Đời Sống 30/04/2014 08:24

Lời xin lỗi của Thủ tướng

FICA - “Tôi thực sự xin lỗi. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi cũng xin lỗi nhân dân. Bây giờ tôi nghe nói như thế, quyết tâm trên này hăng hái như thế, đi càng xuống càng giảm, tới nhân viên thành như không có chuyện gì xảy ra”...

Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn “Thủ tướng và doanh nghiệp 2014”, sau khi nghe những phản ánh từ doanh nghiệp.

Một diễn đàn đã bớt đi những ca ngợi, hình thức, mà đi thẳng vào những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp, như bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam nói, “đến đây không phải để nghe thành tích mà để có được cách giải quyết vướng mắc”.

Chính sách của nhà nước dù tốt đẹp đến đâu, nhưng khi đi qua môi trường thực thi không lành mạnh, người thi hành công vụ không liêm khiết, thì chính sách đó cũng không thể phát huy hiệu quả. Những tồn tại trong lĩnh vực thuế, hải quan ai cũng biết, nhưng chẳng ai giải quyết được những tồn tại đó. Nó như khối u trên cơ thể xã hội, nó làm cho doanh nghiệp mất sức cạnh tranh, nó làm suy yếu nền kinh tế...

Những phản ánh từ doanh nghiệp đã làm cho người đứng đầu Chính phủ phải thốt lên rằng: “Bây giờ như thế, doanh nghiệp sẽ như thế nào, khi mà đây là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế?”.

Và Thủ tướng đã nói lời xin lỗi.

Từ những phản ánh của doanh nghiệp, có thể chỉ ra nguyên nhân chung cho những hạn chế, cản trở, tiêu cực là thủ tục hành chính còn quá lạc hậu. Lời kêu gọi về cải cách hành chính đã nhiều, nhưng hiệu quả còn thấp. Người thi hành công vụ cậy vào những thủ tục đó để hành hạ, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Người ta có thể xô cửa doanh nghiệp để kiểm tra, không phải một đoàn mà nhiều đoàn. Với một đất nước pháp luật nghiêm minh thì không có chuyện kiểm tra tùy tiện như vậy.

Chúng ta có một hệ thống pháp luật văn minh, nhưng nền hành chính lạc hậu đã tạo ra một số cá nhân chỉ xài luật rừng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh về chất lượng của cán bộ, công chức: “có khi do không phải thủ tục mà do đạo đức, phẩm chất của cán bộ công chức”.

Nhưng đối thoại là phải từ hai phía. Thủ tướng nhận lỗi về phía Chính phủ và xin lỗi, đưa ra một số giải pháp khắc phục, còn cộng đồng doanh nghiệp thì sao?

Không phải doanh nghiệp nào sập tiệp, phá sản, tạm ngưng hoạt động là cứ đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, mà phải nhìn lại bản thân mình. Công nghệ lạc hậu, dịch vụ kém, năng lực sản xuất yếu, thiếu tính sáng tạo, không có sáng chế, phát minh để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao hay độc đáo thì không thể cạnh tranh trong môi trường năng động và đầy sáng tạo hiện nay.

Những việc đó Chính phủ không làm thay được cho doanh nghiệp, mà chỉ hỗ trợ bằng các chính sách. Chính sách tốt nhưng phải biết khai thác, tận dụng mới mang lại kết quả. Biết khai thác nguồn tài nguyên chính sách (dù chưa giàu có lắm) cũng là cái tài của nhà kinh doanh.

Lê Chân Nhân

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *