Đời Sống 12/08/2020 07:56

Người lao động, doanh nghiệp vật lộn trong mùa dịch để "sinh tồn"

Người lao động thì lo mất việc, doanh nghiệp thì lo "đói khách" là tình cảnh chung đang tái diễn, lập lại trong mùa dịch Covid-19 lần 2.

Đã hơn 1 tuần, Thúy Ngọc 23 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội được công ty cho làm việc tại nhà để phòng dịch Covid-19. So với đợt dịch trước, lần này, Ngọc có việc và được hưởng nguyên lương theo chế độ. Ngọc kể, cô ra trường được hơn 1 năm thì 3 lần nhảy việc, lần nhảy việc cuối cùng rơi đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát, khi ấy, các doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm nhân sự.

Đồng nghĩa với việc, Ngọc thất nghiệp, do đó, mọi chi phí như tiền điện, tiền nhà, tiền sinh hoạt trở thành gánh nặng với cô gái đang sinh sống ở Thủ đô.

Để mưu sinh, Ngọc chọn cách làm bất cứ việc gì ai thuê, sáng viết quảng cáo, chiều làm báo cáo cho một công ty. Số tiền cô nhận được không nhiều nhưng đủ để trang trải cuộc sống.

Cứ thế sau 2 tháng, dịch bệnh bắt đầu lắng xuống, cuộc sống đã trở về với những gì thường nhật. Ngọc nộp đơn xin việc và trúng tuyển vào một công ty sách ở vị trí truyền thông với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Nhưng niềm vui chưa qua thì nỗi lo lại ập đến với Ngọc khi dịch Covid-19 bùng phát và trở lại lần 2.

Người lao động, doanh nghiệp vật lộn trong mùa dịch để sinh tồn - 1

Hàng quán đóng cửa, liên tục trả lại mặt bằng trong mùa dịch Covid-19 

Tâm lý lo sợ dịch bệnh không chỉ dừng lại với người lao động mà còn là sự chán ngán với nhiều doanh nghiệp. Tuy không còn sốc, bỡ ngỡ như lần đầu nhưng với anh Phúc Anh, chủ một công ty du lịch thì Covid-19 là ác mộng kinh hoàng mà không ai muốn xảy ra. Để ứng phó với dịch, anh phải lên kế hoạch sinh tồn để sống cùng với "lũ".

"Để đảm bảo mưu sinh cho anh em, các vị trí nhân sự ở công ty vẫn được tôi giữ nguyên, chỉ khác là thay đổi cách thức làm việc. Thời gian này, thay vì chinh chiến trực tiếp, chúng tôi rút về làm nội dung, sản xuất media để phục vụ cho thời gian sắp tới. Còn hiện thực hóa được hay không thì còn phải chờ vào tình hình dịch bệnh" - anh Phúc Anh nói.

Anh tâm sự, nguyên 1 tháng "bung lụa" sau đợt dịch lần thứ nhất, doanh thu của công ty anh tăng chóng mặt. Mỗi ngày, anh nhận về 200 - 250 lượt đơn đặt tour, đặt vé đến nỗi nhân viên làm không xuể. Nhưng hiện tại, tất cả mọi thứ lại trở về con số 0 và vạch xuất phát ban đầu.

Người lao động, doanh nghiệp vật lộn trong mùa dịch để sinh tồn - 2

Thói quen của người tiêu dùng dịch chuyển trong mùa dịch Covid-19

Đồng quan điểm, anh Hoàng Tùng, chủ một chuỗi pizza có tiếng ở Hà Nội cho rằng, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, cửa hàng anh đã có những biến động nhất định. Đơn cử như đơn hàng qua kênh online tăng lên và lượng khách hàng đến ăn tại cửa hàng giảm xuống.

"Như đã đo lường từ đợt cách ly xã hội trước, việc dịch bệnh xảy ra sẽ khiến thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Từ đó, doanh nghiệp cũng cần dịch chuyển mạnh để sống sót qua mùa dịch, trước mắt là câu chuyện đảm bảo và duy trì nguồn thu" - anh nói.

Anh Tùng cũng cho biết, đợt dịch trước, do phải đóng cửa một số cửa hàng và trả lại mặt bằng nên anh phải cắt giảm toàn bộ số lượng nhân sự làm theo hình thức cộng tác viên, chỉ giữ lại đội ngũ nhân sự làm toàn thời gian. Đồng thời một số bộ phận cũng bị thu hẹp. Như đợt trước thì sẽ có một đội ngũ shipper giao hàng là nhân viên cơ hữu tại cửa hàng. 

Để sống sót, đi qua mùa dịch, anh phải thực hiện 3 nhóm giải pháp hữu hiệu là cắt – giảm – tăng. Đầu tiên là cắt bỏ các điểm bán không hiệu quả, trả lại mặt bằng. Thứ 2 là xin giảm tiền nhà, siết chặt để giảm các chi phí vận hành, điện nước, kho vận nhằm tối ưu dòng tiền. Thứ 3 là tập trung vào việc tăng sản phẩm như liên tục có những mặt hàng mới khi hành vi tiêu dùng của khách thay đổi.

Tăng kênh bán như dịch chuyển lên online, sử dụng ứng dụng giao đồ ăn và liên kết với các cửa hàng đối tác nhằm tăng điểm bán. Và cuối cùng chính là đẩy mạnh các hoạt động marketing để tiếp cận khách hàng.

Và cũng theo anh Tùng, việc dịch bệnh đến rồi đi là điều rất khó để kiểm soát. Thế nên, doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng phải luôn luôn nỗ lực, cố gắng, tìm kiếm các hướng đi mới để phát triển.

"Chúng ta không thể lựa chọn dịch bệnh có thể xảy ra hay không nhưng chúng ta luôn có thể lựa chọn cách ứng xử trước dịch bệnh. Quan điểm của tôi là trong nguy luôn có cơ và sẽ tồn tại những cơ hội trong bất kỳ tình huống nào" - anh nói.

Hoàng Dung

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *