Đời Sống 04/11/2013 06:05

Thị trường thuốc lá tại Việt Nam: 20% là nhập lậu

FICA - Theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, từ năm 2007 đến nay trung bình mỗi năm nước ta tiêu thụ từ 3,8 tỷ đến 4,3 tỷ bao thuốc lá mỗi năm, trong đó thuốc lá nhập lậu chiếm từ 18% đến 22%. Điều này đã kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Quán cóc bày bán công khai

Quanh Hồ Gươm, tại một số tuyến như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay việc bày bán thuốc lá công khai đã tồn tại nhiều năm nay bất chấp quy định cấm buôn bán, hút thuốc lá nơi công cộng. Không cửa hàng, không giấy phép, những bao, “cây” thuốc được người bán xếp trong các thúng nhỏ hoặc dựng thành từng chồng để bày bán cho khách đi đường và khách du lịch. Theo quan sát của phóng viên, khu vực gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trong phạm vị 5 mét có đến 4 cửa hàng thuốc lá di động bày bán theo phương thức này. Địa điểm được lựa chọn để “hạ thúng” thường là những điểm vạch sơn sang đường dành cho người đi bộ hay những nơi tập trung đông người và khách du lịch như những quán ăn và địa điểm đón xe buýt, xe điện du lịch phố cổ.

Ngoài ra tại cửa hàng, quán ăn, bệnh viện thậm chí tại các cổng trường học thuốc lá cũng được bày bán công khai, chủ quán “cóc” sẵn sàng phục vụ những “thượng đế tuổi teen” khi có nhu cầu. Điểm chung của các cửa hàng này đều không có biển thông báo “không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi” theo quy định của pháp luật và sẵn sàng phục vụ khách hàng từ 1-2 điếu đến vài bao tùy theo nhu cầu người mua.

Tang vật thuốc lá lậu do Đội Kiểm soát Hải quan-Cục Hải quan Quảng Trị bắt giữ.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam - cán bộ Cục Quản lý thị trường việc bắt giữ và xử lý hành vi buôn bán, tiêu thụ trái phép thuốc lá tại các quán “cóc”, quán vỉa hè không khó. Mức xử phạt gấp 5 lần giá trị sản phẩm cũng là khung xử phạt cao nhưng do quy mô của những quán cóc này nhỏ, lượng hàng thu được ít, xử phạt tối đa chỉ được từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng nên chưa đủ tính răn đe.

Giải thích vì nguyên nhân dẫn tới tình trạng buôn bán thuốc lá diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: “Nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận nhân dân đối với một số loại thuốc lá điếu ngoại nhập lậu (chủ yếu là Jet, Hero, Esse, Malboro…) còn cao do các mặt hàng này có giá phù hợp và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng do không in hình ảnh cảnh báo. Bên cạnh đó, lợi nhuận thuốc lá điếu ngoại lớn hơn gần 30 lần so với kinh doanh thuốc lá hợp pháp nên nhiều người đã tiếp tay cho đối tượng buôn lậu. Trung bình lợi nhuận mỗi bao thuốc lá lậu Jet, Hero bán được từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/bao so với 200 đồng/ bao khi kinh doanh hợp pháp”.

Lý giải về việc lợi nhuận “không tưởng” đến từ việc tiêu thụ thuốc lá lậu, ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thuốc lá cho biết: “không phải Việt Nam không sản xuất được thuốc lá có chất lượng, hương vị như thuốc nhập lậu nhưng thuốc lá sản xuất trong nước phải chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế GTGT, thuế Thu nhập doanh nghiệp nên giá không thể cạnh tranh về giá với thuốc lá lậu.

Hệ lụy từ điếu thuốc

Theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường trong năm 2012 và 9 tháng năm 2013 lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá ngoại nhập lậu, thu giữ trên 9 triệu bao thuốc lá các loại. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, nếu so sánh với 900 triệu bao thuốc lá nhập lậu trong nước  năm 2012, số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ được chỉ như muối bỏ bể, tỉ lệ này chiếm chưa đến 1%.

Ông Trịnh Hoàng Long - đại điện Tổng công ty thuốc lá Việt Nam cho biết: “Với lượng thuốc lá nhập lậu trung bình 800 triệu bao/năm Nhà nước sẽ thất thu ngân sách 4.000 - 4.200 tỷ đồng/năm và khoảng 400 triệu USD mỗi năm. Đồng thời, sản lượng nguyên liệu mất đi vào khoảng 17.000 tấn/năm (tương đương với diện tích trồng 9.000ha) và 39.000 lao động sẽ mất việc làm trong thời vụ từ 4 đến 5 tháng. Bên cạnh đó, công nhân sẽ mất đi khoảng 160-170 tỷ đồng tiền lương. Đối với DN kinh doanh thuốc lá họ cũng mất đi khoản lợi nhuận từ 240-250 tỷ đồng/năm chưa kể đến một số DN phụ trợ cho ngành thuốc lá.

Cũng theo ông Trịnh Hoàng Long, với đà tiến triển thuốc lá lậu trong vài năm gần đây thì con số thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt mức 1 tỷ bao một năm (tính riêng năm 2012 là 900 triệu bao và 8 tháng đầu năm 2013 là hơn 510 triệu bao) bằng với lượng thuốc lá điếu xuất khẩu của toàn ngành thuốc lá trong nước.

Tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu vừa diễn ra, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có ý kiến cho rằng nên tăng thuế  Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay Thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá đang là 65%, nếu tiếp tục tăng sẽ tỉ lệ thuận với giá trị một bao thuốc lá lậu sẽ tăng theo, việc này gián tiếp sẽ làm tăng thêm sức “nóng” với việc buôn lậu thuốc lá hiện nay, việc kiểm soát thuốc lá lậu sẽ khó khăn hơn.

Theo Quang Tấn

Báo Hải quan

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *