh trưởng bị bắt tại Hà Nội thì tại các tỉnh phía Nam cũng đã từng bắt được các lô hàng như vậy. Trong năm 2012, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức xét nghiệm các mẫu giá đỗ và rau mầm bị nghi có thuốc kích thích trên địa bàn TPHCM. Kết quả cho thấy có sự tồn dư hàm lượng ở mức cao của hoạt chất Cytokinin (hàm lượng 28%). Ở Việt Nam, hoạt chất này nằm trong danh mục thuốc điều hòa và kích thích sinh trưởng được phép sử dụng, và không phải là nhóm thuốc có tính độc nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất thấp.

Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Hồng cũng bổ sung rằng, để phân tích một mẫu thuốc bảo vệ thực vật là rất khó vì có hàng ngàn hoạt chất khác nhau, để thử được hết cần phải có khoản kinh phí lớn. Do điều kiện phân tích của chúng ta chỉ có hạn nên ngoài hoạt chất Cytokinin, còn có hoạt chất gì nữa, độc hại ra sao thì không thể biết được.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã cấp phép lưu hành cho 32 hoạt chất thuốc có tác dụng điều hòa và kích thích sinh trưởng (thuốc đã kiểm nghiệm và cơ bản là đảm bảo an toàn nếu được sử dụng đúng theo quy trình, liều lượng). Tuy nhiên, hầu như nông dân vẫn đang sử dụng các thuốc “ngoài luồng”. Theo điều tra của Cục Bảo vệ thực vật, các thuốc điều hòa, kích thích sinh trưởng nhập lậu phổ biến nhất là thuốc kích thích giá đỗ, thuốc kích thích trái cây chín (hầu hết là Ethephon), và thuốc kích thích rau ăn lá (hầu hết là GA3).

Theo nhiều chuyên gia, việc để các loại thuốc kích thích độc hại ngày càng tràn vào thị trường nội địa thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Từ nhiều năm nay, tình trạng chung là khi nào có sự cố thì các cơ quan chức năng mới đi kiểm tra, rồi thu thập mẫu, chờ phân tích và trả lời kết quả theo kiểu “trấn an dư luận”. Điệp khúc thường cứ lặp đi lặp lại như thế. Rút cuộc, thuốc cấm - thuốc lậu vẫn đang gây náo loạn thị trường.

 Anh Thế - V.Phúc

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *