Đời Sống 27/06/2015 16:42

Ninh Bình: Ngư dân kiếm thêm vài chục triệu mỗi năm từ cây “trời cho”

Fica - Không phải nuôi trồng, rong biển là loại cây mọc tự nhiên ở biển và trong các đầm nuôi trồng thủ sản. Nhờ nguồn thu từ loại cây “trời cho” này mà các hộ dân ven biển của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) mỗi năm có thêm hàng chục triệu đồng.

Rong biển (hay rau câu) là loại rong tảo sống tự nhiên trên biển hoặc các vùng đầm lầy có nước mặn. Do mọc tự nhiên, không phải trồng và chăm sóc mà loại cây này vẫn sống và phát triển nhanh.

Tuy chưa được sử dùng làm món ăn phong phú nhưng rong biển lại là nguồn nguyên liệu chính cho việc sản xuất rau câu. Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa hè việc thu hoạch, mua bán rau câu tại các xã ven biển của huyện Kim Sơn lại nở rộ. Thu hoạch được nhiều và đem lại nguồn thu nhập cao từ rau câu ở Kim Sơn chủ yếu là ở các xã bãi ngang như: Kim Tân, Kim Đông, Kim Trung và Kim Hải. Nguồn rau câu ở đây chủ yếu được người dân thu hoạch trong các đầm nuôi trồng thủy sản.

Rau câu sau khi thu hoạch dưới đầm lên được đem phơi khô
Rau câu sau khi thu hoạch dưới đầm lên được đem phơi khô

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các xã này hộ có diện tích nuôi thủy sản ít (khoảng 1h đầm nuôi tôm) cũng cho thu hoạch được từ 3 – 5 tấn rau câu khô. Các hộ có diện tích đầm nuôi lớn thì sản lượng rau câu còn cao hơn gấp nhiều lần.

Anh Nguyễn Văn Xuân ở xã Kim Trung cho hay, gia đình anh có 3ha nuôi trồng thủ sản, ngoài thu nhập chính từ tôm, cua, cá thả nuôi thì gia đình còn tận thu được hàng chục tấn rau câu rồi phơi khô đem bán. Bình quân mỗi năm gia đình anh Xuân kiếm thêm thu nhập từ rau câu khoảng 40 – 50 triệu đồng.

Gia đình chị Trần Thị Dâng (xã Kim Tân) năm nay có hơn 1ha đầm nuôi tôm. Sau khi thu hoạch tôm gia đình chị tận thu được 3 – 5 tấn rau câu khô. Trong khi đó, mỗi kg rau câu khô có giá từ 4.000 – 6.000 đồng. Với giá rau câu khô cao như trên gia đình chị có thêm hàng chục triệu đồng. “Năm nay nắng nóng tôm chết nhiều thu nhập chẳng được là bao. May có được loại cây “trời cho” mà gia đình tôi có thêm được thu nhập để trang trải không thì khốn đốn” – chị Dâng cho hay.

Một chủ hộ đầu mối thu mua rau câu ở huyện Kim Sơn cho hay, sản lượng rau câu năm nay tăng cao do tiết trời thuận lợi để loại cây này phát triển. Ba xã Kim Tân, Kim Đông, Kim Trung ước khoảng được 3.000 tấn rau câu khô. “Từ đầu năm đến nay gia đình tôi đã thu mua được hơn 300 tấn, sau khi thu gom gia đình phơi lại đóng bao chở ra Hải Phòng, Hải Dương bán cho các nhà máy sản xuất thạch rau câu” - anh Cao Văn Tứ chủ hộ thu mua rau câu cho hay.

Rau câu sau khi thu hoạch dưới đầm lên được đem phơi khô
Vài năm trở lại đây, cây "trời cho" này đã đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho ngư dân ven biển huyện Kim Sơn

Ông Nguyễn Cao Sơn - Phó phòng NN&PTNT huyện Kim Sơn cho biết, huyện có 6 xã bãi ngang nuôi trồng thủy sản. Thu hoạch rau câu được nhiều chỉ có 3 xã mép nước là Kim Đông, Kim Trung và Kim Hải. Những năm gần đây, rau câu cho người dân thu nhập ổn định. Tuy nhiên huyện chưa có định hướng phát triển loại cây này.

“Râu câu ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản rất lớn, nó làm hạn chế lượng ô xy trong nước của đầm nuôi sẽ ảnh hưởng đến năng suất các loại thủy sản khác. Dù cho thu nhập cao nhưng đây chỉ là nguồn tận thu. Thủy sản mới là thu nhập chính và là chiến lược phát triển kinh tế của huyện, tỉnh” – ông Sơn nói.

Thái Sơn
 
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *