Đời Sống 19/10/2014 13:24

Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

FICA - Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai; tập trung vào giao đất, giao rừng và một số dự án đầu tư tại Đắk Nông giai đoạn 2004-2011.

Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng
 
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại Đăk Nông biểu hiện sự buông lỏng quản lý trong thời gian dài, có nhiều sai phạm khuyết điểm. Việc quản lý bảo vệ rừng còn nhiều yếu kém, nhiều ha rừng bị phá.

 

Trong đó, công tác quản lý của các Công ty MTV Lâm nghiệp bị buông lỏng, diện tích rừng và đất rừng được giao không cân xứng với năng lực thực tế nên không bảo toàn được tài nguyên rừng, đất đai. 

 

UBND tỉnh tạm giao đất, rừng cho 5 doanh nghiệp nhưng không có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho thuê rừng; chưa có hợp đồng thuê đất, thuê rừng; không có dự án đầu tư, là chưa được quy định trong Luật đất đai, gây thất thu ngân sách, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài nguyên rừng. Một số diện tích đất đai, rừng đặc dụng có tài sản trên đất được giao cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh chưa đúng quy định.

 

Kết luận Thanh tra cũng nêu, UBND tỉnh đã cho thuê đất, giao đất, giao rừng cho 39 doanh nghiệp tư nhân nhỏ để thực hiện 40 dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này năng lực yếu cả về tài chính và kỹ thuật; kinh nghiệm trồng cao su, trồng rừng hạn chế, lao động ít; một số doanh nghiệp không có chức năng quản lý bảo vệ hợp pháp.

 

Đáng lưu ý, việc cho thuê diện tích đất, rừng lớn nhưng không phải thuê rừng, không phải đấu giá rừng, được ưu đãi về tiền thuê đất (hàng chục năm sau mới phải nộp tiền thuê đất) gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. 

 

Đặc biệt các dự án tập trung vào chương trình trồng cao su nhưng quy hoạch chưa được phê duyệt, thiếu tính kế hoạch. Diện tích được giao quản lý, bảo vệ nhiều khu vực sát biên giới nhưng không có văn bản thỏa thuận của Ban chấp hành Quân sự tỉnh, Ban chấp hành Bộ đội Biên phòng tỉnh.

 

Trong một thời gian dài, việc quản lý đất, đất rừng của Nông, lâm trường đã bộc lộ sự tồn tại bất cập về cơ chế, về tổ chức chậm được sửa đổi. Hậu quả là mất đất, mất rừng với tình trạng trầm trọng.

 

Nhiều dự án thu hồi đất trong đó đang có người dân sinh sống, làm ăn ổn định nhưng không có phương án đảm bảo tái định canh, tái định cư cho người dân, tiềm ẩn xảy ra tình trạng bất ổn, bức xúc. Điển hình là việc khiếu kiện thu hồi đất ở, đất sản xuất của bà con vùng kinh tế mới từ miền Bắc chuyểnn vào huyện Đăk Mil gây khiếu kiện đông người, phức tạp. Đáng chú ý là có 76 hộ dân khiếu nại kéo dài với thời gian trên 25 năm nhưng chậm được giải quyết, gây bức xúc, mất uy tín trong nhân dân.

 

Trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 75 dự án thủy điện. Một lượng lớn đất đai, trong đó có nhiều diện tích rừng đã được huy động cho các dự án thủy điện, làm thay đổi môi trường sống, suy giảm nguồn gen thực động vật... nhưng thu ngân sách lại hạn chế và một lượng lớn gỗ và tài nguyên bị hao hụt, thất thoát khi triển khai dự án. Một số dự án tạo ra tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu nại; nhiều dự án không thực hiện nghĩa vụ tài chính...

 

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm để xảy ra các sai phạm, khuyết điểm được phát hiện qua thanh tra thuộc về chủ tịch UBND tỉnh, thường trực UBND tỉnh, giám đốc các sở Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính...

 

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra sai phạm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Đồng thời, kiến nghị việc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh một loạt vấn đề khác được phát hiện trong quá tình thanh tra. Về tài chính, kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định thu hồi hơn 64 tỷ đồng tiền thuê đất, nợ sử dụng đất...

Phương Dung

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *