Đời Sống 23/05/2014 09:55

Những chỉ huy 8x trên đảo chìm Trường Sa

Tuổi đời còn rất trẻ nhưng gác lại tình cảm cá nhân, họ tình nguyện trở thành những người lính đảo Trường Sa, xông pha nơi đầu sóng. Sức trẻ quật cường giúp họ đạp bằng mọi gian khó, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc với ý chí kiên định không gì lay chuyển nổi.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, Chuẩn đô đốc Quân chủng Hải quân thăm,
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, Chuẩn đô đốc Quân chủng Hải quân thăm,
 động viên các chiến sĩ đảo Trường Sa Đông

Chỉ huy trưởng tuổi 8X

Bất kỳ ai tiếp xúc với Thượng úy Mai Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan B đều có thiện cảm bởi tác phong dễ mến, dễ gần, năng động của anh. Nếu không giới thiệu, cũng chẳng ai nghĩ, chàng thư sinh ấy lại chính là Chỉ huy trưởng một hòn đảo chìm với điều kiện sinh hoạt đầy khó khăn, gian khổ. 

Sinh năm 1986, quê ở Kiến An, Hải Phòng, Thượng úy Mai Thanh Tùng đã quyết tâm gác lại tình cảm cá nhân để tình nguyện ra Trường Sa công tác khi vừa tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân 1. 

Cuối năm 2011, Mai Thanh Tùng bắt đầu nhận nhiệm vụ Phó chỉ huy ở đảo Đá Lớn C, và năm 2013 sang nhận nhiệm vụ ở đảo Tốc Tan B với vai trò Chỉ huy trưởng. Khi được hỏi, động lực nào khiến Tùng tình nguyện ra Trường Sa, một quần đảo xa quê nhà để công tác, Tùng chia sẻ: “Em cũng chỉ nghĩ, với tinh thần của tuổi trẻ “đâu cần thanh niên có”, tuổi trẻ phải xông pha, đứng tuyến đầu, nhận trách nhiệm lớn lao bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Tuy vậy, cuộc sống với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nơi đảo xa, ban đầu cũng khiến người chỉ huy trẻ có phần lo lắng. Song, là một chiến sỹ trẻ đã qua đào tạo, được huấn luyện vững vàng về chuyên môn và lập trường tư tưởng, nên dù gian khó như thế nào Tùng cũng có thể vượt qua, chỉ cần ý chí quyết tâm, kiên định. 

Thêm vào đó, về nhận nhiệm vụ tại đảo Tốc Tan B, với sự năng động của tuổi trẻ, tinh thần học hỏi từ các anh em trên đảo nên Tùng đã nhanh chóng hòa nhập, thích nghi với công việc. “Do đã có thời gian 2 năm làm Chỉ huy phó ở đảo Đá Lớn C, em cũng học hỏi được kinh nghiệm từ các đàn anh nên khi tiếp nhận vị trí Chỉ huy trưởng ở đảo Tốc Tan B mọi việc cũng thuận lợi hơn, bắt tay vào làm việc được ngay. Nhất là khi các anh em trên đảo đều đoàn kết, thống nhất một lòng”.

Cũng sinh năm 1986, Thượng úy Trần Văn Phúc, Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài C, quê ở Ninh Giang, Hải Dương chia sẻ, công tác tại một đảo chìm không thuận lợi như các đảo nổi nên các chiến sỹ, từ chỉ huy đến chiến sỹ đều phải có quyết tâm cao. “Người chỉ huy thì nhiệm vụ nặng nề hơn, phải luôn giáo dục cho chiến sỹ hiểu biết hơn về biển đảo quê hương cũng như tinh thần chiến đấu quật cường của lớp đàn anh đi trước để bảo vệ từng tấc đất, hòn đảo của Tổ quốc. Phải biết khơi dậy lòng tự hào của các chiến sỹ trẻ để anh em vững tâm công tác, chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương”.

Tuổi trẻ chí lớn
 
Chỉ huy Trần Văn Phúc
Chỉ huy Trần Văn Phúc
 
Chỉ huy trẻ Mai Thanh Tùng (bên trái)
Chỉ huy trẻ Mai Thanh Tùng (bên trái)
 

Dù mới 28 tuổi, lại đảm nhiệm trách nhiệm lớn lao, Chỉ huy đảo Thuyền Chài C, một trong những đảo tiền tiêu nhưng Phúc cho hay, anh luôn xác định được nhiệm vụ của mình: xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ hàng đầu. Luôn ý thức tốt và đảm bảo mài sắc ý chí của bản thân, đạp bằng gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó và niềm tin nhân dân đặt trên vai. “Em rất tự hào khi mình là người trẻ tuổi nhưng đã được giữ một  trọng trách lớn. Dù áp lực công việc rất nặng nhưng luôn biết cân bằng, hài hòa để nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu”, Thượng úy Trần Văn Phúc cho hay.

Phúc nhận vị trí đảo trưởng đảo Thuyền Chài C từ tháng 7-2013, sau 2 năm công tác ở Trường Sa. Gia đình không có ai theo nghiệp “nhà binh”, lại neo người, nên ban đầu khi Phúc tình nguyện ra Trường Sa công tác cả nhà đều lo lắng. Song, Phúc khẳng khái: “Với trọng trách là một thanh niên và cũng đã trưởng thành về mọi mặt, mình phải tự quyết định tương lai, cuộc sống của chính mình. Hơn nữa, quyết định này rất chính đáng nên bố mẹ dần dần cũng ủng hộ và tôn trọng, trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn cho em mỗi khi gặp khó khăn”.

Là những người Chỉ huy trẻ nên Thượng úy Mai Thanh Tùng và Trần Văn Phúc vẫn giữ được phong cách thanh niên, luôn tạo được cảm giác gần gũi anh em với chiến sỹ trong đơn vị. Cũng bởi tinh thần “đơn vị là nhà, đồng đội là anh em”, nên khi bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, Phúc có một mong muốn là các ban, ngành cùng địa phương trên cả nước quan tâm, tạo công ăn việc làm cho các chiến sỹ đảm bảo cuộc sống sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại các đảo trở về.

Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào  vùng biển nước ta và đẩy tình hình Biển Đông căng thẳng, hai chỉ huy trẻ  Mai Thanh Tùng và Trần Văn Phúc đều khẳng định: “Anh em ngoài đảo khi đã tự nguyện xin ra Trường Sa công tác đều đã xác định tư tưởng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam. Với trách nhiệm cũng như lòng tự hào là một chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió, nên quyết tâm của anh em đều rất cao và kiên định. Đất liền hãy vững tin, lính Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền quê hương”.

Theo Ngân Tuyền 
An Ninh Thủ Đô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *