Đời Sống 30/07/2014 08:34

Nhà máy vàng lớn nhất ngừng hoạt động: Dân, chính quyền bất an

Hơn một tuần từ khi Besra Việt Nam tuyên bố Nhà máy vàng Phước Sơn ngừng hoạt động, cuộc sống của 1.000 công nhân đảo lộn, chủ nợ hoang mang, chính quyền địa phương lo lắng...

Bà Lương Thị Bích Thủy kể lại việc bị Cty vàng Phước Sơn thiếu nợ lâu ngày. Ảnh: N.T Bà Lương Thị Bích Thủy kể lại việc bị Cty vàng Phước Sơn thiếu nợ lâu ngày. Ảnh: N.T.
 

Vỡ nợ dây chuyền

Thôn 4, xã Phước Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) có gần 30 công nhân vừa mất việc vì nhà máy vàng đóng cửa. Ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng thôn 4, nói: “Chúng tôi lo lắng sắp tới nếu Cty không hoạt động trở lại, anh em lại kéo nhau vào rừng làm vàng trái phép, tình hình sẽ rất khó kiểm soát”.

Theo các công nhân, Nhà máy vàng Phước Sơn từng ngừng sản xuất vào tháng 12/2013 khi bị người dân, đối tác bao vây xiết nợ và vào tháng 4/2014 khi bị công nhân chặn đường vì nợ bảo hiểm xã hội của họ. Cả hai lần trước, các công nhân nghỉ việc nhưng vẫn nhận được tiền trợ cấp với gần 2 triệu đồng mỗi tháng.

Sau đó, nhà máy hoạt động trở lại. Tuy nhiên, lần này, với bản hợp đồng bị hoãn, công nhân không được nhận lương trong thời gian thất nghiệp và nhà máy không hứa hẹn ngày hoạt động lại. Công nhân nghỉ không lương, Cty vàng Phước Sơn không thực hiện đầy đủ các khoản về bảo hiểm và chế độ cho họ.

“Chúng tôi đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật. Cty thiếu nợ tiền thuế thì phải trả. Chúng tôi sẽ không cưỡng chế nếu luật quy định là không cưỡng chế”

ông Lương Đình Đường-
Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Nam.

Các chủ nợ của Cty vàng Phước Sơn cũng hoang mang, lo lắng. Ông Đỗ Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) - là đại diện của Cty Quảng An, chủ nợ lớn nhất của Cty vàng Phước Sơn cho biết, Cty vẫn nợ Quảng An 17,5 tỷ đồng.

Từ tháng 12/2013 đến nay, Cty mới trả được 200 triệu đồng, nên Quảng An chưa có tiền trả cho các đối tác góp vốn.

Hiện tại, Cty Quảng An là chủ nợ, nhưng cũng là con nợ của các nhà thầu, ngân hàng và người dân cung ứng sản phẩm. Bà Lương Thị Bích Thủy (44 tuổi, trú tại khối 7, Khâm Đức) đang bị Cty Vàng Phước Sơn nợ 160 triệu đồng tiền đưa đón công nhân. Bà Nguyễn Thị Phước, bán thịt ở chợ Phước Sơn, nói rằng, Cty Quảng An còn thiếu nợ gia đình bà 108 triệu tiền thịt và 600 triệu tiền góp vốn làm ăn.

Bà Ngô Thị Nhuần, chủ sạp bán rau, trái cây ở chợ Phước Sơn, gom hàng của chị em, cung ứng cho Cty Quảng An, với số tiền nợ gần 200 triệu đồng. Bà Nhuần bị tăng huyết áp, tai biến phải nhập viện 5 tháng nay. Chị Đinh Thị Thìn, con dâu bà Nhuần, than thở: “Giờ gia đình khánh kiệt, không biết xoay sở sao. Chỉ mong sao, Cty Vàng trả nợ để Cty Quảng An trả nợ cho dân”.

Huyện lo lắng

Ông Hoàng Hoa, Chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn, cho biết: “Kỳ họp HĐND vừa qua, cử tri địa phương rất bức xúc. Lần đầu tiên, HĐND huyện phải điều chỉnh kế hoạch của ngân sách của huyện đột xuất vì tụt thu theo phân cấp do Cty Vàng Phước Sơn không chịu nộp thuế. Hiện, Cty Vàng Phước Sơn đang thiếu nợ các doanh nghiệp nhà thầu trên địa bàn chưa trả dẫn đến việc vỡ nợ dây chuyền ở địa phương”.

Người dân bao vây nhà máy vàng Phước Sơn đòi nợ vào tháng 12/2013. Ảnh: N.T
 

Theo ông Hoa, huyện đã lên phương án đối phó việc Cty vỡ nợ, ngừng hoạt động vĩnh viễn. Huyện đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động huyện rà soát lại số lượng lao động địa phương làm việc tại Cty, kiểm tra các chế độ, chính sách người lao động; chỉ đạo các ngành chức năng huyện tổng kiểm tra các khoản nợ của Cty còn thiếu trên địa bàn để có hướng đối phó và báo cáo UBND tỉnh có biện pháp xử lý. Đồng thời chỉ đạo công an huyện tăng cường quản lý, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn…

Liên quan việc Bộ TN &MT thống nhất chủ trương cho Cty Vàng Phước Sơn tiếp tục thăm dò trên diện tích 42 km2 tại vùng lõm thuộc Khu bảo tồn rừng Sông Thanh, ông Hoa cho biết, huyện đã nhiều lần đề nghị với tỉnh và trung ương thu hẹp vì diện tích thăm dò quá lớn. Theo ông, việc thăm dò của Cty Vàng Phước Sơn kéo theo tình trạng các đối tượng khai thác trái phép khoáng sản, vàng “ăn theo” làm phức tạp thêm tình hình.

Quảng Nam có thu được nợ?

UBND tỉnh Quảng Nam, Cục thuế Quảng Nam vừa làm việc với Cty Vàng Phước Sơn; phương án của Cty (xin tiếp tục gia hạn nộp nợ thuế), đã không được Cục Thuế chấp thuận. Liệu Quảng Nam có thể truy thu số thuế chiếm hơn 40% tổng số nợ thuế của tỉnh?

Ông Lương Đình Đường, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho biết, tổng số nợ thuế của 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 700 tỷ đồng. Cty Vàng Phước Sơn và Cty Vàng Bồng Miêu nợ 302 tỷ đồng, riêng số nợ của Cty Vàng Phước Sơn là 240 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế Quảng Nam, từ năm 2012 trở về trước, Cty Vàng Phước Sơn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế. Nhưng từ 2012 đến nay, Cty này và Cty Vàng Bồng Miêu liên tục nợ thuế, mặc dù vẫn khai thác và xuất bán vàng.

Theo quy định, nợ thuế phát sinh phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, xác định là Cty có vốn đầu tư nước ngoài nên Cục Thuế chưa gắt gao trong việc truy thu thuế vì nhiều lý do, trong đó có việc đảm bảo môi trường đầu tư, lao động việc làm, việc phát triển cơ sở hạ tầng cho địa phương, việc thu ngân sách của địa phương... Đến tháng 4/2014, tình hình xấu đi, Cục Thuế buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Theo ông Đường, vào năm 2012, có thời điểm Cty Vàng Phước Sơn sản xuất đỉnh cao với 100kg/tháng (tương đương 1,2 tấn vàng/năm), nhưng Cty vẫn không nộp thuế.

Nhà máy vàng tố dân là “cướp”

Ngày 28/7, Tập đoàn Besra Việt Nam gửi đơn đến cơ quan chức năng và báo chí với nội dung: Ngày 26/7, hơn 100 người dân huyện Phước Sơn xông vào kho vật tư của Cty TNHH Vàng Phước Sơn “cướp” hơn 15.000 khay sắt đựng mẫu đá quặng thăm dò (250.000 đồng/khay) cùng với khung sắt kê mẫu, máy vẽ sơ đồ địa chất, thùng đựng mẫu, cửa kéo, dây điện… Trong bản thông báo, Besra gọi đây là một “vụ cướp” gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Hoa, Chánh văn phòng huyện, không hề có vụ cướp nào xảy ra. Nguyên nhân sự việc là do một số người dân sau khi nghe tin Cty vàng Phước Sơn ngừng hoạt động, thấy các vật dụng để ở bãi phế liệu ngoài trời không người quản lý nên đã vào lấy để bán phế liệu.

Công an huyện đã kiểm tra và thu gom khoảng 1.000 khay dùng đựng quặng mà người dân đã lấy đi và tiếp tục thu gom số còn lại. 

Theo Nguyễn Thành
Tiền Phong

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *