Đời Sống 04/01/2015 14:01

Những "thói xấu" của Tây khi sống ở VN

Đừng tưởng người Tây lúc nào cũng lịch thiệp, ga lăng, cư xử có văn hóa, một số người làm bạn "té ngửa" vì ngạc nhiên khi phát hiện tính nết, chiêu trò quái gở của họ.

Cứ tưởng thiên nga...

 

Cô nàng Arletta người Pháp làm trong ngành du lịch ở Việt Nam đã hơn 8 năm. Tuy không thành thạo tiếng Việt nhưng Arletta có thể hiểu tiếng Việt và trả lời tương đối sành sỏi. Cô được đánh giá là người có năng lực nhưng mối quan hệ với đồng nghiệp thì không được suôn sẻ. Chị Liên, trưởng bộ phận nhân sự, cho biết công ty du lịch cũ Arletta làm đánh giá cô là người có năng lực, hòa đồng lúc cô mới sang Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi làm việc được hơn 6 năm thì đồng nghiệp cho biết tính tình Arletta dần thay đổi, các nhân viên khó chịu nên đồng loạt tẩy chay.

 

Nhiều người nước ngoài đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Ảnh minh họa

 

Càng về sau, thay vì nhận lỗi từ những bản hợp đồng cô tính giá sai cho khách, Arletta lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhân viên. Mọi người không đồng tình thì cô la mắng, dọa sẽ đuổi việc cả phòng. Phản ứng này xảy ra thường xuyên khiến tâm lý nhân viên luôn căng như dây đàn. Thay vì tìm cách xoa dịu mọi người, Arletta lại còn có những hành động gia tăng căng thẳng: cô đóng cửa mạnh mỗi khi ra vào, cấm mọi người nói chuyện riêng trong giờ làm v.v…

 

Nhiều khi làm việc trước mặt đồng nghiệp nam, cô thản nhiên vắt chân lên bàn. Cô hút thuốc trong nhà vệ sinh dù chị lao công công ty đã thường xuyên nhắc nhở. Cô cũng hay bắt bẻ khả năng giao tiếp tiếng Anh của nhân viên. Gần đây, khi cô mắc lỗi sai sót trong một hợp đồng lớn nhưng không nhận trách nhiệm, hơn nửa số nhân viên các phòng, ban liên quan đã cùng ký đơn xin nghỉ việc nhằm làm áp lực với sếp lớn "trị" Arletta.

 

Tìm cách lách luật

 

Anh chàng người Áo Robert làm trong lĩnh vực kiến trúc đã sống ở Việt Nam 11 năm nên nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Anh thường được công ty thiết kế ở đường Hàn Thuyên, Q.1, TP.HCM cử đi ký kết hợp đồng với đối tác. Trong những lúc trà dư tửu hậu, Robert khoe với đồng nghiệp là khi chạy xe máy nhiều lúc anh ta không thèm đội mũ bảo hiểm, sẵn sàng vượt đèn đỏ, lấn tuyến. Anh cho biết nếu cảnh sát thổi lại phạt thì cứ giả bộ là khách du lịch, chỉ nói toàn tiếng Anh, cảnh sát sẽ thương tình linh động "cho qua".

 

Không chỉ thế, khi ký kết hợp đồng với khách hàng lớn trong nước, đôi khi Robert còn giả vờ không biết tiếng Việt để nghe các đối tác khác nói về giá thầu hay các kế hoạch quan trọng. Lối “đi tắt” trong các bản hợp đồng cũng được Robert xử lý rất khôn khéo khiến nhiều đối tác Việt phải ngạc nhiên trước sự thông thạo của anh ta.

 

Dù hưởng mức lương khá cao khoảng 2.000 USD/tháng nhưng ít khi anh bao đồng nghiệp hay nhân viên mà thường kêu mọi thứ “phải sòng phẳng”. Buổi sáng khi đi làm, mọi người trong công ty đều biết Robert chỉ ăn bánh mì không, chừa bụng buổi trưa ăn cơm ở công ty cho thật no. Nhiều lúc khi đi taxi về đến công ty, anh thường cự cãi với tài xế mức tiền chênh lệch khoảng 50.000 – 60.000 đồng giữa hai chuyến đi, về và yêu cầu tài xế phải giảm giá mới chịu trả tiền.

 

Khi đồng nghiệp tới nhà Robert chơi gặp vợ anh (người Việt) thì nghe cô than thở: “Lấy chồng nước ngoài tưởng ngon nhưng anh ấy giờ kêu ca, lười biếng hay đàn đúm nhậu nhẹt với các anh chàng đồng hương. Nói chung mọi thứ ăn chơi anh ấy không bỏ cái nào”.

 

Cô nàng Charlotta, người Pháp ngoài đi làm trong một công ty chuyên về bất động sản còn mở một cửa hàng ăn uống ở khu vực Q.7. Do đã sống hơn 20 năm ở Việt Nam nên Charlotta hành xử không khác người Việt là bao. Trong cuộc sống hàng ngày cách hành xử của cô đã mang đến không ít những rắc rối. Khi đến bãi giữ xe dù bất cứ ở đâu, đến sau cô vẫn cố chen lên trước. Một lần vì rồ ga chiếc xe Vision giành gửi xe, cô đã bị té bổ nhào nhưng thói quen này sau đó vẫn không thay đổi. Khi ra các cửa hàng Charlotta chen lấn để gọi món, giành chỗ ngồi "nhiệt tình".

 

Đi tham quan các di tích ở Huế, Hội An,... cô cũng dùng tiếng Việt đôi co với người bán về việc tính tiền vé của mình ngang với khách Tây. Cô cho rằng biết tiếng Việt và sống ở Việt Nam lâu năm là đã có thể coi như người Việt Nam rồi. Trong chuyến đi chơi Đại Nam, Charlotta chen lên quầy vé mua trước, trong khi vẫn có hàng dài người xếp hàng chờ. Khi bị nhân viên quầy vé nhắc nhở cô còn nói dối là muốn thử trò chơi này sớm vì sắp trễ chuyến bay trở về Pháp. Mọi người đi cùng nhóm nghe xong chỉ biết ngao ngán trước những trò ma mãnh của cô nàng người Pháp.

 

Theo Đồng Thần

Báo CA TP HCM

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *