Đời Sống 16/12/2014 09:30

Người Việt chưa giàu...đã sang: Chỉ là thích thể hiện

"Xét trên bình diện thực tiễn đều đó có thể còn phức tạp hơn nhiều. Nếu nói về việc thể hiện thì người Việt rất chịu thể hiện".

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đã đưa ra nhận định như vậy khi trao đổi với Đất Việt, xoay quanh câu chuyện người Việt thu nhập còn thấp nhưng rất chịu chơi.

 

Chịu thể hiện

 

PV:-  Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp nhận chứng nhận khu nghỉ dưỡng, nhà hàng sang trọng bậc nhất thế giới. Những thương hiệu đắt tiền bậc nhất về xe hơi, thời trang, trang sức… cũng đang hiện diện ở Việt Nam. Điều này có thể coi nghịch lý khi Việt Nam vẫn thuộc top các nước nghèo, mức lương trung bình chỉ nhỉnh hơn Lào và Campuchia? Ông bình luận như thế nào về điều này?

 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn:- Thực ra nhìn ở bình diện chung, chúng ta thấy như thế. Tuy nhiên, xét trên bình diện thực tiễn điều đó có thể còn phức tạp hơn nhiều. Nếu nói về việc thể hiện thì người Việt rất chịu thể hiện.

Bằng chứng là nhà, xe hơi, điện thoại và hàng loạt những thói quen sử dụng công nghệ khác trở thành sự lựa chọn của nhiều người Việt.

 

Không phải ngẫu nhiên vì Việt Nam là một nước đang phát triển. Nhưng cũng có thể nói đó là biểu hiện của sự khẳng định dựa vào bên ngoài đang được thực thi bởi nhiều người Việt…

PV:-  Đồng ý rằng những khu nghỉ dưỡng, những nhà hàng sang trọng nhằm tới mục tiêu phục vụ khách nước ngoài. Thế nhưng phải hiểu như thế nào về những chiếc xe hơi có một không hai trên thế giới, trào lưu đua nhau xây trụ sở… như cung điện đã được chính các đại biểu Quốc hội phản ánh, những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm “kiểu đại gia” của nhiều cán bộ dự án…? Bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể phân tích, ai là những người được xài sang ở Việt Nam?

 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn:- Tôi cho rằng nếu nói việc đầu tư hình ảnh cá nhân, việc đầu tư cơ sở để có thể kinh doanh – sinh lợi là điều có thể cảm thông.

 

Nhưng có những đầu tư chỉ để đánh bóng mới đáng tiếc. Và nó có thể trở thành xu hướng nếu mỗi một cá nhân không ý thức được, không kiểm soát mình cũng như không biết dừng lại.

 

Đối tượng xài sang có thể là những đại gia đầu tư kinh doanh sinh lợi hữu ích. Cũng có thể là một số bạn trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện và việc đổi trao tiền có thể dễ dàng… và cuối cùng là những đối tượng sử dụng của của một cá nhân hay tổ chức mà không quá lo lắng hay trăn trở. Đó là một thực tế cần thừa nhận.

 

PV:-  Trở lại vấn đề GDP, mức lương trung bình thấp, nhiều chuyên gia đã lý giải đó là do Việt Nam có nền kinh tế gia công, khai thác và bán tài nguyên thô. Vậy phải hiểu sự “sang” này có nguồn gốc từ đâu? Có phải điều đáng mừng khi chúng ta có nhiều người “sang” đến thế, trong khi mức sống của đại đa số người dân vẫn vô cùng chật vật?

 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn:- Sự phân hóa giàu – nghèo là điều đương nhiên trong cuộc sống và nó tồn tại như một thực tế đến thời điểm này. Cần nhìn nhận một số cá nhân giàu sang như là biểu hiện của sự đầu tư – làm ăn hợp pháp.

 

Dù không có cũng phải bằng bạn, bằng em

Dù không có cũng phải bằng bạn, bằng em

 

Nhưng cũng có thể ở một góc độ khác có một số cá nhân thiếu sự mạnh mẽ về kinh tế nhưng vẫn cố gắng minh chứng bằng chị bằng em, tạo cho mình vỏ bọc…

 

Đó là chưa kể điều này sẽ tạo ra một sự mất cân bằng cuộc sống cũng như có thể tạo ra cái nhìn tiêu cực hay những hành vi tiêu cực trong cuộc sống.

 

Không có cạnh tranh thì không lâu mới phát hiện

 

PV:-  Việt Nam không làm được cái bỏ bao bì Samsung nhưng tỷ lệ số người sử dụng những loại điện thoại đắt tiền như vậy cao hơn nhiều so với những nước có mức thu nhập trung bình cao hơn. Đó có phải là một sự phản chiếu mờ những sự “sang” của đại gia hay của những người đặc tuyển nói trên? Phải lý giải việc một đất nước chưa giàu mà đã tâm lý phổ biến là xài… “sang” như Việt Nam như thế nào?

 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn:- Đây là một biểu hiện xài xang khi những những nghiên cứu về vấn đề kinh doanh và tiêu dùng cho thấy người Việt luôn nằm ở top nước đầu tiên chuộng hàng hiệu, hàng điện tử - viễn thông có thương hiệu đắt nhất và luôn cập nhật trên thế giới…

 

Đó có thể là do suy nghĩ và thói quen suy nghĩ hàng nước ngoài mới tốt… Nhưng cũng có thể đó là do thói quen đua đòi và chạy theo mốt thời trang tiêu dùng, thời trang công nghệ đã trở thành lựa chọn khó điều chỉnh…

 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

 

Tuy vậy, cũng không thể quên rằng việc các quốc gia đang phát triển với nguồn nhân lực trẻ sẽ có xu hướng tiêu dùng “không cân bằng” là một biểu hiện tâm lý – xã hội chưa được quan tâm một cách thỏa đáng.

 

PV:-  Ông bình luận như thế nào về ý kiến, nền kinh tế tiêu thụ iPhone 6 nhưng không làm được nổi một chiếc ốc vít ô tô cũng như người đi bán máu để mua trang sức, dần dần sẽ suy kiệt và chết yểu? Có thể thay đổi tâm lý “sang” này của người Việt hay không và vì sao?

 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn:- Chúng ta cũng không nên cay cú theo hướng đó vì mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh, con người có thể có những thay đổi khác nhau. Việc so sánh ấy rất hình tượng nhưng có thể chủ quan. Điều ta thấy ở một số quốc gia khi định hướng kinh tế rõ ràng và đúng hướng, việc con người có cuộc sống sung túc, giàu sang, hưởng thụ là điều cần được tôn trọng.

 

Tuy vậy, cần nhìn nhận nếu đó là tâm lý xài sang hay thói quen và hành vi tiêu dùng thiếu cân bằng thì có thể điểu chỉnh. Một mặt công nghệ sản xuất phải nâng tầm đáp ứng thi hiếu tiêu dùng, nhu cầu và những mong mỏi của người tiêu dùng.

 

Mặt khác, cần nhìn nhận những chiến lược truyền thông phải bài bản và định hướng tiêu dùng phải trở thành chiến lược xã hội thì việc điều chỉnh này có thể thực thi…

 

- Xin cảm ơn những chia sẻ của TS!

 

Theo Thanh Huyền

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *