Đời Sống 08/11/2014 08:07

Người tiêu dùng Việt Nam đi du lịch cần làm gì khi bị lừa đảo?

Từ vụ việc mới đây của du khách người Việt Nam cũng như vụ việc của nhiều du khách nước ngoài khác, người tiêu dùng Việt Nam đi du lịch khi gặp phải trường hợp nói trên cần phải làm gì?

Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, ngày 4 tháng 11 năm 2014, Báo The Straight Times, Singapore đưa tin về việc một du khách người Việt Nam bị “gài bẫy” mua Iphone 6 tại cửa hàng điện thoại Mobile Air trong khu vực Sim Lim, Singapore.

Đi kèm với nội dung thông tin, bài báo cũng đăng tải những bức ảnh cho thấy du khách Việt đã khóc và, thậm chí, theo bài báo, có hành động quỳ xuống tại cửa hàng này để cầu xin trả lại tiền.

Vụ việc nêu trên đã nhanh chóng được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả Singapore và Việt Nam, đồng thời tạo ra làn sóng bức xúc, phẫn nộ của cư dân mạng về chất lượng bán hàng cũng như cách hành xử của cửa hàng điện thoại “lừa đảo”.

Liên tiếp ngay sau bài báo của Straight Times, nhiều báo mạng đã truy tìm và lần ra nhiều vụ việc lừa đảo liên quan tại cửa hàng Mobile Air. Cụ thể, ngày 28 tháng 10 năm 2014, một phụ nữ Trung Quốc mua hàng tại Mobile Air đã nhận được số tiền hoàn trả là 1.010USD toàn bằng tiền xu. Số tiền này là án phạt theo phán quyết của Tòa án Singapore đối với hành vi bán hàng lừa đảo của cửa hàng Mobile Air. Hình ảnh ghi lại cho thấy các nhân viên tại cửa hàng Mobile Air đã ném túi tiền xu xuống đất và thản nhiên ngồi cười đùa trong khi hai người phụ nữ Trung Quốc cặm cụi nhặt những đồng tiền xu.

Sau khi thu thập thông tin, ngày 5/11/2014, Cục Quản lý cạnh tranh đã có thư gửi Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Singapore đề nghị hỗ trợ giải quyết khiếu nại cho du khách nói trên.

Từ vụ việc nêu trên của du khách người Việt Nam cũng như vụ việc của nhiều du khách nước ngoài khác, người tiêu dùng Việt Nam đi du lịch khi gặp phải trường hợp nói trên cần phải làm gì?

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, hiện tại, trong khu vực 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) đã hình thành mạng lưới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xuyên biên giới.

Theo đó, các nước ASEAN đã cam kết và bước đầu xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong toàn khu vực ASEAN. Trường hợp gặp vấn đề tiêu dùng tại bất kỳ quốc gia nào trong ASEAN, người tiêu dùng có thể truy cập địa chỉ sau để tìm kiếm thông tin liên lạc của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại nước liên quan: http://www.aseanconsumer.org/ .

Đối với các quốc gia khác, người tiêu dùng có thể nộp đơn khiếu nại thông qua Mạng lưới Thực thi và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quốc tế (International Consumer Protection and Enforcement Network – ICPEN).

ICPEN  là một tổ chức quốc tế bao gồm đại diện của các cơ quan, tổ chức thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới (Việt Nam trở thành thành viên chính thức từ năm 2013). 

Người tiêu dùng tại bất kỳ quốc gia nào đều có thể nộp khiếu nại và tìm sự hỗ trợ của ICPEN tại địa chỉ: http://icpen.org .

Trong trường hợp không thể liên hệ thông qua các kênh thông tin nói trên, sau khi về nước người tiêu dùng có thể thu thập thông tin và gửi khiếu nại cho Cục Quản lý Cạnh tranh qua các cách sau:

- Qua email: qlct@moit.gov.vn.

- Điện thoại đường dây nóng : 84. 4 3938 7846 hoặc 84. 4 2220 5022.

- Websie : http://www.qlct.gov.vn hoặc http://www.vca.gov.vn/

Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ giúp người tiêu dùng gửi khiếu nại tới các cơ quan liên quan của nước sở tại để giải quyết theo thẩm quyền.

Phương Dung

Theo VCA

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *