Đời Sống 23/01/2018 08:40

Nhót xanh cuốn cải chua rùng mình, ngày ăn 3 suất, chị em công sở vẫn thòm thèm

Vị chua chát của nhót xanh hoà quyện lẫn mùi thơm của rau mùi, chút cay cay của gừng tươi, chút hăng của lá tỏi và vị ngọt mát của bắp cải, chấm cùng chẳm chéo cay nồng vị Tây Bắc khiến chị em nghĩ tới thôi đã phải mở ví.

Nhót xanh cuốn cải chấm chẳm chéo vốn là món ăn đặc trưng của người Thái. Những quả nhót xanh vừa thành quả chưa lâu, thậm chí càng non càng được nhiều người ưa thích.

Nhưng đạt tiêu chuẩn nhất vẫn là những trái nhót xanh mướt vừa đủ tầm, không quá non cũng không quá già, lớp phấn ngoài vỏ mới chỉ mới chớm trắng. Quả cũng phải mềm, mọng nước và có vị chua rôn rốt kèm chút chan chát mới đúng chuẩn vị.

Tuy nhiên, để mua được nhót xanh đã khó rồi, chứ chưa nói tới nhót “chuẩn”. Vì theo chị Nguyễn Ngân Hà, một người chuyên bán đồ ăn vặt Tây Bắc: “Mình chuyên nhập nhót xanh ở Thuận Châu và Mộc Châu (Sơn La). Nhưng nhót xanh khá hiếm và đắt đỏ.”

“Do dưới xuôi toàn ăn nhót chín, ít khi thu hoạch khi nhót còn xanh và thời gian có nhót xanh khá ngắn nên hàng không có nhiều. Không vận chuyển và bán nhanh thì nhót chín mất, lúc đó thì coi như mất”, chị Hà nói.

Vì thế, cứ 1 – 2 ngày, chị Hà lại phải nhập thêm nhót về. Mỗi lần lấy 30 – 40 kg nhót nhưng vẫn “hết veo”. Thậm chí, chị Hà còn không dám bán riêng nhót xanh theo kg vì hàng ít mà bán như thế thì lỗ.


Những đĩa nhót xanh rất gợi cảm

Những đĩa nhót xanh rất gợi cảm

Nhót xanh thì mỗi nơi một giá, nhưng dao động từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, thậm chí có thể hơn tuỳ đợt hoặc tuỳ số lượng. Nhưng không phải cứ muốn là nhập được, chị Hà phải cam kết với vườn là lấy hết nếu có. Thậm chí, nhiều khi có 1 ít quả chín cũng phải lấy kèm, nếu không thì mất mối nhập.

Nhót ngon là một chuyện, nhưng theo chị cho biết: “Món ăn đặc sản này phải có đủ bắp cải không non cũng không già quá, rau mùi, gừng thái lát mỏng. Đặc biệt phải có lá tỏi tươi và quan trọng nhất vẫn là nước chấm chẳm chéo chuẩn vị Tây Bắc.”

“Chẳm trong tiếng Thái nghĩa là “thức chấm”, “chéo” nghĩa là mùi thơm của nhiều loại rau kết hợp lại. Tuỳ vào mục đích, ăn với món gì sẽ có loại chẳm phù hợp. Ở đồng bằng, có muốn cũng khó tìm kiếm được vì không có nguyên liệu”, chị Hà nói.

Còn riêng với món nhót xanh cuốn cải này, chị Hà cho biết: “Chẳm chéo có chẳm chéo khô và chẳm chéo tươi. Nhưng riêng món này phải chấm với chẳm chéo tươi.”

“Nguyên liệu này đặc trưng của Tây Bắc, khó có thể mua được ở Hà Nội. Nếu mua mà không biết rất dễ mua phải nguyên liệu Trung Quốc. Nhất là các nguyên liệu hiếm và đắt như hạt mắc khén, hạt dổi”, chị Hà cho biết thêm.

Anh Nguyễn Công Bảo cũng đang là một đầu mối chuyên cung cấp đặc sản Tây Bắc tại Mỹ Đình cho biết: “Món rau cải cuốn nhót xanh đã có từ rất lâu ở Sơn La quê tôi. Nhưng dạo gần đây lại rất hot trên mạng xã hội. Giá dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/suất có khoảng 1 lạng nhót, rau cuốn và 300 ml nước chấm là hơi cao.”

“Nhưng chẳng hiểu sao khách vẫn đặt khá nhiều, nên tôi cũng nhập nhót về buôn thử. Mấy ngày đầu tưởng khó bán, nhưng ngày nào cũng đều đặn 70 - 100 suất. Tôi còn phải thuê người đi ship hàng vì người nhà làm không nổi”, anh Bảo nói.

Cũng theo anh Bảo: “Nước chấm chẳm chéo này tôi cũng có thể pha được nhưng khá kì công. Vì nó phải giã tay nhiều loại gia vị. Nếu khách đặt nhiều, hàng cứ liên tục xuất đi thì phải ngồi cả ngày ở nhà chỉ giã chày, nghe tiếng bong bong đến đau cả đầu.”

“Không biết món này hot được đến bao giờ, nhưng cứ 2 – 3 ngày lại hết 30 kg nhót xanh thế này thì có đau đầu tôi cũng cố ngồi giã cho hết đống gia vị”, anh Bảo chia sẻ thêm.


Đây thực sự là món ăn mới, lạ miệng với nhiều người

Đây thực sự là món ăn mới, lạ miệng với nhiều người

Chị em công sở chính là đối tượng “tiêu thụ” món chua này tốt nhất. Chị Thanh Xuân- người đang làm việc tại một ngân hàng trên đường Láng Hạ cho biết: “Cả phòng mình 7 người đều thích mê món này. Ăn lạ miệng vì chưa được ăn bao giờ, lại nhiều rau ăn không sợ béo như đồ ăn sẵn bây giờ.”

"Nhiều hôm phải gọi luôn 3 suất to để ăn cho thoả cơn thèm. Cứ đến giờ nghỉ lại bày ra, mấy chị em vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả cũng là một cái thú", chị Xuân chia sẻ.

Tụ tập bạn bè, vừa ăn, vừa cười nói, vừa xuýt xoa vì chua, xuýt xoa vị cay nồng của các gia vị trong cái rét mùa đông bỗng trở thành một cái “thú”. Cái “thú” của một món ăn chơi, nhưng lại vô tình khiến cho mọi người xích lại gần nhau hơn.

Thế Hưng

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *