Đời Sống 01/11/2013 08:01

Quảng Ninh: “Đẩy” 2 doanh nghiệp kinh doanh xe buýt bên bờ phá sản ?

Chưa công bố chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng thông tin tuyến xe buýt số 01 của tỉnh Quảng Ninh sẽ được đem ra đấu thầu khai thác đã bị rò rỉ ra ngoài gây hoang mang cho hàng trăm lái buýt và đẩy hai doanh nghiệp đang kinh doanh trên tuy trên tuyến này đến bờ vực phá sản.

Tuyến xe buýt 01 của Quảng Ninh có lộ trình đi từ Bãi Cháy - Cẩm Phả - Vân Đồn và ngược lại đang được Công ty Cổ phần BUS Vân Đồn và Cty Cổ Phần xe buýt Quảng Ninh khai thác. Hai công ty này có gần 40 đầu xe chạy trên tuyến 01 với hơn 100 lái, phụ xe vốn là cổ đông.

Năm 2007, do nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng cao, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tìm cách xây dựng tuyến xe buýt 01. Sau một thời gian kêu gọi Công ty CP xe buýt Quảng Ninh đã chính thức tham gia khai thác tuyến 01 với thời hạn 5 năm.

Năm 2008 một số cổ đông của Công ty CP xe buýt Quảng Ninh quyết định tách ra thành lập Công ty CP xe buýt Vân Đồn và cùng song hành khai thác tuyến 01. Tuy nhiên, đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì nền kinh tế rơi vào suy thoái, lạm phát tăng cao, do đó chi phí vận hành cũng tăng theo.

Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tuyến 01 không được tăng giá vé mà vẫn phải giữ nguyên tần suất hoạt động của mình. Khó khăn chồng chất khó khăn nên sang năm 2010, 2 công ty đứng bên bờ vực phá sản do thu không đủ bù chi, ngân hàng đòi phát mại tài sản.

Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh đưa ra thông báo công khai kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác vào khai thác tuyến 01 nhưng kết quả không có đơn vị nào tham gia.

 

Không còn lựa chọn nào khác, UBND tỉnh Quảng Ninh và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh lại phải giao cho 2 công ty này tiếp tục khai thác. Ngay sau đó, 2 công ty đã lựa chọn phương án cổ phần hoá, người lao động mua 49% quyền sở hữu đầu xe còn công ty bỏ ra 51% và phương án này đã trở nên hiệu quả. Số tiền huy động được đã giúp công ty để thanh toán nợ với các ngân hàng, nộp các khoản thuế, phí và lệ phí, trả lương cho công nhân.....

Nhờ vậy, tình hình hoạt động của doanh nghiệp dần được khôi phục, hoạt động vận chuyển hành khách của tuyến buýt ngày càng được đảm bảo. Hai công ty đã đầu tư tăng dần số lượng đầu xe và đến nay đã lên đến 34 đầu xe với 180 lượt chạy mỗi ngày, đạt 130% theo cam kết với tỉnh Quảng Ninh.

Sau thời hạn 5 năm, đầu năm 2012, Công ty CP xe buýt Quảng Ninh đã có văn bản gửi lên Sở Giao thông Vận tải về việc tiếp tục khai thác tuyến này. Ngày 26/10/2012, tại văn bản số 4522/SGTVT - QLVT của Sở Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương cho Công ty CP xe buýt Quảng Ninh tiếp tục được gia hạn hoạt động.

Dựa vào văn bản số 4522, đầu năm 2013 Công ty CP xe buýt Vân Đồn đã ký hợp đồng với Transeco đặt mua 15 đầu xe mới với số tiền trên 18 tỷ đồng, Công ty CP xe buýt Quảng Ninh ký hợp đồng với Chi nhánh Công ty ô tô Trường Hải tại Quảng Ninh đặt mua 10 đầu xe trị giá hơn 11 tỷ đồng… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách.

Điều đáng nói ở đây là thời gian gia hạn chưa lâu, các hợp đồng mua xe chưa kịp đưa vào khai thác, chất lượng dịch vụ vẫn được đảm bảo mà bỗng dưng Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh có thông báo kýngày 9/8/2013 mời 6 đơn vị vận tải trên địa bàn họp về phương án đấu thầu tuyến xe buýt 01.

Hàng trăm cổ công của Công ty CP xe buýt Quảng Ninh và Công ty CP xe buýt Vân Đồn tỏ ra bất ngờ trước quyết định này của Sở GTVT Quảng Ninh.

Các cổ đông cho rằng, nếu không có văn bản chấp thuận số 4522 họ sẽ không đầu tư thêm xe mới, tiền đã đặt cọc và đã bắt đầu nhận một số đầu xe mới về khai thác. Nhiều cổ đông đã cầm cố nhà cửa với Ngân hàng để có vốn đầu tư cùng Công ty, nếu Công ty không trúng thầu, xe của họ sẽ không được khai thác thì việc phá sản là điều chắc chắn. Hơn nữa, xe buýt là loại xe có cấu tạo riêng biệt nên không thể chuyển hướng sử dụng được mà chỉ có thể dùng trong vận chuyển hành khách ở khoảng cách gần.

Hiện Công ty CP xe buýt Quảng Ninh và Công ty CP xe buýt Vân Đồn có gần 40 đầu xe đang khai thác trên tuyến 01. Khi nhận đủ 25 đầu xe mới đã đặt hàng về, tuyến này sẽ có gần 60 đầu xe (trừ đi một số đầu xe đã cũ phải thay thế). Với quyết định đấu thầu của Sở GTVT Quảng Ninh, hàng trăm lái, phụ xe của 2 công ty đứng trước nguy cơ bị mất việc và hàng chục xe buýt bị xếp xó. 

Khi được hỏi về khả năng thắng thầu của CP xe buýt Quảng Ninh và Công ty CP xe buýt Vân Đồn, ông Lê Văn Doanh - Trưởng Phòng Vận tải Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh cho rằng khó vì có một số tiêu chí mà 2 doanh nghiệp này không đáp ứng được, như tiêu chí doanh nghiệp không được nợ ngân hàng. Theo ông Doanh, tiêu chí này đưa ra nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp trúng thầu nhưng không có vốn để đầu tư.

Đại diện lãnh đạo Công ty CP xe buýt Vân Đồn cho rằng đây là một tiêu chí bất hợp lý vì không có văn bản pháp luật nào quy định điều đó. Mặt khác, chuyện doanh nghiệp vay vốn ngân hàng là một chuyện rất bình thường trong hoạt động kinh doanh.

Theo Nam Lý (DDDN)

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *