Đời Sống 23/10/2017 16:40

Nghị định mới về sản xuất, lắp ráp ô tô có bảo vệ người tiêu dùng?

Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô các loại vừa được Chính phủ ban hành. Đã có nhiều ý kiến bình luận khác nhau về tác động của Nghị định này đến thị trường ô tô trong nước. Dân trí trích đăng bài viết của luật gia Trần Đình Thu, Hội Luật gia Việt Nam về vấn đề này:


Nhiều ý kiến trái chiều về Nghị định mới về sản xuất, lắp ráp ô tô

Nhiều ý kiến trái chiều về Nghị định mới về sản xuất, lắp ráp ô tô

Nhiều qui định mới có bảo vệ người tiêu dùng?

Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Trước đây có 2 luồng ý kiến ngược nhau về vấn đề này. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần nới lỏng điều kiện nhập khẩu ô tô để mọi thành phần có thể tham gia vào thị trường nhập khẩu, dẫn tới thị trường năng động hơn, ô tô giá rẻ sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội sở hữu ô tô hơn.

Ngược lại, luồng ý kiến thứ 2 cho rằng nếu làm như vậy thì người tiêu dùng sẽ gánh chịu hậu quả cuối cùng. Vì khi nới lỏng điều kiện nhập khẩu, không bắt buộc nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo hành, bảo dưỡng cũng như không bắt buộc nhà sản xuất nước ngoài phải cam kết trách nhiệm triệu hồi ô tô khi bị phát hiện lỗi, thì người tiêu dùng có nguy cơ bỏ rơi khi gặp sự cố.

Điều 15 của Nghị định đã nghiêng theo hướng bảo vệ người tiêu dùng khi quy định doanh ngiệp nhập khẩu phải đáp ứng 2 điều kiện mới như sau được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp. Thứ 2, doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Hai điều kiện trên đây trên thực tế có thể làm giảm bớt số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường nhập khẩu ô tô, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì việc giảm đó lại làm tăng lợi ích cho người tiêu dùng, vì đó sẽ là những doanh nghiệp có tiềm lực yếu, có ít kinh nghiệm nhập khẩu hoặc có thể chưa bao giờ tham gia thị trường nhập khẩu ô tô.

Đồng thời hai điều kiện nói trên khiến những doanh nghiệp đã và đang có kinh nghiệm cũng như tiềm lực mạnh cũng phải tìm kiếm các nhà sản xuất uy tín ở nước ngoài để làm đối tác, không chọn những nhà sản xuất hay thương hiệu ô tô ít có tiếng tăm ở nước ngoài để nhập khẩu.

Nói một cách tổng quát, quy định mới này có ý nghĩa, không phải cứ có tiền là nhập khẩu ô tô về để bán tràn lan một cách vô tội vạ, sau đó người tiêu dùng gánh chịu hậu quả, mà phải có sự sàng lọc đầu vào, và chịu trách nhiệm trong toàn bộ đời sống sản phẩm nhập khẩu, nên chỉ có doanh nghiệp mạnh, làm ăn uy tín mới đủ điều kiện nhập khẩu ô tô.

Hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được xiết chặt lại

Xác định ô tô là sản phẩm đặc biệt, nên nghị định cũng xiết mạnh các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Theo Điều 7 của Nghị định, thì doanh nghiệp nào muốn sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải đạt những điều kiện nhất định thì mới được tham gia.

Cụ thể là muốn sản xuất lắp ráp ô tô, thì doanh nghiệp phải đạt hàng loạt điều kiện về cơ sở vật chất như nhà xưởng, các dây chuyền sản xuất, các cơ sở bảo hành, an toàn cháy nổ, an toàn về môi trường… Đặc biệt về nhân sự, thì cán bộ kỹ thuật phụ trách các dây chuyền phải có trình độ đại học trở lên và phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp tối thiểu 5 năm thì mới được chấp nhận.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thì quy định này cũng làm cho người tiêu dùng hưởng lợi nhiều hơn và hạn chế bớt doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm tham gia vào thị trường này.

Nhiều ô tô cũ sẽ bị thải bỏ vì môi trường

Đây cũng là điểm mới của nghị định, được quy định trong Điều 5 của nghị định. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô phải có trách nhiệm thu hồi tất cả những ô tô thải bỏ (có thể hiểu là ô tô còn hạn sử dụng nhưng hư hỏng quá nặng hoặc ô tô đã hết hạn sử dụng). Quy định này làm tăng trách nhiệm đối với môi trường của các doanh nghiệp trong ngành ô tô đồng thời làm lợi cho môi trường sống của chúng ta.

Việc xiết chặt các điều kiện về sản xuất, lắp ráp ô tô trong nghị định này không những bảo vệ người tiêu dùng trong nước mà còn giúp cho chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam có những bước đi căn cơ hơn, làm nâng cao vị thế của ngành ô tô trong nước. Khi doanh nghiệp tự điều chỉnh để đáp ứng các điều kiện của nghị định, thì cũng có nghĩa là họ tự nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất, lắp ráp nước ngoài. Và những doanh nghiệp yếu kém cũng không còn đất sống, khiến cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ngày càng vươn lên.

Với 33 Điều trong 6 Chương, Nghị định 116/2017/NĐ-CP được các chuyên gia đánh giá rất cao về khả năng bảo vệ người tiêu dùng và kích thích ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

Luật gia Trần Đình Thu

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *