Đời Sống 27/01/2015 08:54

Thu tiền tỷ từ cây “vàng” phật thủ

Những vườn phật thủ vàng ươm hứa hẹn một vụ bội thu tiền tỷ cho nhiều nông dân ở xã Yên Sở, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức Hà Nội). Vào dịp Tết Nguyên đán, có những quả phật thủ giá cả chục triệu đồng. Nhiều nông dân trồng phật thủ ở Đắc Sở đang thu vàng, thu bạc từ loại cây này.

Những vườn phật thủ bạc tỷ của nông dân xã Đắc Sở đang vào vụ

Thu lãi 30-60 triệu đồng/sào

Trong cái nắng hanh hao, những vườn phật thủ trên cánh đồng thôn Diềm Xá, xã Đắc Sở vàng ruộm một màu. Những cây phật thủ lúc lỉu quả, nhà vườn phải gia cố thêm bằng giàn tre nứa. Ai cũng phấn khởi, khi nói về loại cây cho thu nhập hàng chục triệu đồng/sào này. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở không giấu được niềm vui khi đưa chúng tôi đi thăm vườn quả của gia đình. Nhà chị trồng khoảng 8 sào (gần 3.000m2) phật thủ, ngoài ra, còn thuê thêm hơn 7 sào ở xã Yên Sở, đến nay đã 5 năm. Trung bình mỗi sào, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công lao động… gia đình chị Thủy vẫn thu về khoảng 30-40 triệu đồng. 

Chị Thủy chia sẻ, phật thủ là cây cần chăm sóc tỉ mỉ: “Yêu cầu trước tiên là thổ nhưỡng phải phù hợp, thứ đến là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Nếu không có đủ 2 yêu cầu này thì khó có thể thành công với cây phật thủ”. Bất chấp sự khó tính của giống cây này, Đắc Sở vẫn được xem là nơi người dân trồng phật thủ lớn nhất cả nước. “Phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, vườn bên Yên Sở của gia đình tôi đã được bán cho thương lái với giá trị hơn 400 triệu đồng. Các vườn của nhiều gia đình khác cũng được bán với giá từ 300 đến 900 triệu đồng. Nếu bán lẻ thì tùy vào chất lượng, có thể dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng/quả”, chị Thủy cho hay.

Anh Tạ Hữu Đáng, thôn Diềm Xá, xã Đắc Sở mới tham gia trồng phật thủ được khoảng 2 năm nay nhưng đã là một trong những hộ nông dân tiêu biểu, trồng phật thủ cho năng suất cao ở xã Đắc Sở. Gia đình anh trồng khoảng 2 mẫu phật thủ (7.200m2), trung bình lãi khoảng 60 triệu đồng/sào. Vườn phật thủ nhà anh toàn những quả to, bóng vỏ và sai trĩu, nhuộm một màu vàng tươi. Anh Đáng cho biết, quả phật thủ giá cao nhất anh đã từng bán là 12 triệu đồng. “Hầu hết nhà vườn trồng phật thủ ở Đắc Sở đều bán buôn cho các thương lái. Họ thu mua cả vườn, mình chỉ là người trông giữ giúp họ, đến ngày họ sẽ đến thu hoạch và chở đi tiêu thụ”.

Mong chờ thương hiệu “phật thủ Đắc Sở”

Từ những năm 2000, xã Đắc Sở đã biết đến cây phật thủ và đến nay, diện tích đã tăng lên hơn 200ha, trong đó khoảng 100ha được trồng trên đồng ruộng của xã, còn lại khoảng 100ha, người dân Đắc Sở đi thuê đất ruộng của những xã lân cận để trồng. Chủ tịch UBND xã Đắc Sở - bà Nguyễn Thị Hường cho biết, năm 2000, có 2 nông dân của xã Đắc Sở là anh Nguyễn Văn Thiết và Nguyễn Đình Lê mang cây phật thủ về Đắc Sở trồng. Sau khoảng 2 năm, bà con trong xã nhận thấy, trồng cây phật thủ cho thu nhập cao nên các hộ đã tìm mua giống và mở rộng diện tích. Đến nay, 70% số hộ trong xã đã tham gia trồng loại cây này. “Để có thể hình thành những cánh đồng lớn trồng phật thủ, ngay từ những năm đầu, xã đã khuyến khích bà con dồn điền đổi thửa, quy hoạch, bê tông hóa đường giao thông nội đồng. Giúp các hộ dân vay vốn ngân hàng để sản xuất”, bà Nguyễn Thị Hường chia sẻ. Đáng nói, trong năm 2014, UBND xã Đắc Sở đã làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký thương hiệu đối với sản phẩm “phật thủ Đắc Sở”. 

Diện tích cây phật thủ đang tăng qua từng năm, tuy nhiên, theo những nông dân Đắc Sở, các ban, ngành của TP Hà Nội và huyện Hoài Đức cần tiếp tục xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để bảo đảm việc mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm. Chính sách ưu đãi vốn cũng cần được quan tâm vì chi phí đầu tư một sào phật thủ khá lớn (từ 25 đến 30 triệu đồng) trong khi người nông dân luôn phải đối mặt nhiều rủi ro như thời tiết không thuận lợi, cây không đậu quả… 

Theo Tuyết Nhung

Dân Việt

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *