Đời Sống 24/04/2014 07:59

Lao động Thanh-Nghệ-Tĩnh bị tẩy chay khắp nơi: Vì đâu nên nỗi?

Việc các lao động các vùng Thanh Nghệ Tĩnh bị nhiều nhà tuyển dụng tẩy chay không còn mới. Nhưng dường như tình trạng này đang leo thang.

Mấy hôm gần đây, cư dân mạng, nhất là những người con của vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thi nhau tranh cãi nảy lửa vì một tờ rơi tuyển dụng lao động của một cơ sở tại Hà Nội. Trong bảng thông báo đó, đơn vị đưa ra thông tin nêu rõ không tiếp nhận hồ sơ của những người sinh sống tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

 

Một bảng thông báo tuyển người tuy ngắn gọn nhưng cũng đã tạo ra rất nhiều tranh cãi khi họ không tiếp nhận những người ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Một bảng thông báo tuyển người tuy ngắn gọn nhưng cũng đã tạo ra rất nhiều tranh cãi khi họ không tiếp nhận những người ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

 

Từ trước đến nay, vấn đề phân biệt sắc tộc, vùng miền luôn được coi là chuyện rất đáng lên án. Nó vi phạm nghiêm trọng vấn đề nhân quyền và qua đó cũng thể hiện rõ lối suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận người trong xã hội.

 

Bởi vậy, bảng thông báo tuyển việc của một trường trung cấp tại Hà Nội đã khiến dư luận rất bất bình. Một bạn phản ứng quyết liệt: “Nhìn cái thể loại tuyển dụng viết như thế này, có thuê ứng viên tỉnh Thanh Hóa đây cũng ứ thèm, nhìn cái việc to tát nhờ. Trực văn phòng! Thanh Hóa, Nghệ An nhà mình mà phải làm việc ý à”.

 

Việc các lao động các vùng Thanh Nghệ Tĩnh bị nhiều nhà tuyển dụng tẩy chay không còn mới. Báo chí đã nói rất nhiều. Nhưng, càng ngày, tình trạng không những chẳng được cải thiện, còn leo thang. Không chỉ ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan mà còn trong nước, tại miền Nam và giờ chính thức lan đến miền Bắc.

 

Người lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh vẫn bị phân biệt khi tuyển dụng (Ảnh minh họa)
Người lao động Thanh  Nghệ Tĩnh vẫn bị phân biệt khi tuyển dụng (Ảnh minh họa)

 

Mọi chuyện xảy ra đều có lý của nó, nên việc người sử dụng lao động tẩy chay lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh cũng có nguyên cớ của họ.

 

Để khách quan, chúng tôi tìm hỏi chị N.T.T, có quê Nghệ An, đang làm công việc hành chính tại công ty Guyomarc’h, trụ sở chính tại khu công nghiệp Thuận An về vấn đề này. “Thường thì các công ty không nhận người Thanh Nghệ Tĩnh vì họ có tinh thần đồng đội quá cao. Chỉ cần một người trong vùng này bị ai đó đánh, thì lập tức cả đám xông vào bênh vực, bất kể ai đúng ai sai. Các công ty không tuyển vì khi xảy ra xô xát, các bảo vệ hay lãnh đạo trong công ty không không giải quyết được. Biểu tình cũng thế, công nhân Thanh Nghệ Tĩnh nghỉ làm là nghỉ nguyên đám”, chị N.T.T mở đầu.

 

“Nếu ai đó bị đuổi việc, sẽ được mọi người trong hội đồng hương tương thân tương ái. Tuy nhiên, khi bị đuổi việc quá nhiều, chẳng ai tương ái nổi, rồi xảy nhiều hệ lụy đáng tiếc. Tụ tập nhậu nhẹt, đập phá, trộm cắp,... Rất nhiều kẻ bẻ khóa trộm xe ở dưới này là dân Thanh Nghệ Tĩnh. Hiện tại cũng vậy, chẳng có việc gì cải thiện. Tính cách bất cần đã ăn vào máu những người này, không vào công ty thì lao động tự do: bốc vác, thợ hồ,…Họ sống khổ cực quen rồi, nên không sợ vất vả đâu”, chị N.T.T tiếp tục lý giải.

 

Bạn có nick Chiplonton tiếp lời: "Tớ làm cơ khí ở khu Tân Bình cũng thấy những xưởng cơ khí khác tẩy chay Thanh Hóa, nữ thì còn có chứ nam thì tuyệt đối không. Có lần chứng kiến có anh chàng Thanh Hóa bị cho nghỉ việc, ngày hôm sau anh kéo đến xưởng đó hơn 20 người đồng hương khác trả thù chủ xưởng, đập đồ, đánh bảo vệ, hô hào các công nhân còn lại nghỉ việc theo. Công an kéo cả mấy xe đến dẹp, xưởng thì banh chành, chủ xưởng vô viện cấp cứu. Đầu tiên nghĩ cũng có người này người kia, nhưng sau này cũng thấy những vụ gây rối, tụ tập, lộn xộn đều đa phần là nhóm người quê Thanh Hóa, nào là giành gái, nào là nhậu hát hò đến 3 giờ đêm, rồi đánh lộn trong xưởng. Riết rồi các xưởng nhỏ cũng dán giấy không nhận lao động Thanh Hóa, sau họ không dán nữa nhưng cũng chẳng xưởng nào nhận.

 

Mình không thành kiến vùng miền gì đâu nhưng thực sự là nhiều chuyện xảy ra quá nên họ tẩy chay cũng có lý. Các bạn nam Thanh Hóa cũng nên tự bảo nhau bớt nóng tính đi, đã đi xa quê làm ăn thì chịu khó nhịn một tí, thiệt mình là chính chứ thiệt ai. Các bạn cũng nên thông cảm cho chủ xưởng, ai cũng mong yên ổn làm ăn thôi chứ trong xưởng mà có đánh nhau, công an xuống giải quyết, bèo cũng phải dí vào tay vài triệu. Nhất là mấy xưởng mà người Hoa làm chủ, người ta sợ dính dáng đến công an lắm".

 

Nghiêm trọng hơn chính là việc lao động Thanh Nghệ Tĩnh lợi dụng sự đông đảo về số lượng kết bè cánh để tạo ra những cuộc đình công trên diện rộng. Nếu như trước đây chỉ một vài "con sâu làm rầu nồi canh" thì bây giờ có rất nhiều "con sâu" đến từ các tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh đang làm xấu đi hình ảnh của người lao động quê họ”.

 

Nhưng thật ra, theo chị H.T.T thì mọi chuyện không bi đát đến vậy. Chỉ có những công ty ngon lành, trả lương cao mới không nhận lao động Thanh Nghệ Tĩnh, còn các công ty nhỏ trả lương thấp và lao động nặng thì vẫn nhận bình thường, như công ty của chị. Bởi không nhận họ, thì lấy ai mà làm, công nhân trong các khu công nghiệp lớn chủ yếu là người ngoài đó. Thế nên, các công nhân Thanh Nghệ Tĩnh chỉ bị bít cửa ở những “tiệm bánh” ngon, còn tiệm bánh không ngon thì vẫn mở. Nhưng, sự thiệt thòi này vẫn không hề khiến người Thanh Nghệ Tĩnh chùn bước, thay đổi bản thân: bớt bè phái, bớt a dua, bới “gấu”, bớt ăn chơi nhậu nhẹt, chuyên nghiệp hơn. “Họ không bỏ đâu, họ còn tự hào về điều đó là khác. Tự hào là dân Thanh Nghệ Tĩnh!”, chị N.T.T kết luận.

 

Khi những hình ảnh xấu xí của những lao động Thanh Nghệ Tĩnh trở nên phổ biến, thì họ không nên AQ “con sâu làm rầu nồi canh nữa”, mà cần ngồi lại cùng nhau để tìm cách thay đổi và giải quyết.

 

Nếu người Thanh Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục quyết giữ bản sắc đoàn kết một cách mù quáng, thì cuối cùng họ sẽ không còn đất dung thân trong các khu công nghiệp. Nếu có cố gắng, chỉ nhận được miếng xấu, miếng ngon không đến lượt họ.

 

Tương tự, không phải người Việt Nam nào cũng xấu, tuy nhiên khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam thấy cảnh “chặt chém” thì lúc về nước sẽ đọng lại hình ảnh “người Việt không thân thiện” và truyền thông điệp đó đến với những người quen biết. Bởi thế, không thể bắt khách nước ngoài thay đổi cách nhìn đối với Việt Nam mà tự chúng ta phải thay đổi mình.

 

Tuy nhiên, trong thực tiễn đời sống đôi khi có những nguyên cớ xuất phát từ sự nhìn nhận sai lầm, sau đó tạo ra sự kích thích dây chuyền, nhiều người hiểu sai về một vấn đề. Có thể doanh nghiệp tẩy chay lao động Thanh Nghệ Tĩnh là hậu quả của cách hiểu domino sai lầm đấy.

 

Ở vị trí của người quan sát, cũng phải thừa nhận rằng, để dẫn đến tình trạng như ngày hôm nay, người lao động ở các địa phương kể trên không phải là không có lỗi sai. Tuy nhiên nếu các doanh nghiệp biết cách quản lý chặt chẽ hơn, thậm chí là các chế độ đãi ngộ tốt hơn thì đâu nên nỗi.

 

Điểm a khoản 1 điều 5 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Người lao động có các quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử” vàkhoản 1 điều 10 qui định: “Người lao động được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm”.

Điều 11 BLLĐ 2012 quy định: “Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động, có quyền tăng, giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh”.

 

Theo Linh Đan

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *