Đời Sống 22/05/2018 16:46

Tăng lương công chức 90.000 đồng, ngân sách phải chi thêm 220 tỷ đồng mỗi năm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với các bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó từ ngày 1/7/2018 sẽ tăng lương cơ sở từ mức 1,3 triệu đồng/người/tháng lên mức 1,39 triệu đồng/người/tháng, tăng 90.000 đồng/người/tháng.

Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ sở để tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

cong chuc nha nuoc
Tăng lương công chức, thêm áp lực chi ngân sách

Theo quy định của Chính phủ, 9 đối tượng sẽ được tăng lương, bao gồm cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện, xã và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, lực lượng vũ trang, người hoạt động không chuyên trách....

Về nguồn chi phí tăng lương, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương.

Các bộ, ban ngành cần kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phấn đấu tăng các nguồn thu theo quy định và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương chưa sử dụng hết năm 2017 chuyển sang (nếu có) để bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2018.

Về phía các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2018 tăng thêm so với dự toán năm 2017 được cấp có thẩm quyền giao.

Các tỉnh được sử dụng nguồn 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương thực hiện so với dự toán năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ giao; sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang.

Theo kết quả Điều tra kinh tế xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), tính đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 2,45 triệu công chức, viên chức, lao động hưởng lương tại các đơn vị sự nghiệp. Con số thống kê của các cơ quan độc lập nêu ra trước đó là 2,8 triệu công chức, viên chức và lao động hưởng lương.

Trong khi đó, tổng số lao động khu vực hành chín sự nghiệp năm 2017 là 3,8 triệu người (bao gồm cả lao động không do ngân sách nhà nước chi trả lương, lương do các tổ chức, hiệp hội do doanh nghiệp, ngành hàng lập ra chịu trách nhiệm chi trả).

Nếu tính con số cán bộ công chức mới nhất 2,45 triệu người, với mức tăng 90.000 đồng/tháng lương cơ sở, số tiền ngân sách chi trả cũng lên tới hơn 220 tỷ đồng/tháng.

Theo Quyết định số 172/QĐ-TTg mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 2/2018, số biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách của các cơ quan nhà nước và các hội có tính chất đặc thù trong phạm vi cả nước là 265.106 biên chế.

Trong số biên chế trực thuộc Chính phủ, Bộ Tài chính có lượng biên chế lớn nhất hơn 70.771 người, chiếm hơn 65% tổng biên chế của 22 bộ ngành trực thuộc cơ quan sự nghiệp Chính phủ, Bộ Tư pháp đứng thứ 2 với hơn 10.000 người. Các tỉnh, thành phố, lượng biên chế đông nhất là Hà Nội, TP.HCM với lượt là gần 9.000 người và 8.000 người.

Nguyễn Tuyền

banner_chan-bai
 
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *