Đời Sống 21/03/2014 17:34

Không có 15 tỷ, bà con “chịu khó” liều mạng qua sông!

FICA - Cái lâu nhất trụ được vài tháng, có cái không tồn tại quá một tuần. Cứ làm cầu một thời gian là nước lại cuốn trôi. Dân muốn có cây cầu chắc chắn nhưng trên bảo phải 15, 16 tỷ đồng; kinh phí lớn thế, bà con chịu khó mà đi lại thôi!

Làng Dũa (xóm Sơn Tiến, xã Thọ hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An) mỗi năm cứ đều đặn vài lần làm cầu bắc qua đoạn uốn cong cong như thòng lọng của sông Dinh. Đoạn này nước xói vào làng, sóng dập bóc từng lớp đất rơi lả tả như người ta bóc hành. Cầu bằng tre nứa chằng chống, chịu được ít lâu rồi ngả theo dòng nước trôi về xuôi cả chân lẫn ván.

 

Cái lâu nhất trụ được vài tháng, có cái không tồn tại quá một tuần, cứ làm một độ là bị nước dâng cuốn trôi. Mà cả làng đi lại mua bán con gà con lợn, trao đổi tạ ngô tạ sắn, học sinh học tập ngoài huyện, hay khi bà con ốm đau, thăm hỏi giao lưu... không còn cách nào khác là đi qua cầu này. Trên bảo xóm ít dân quá không phải nơi làm ăn đô hội, khó mà kêu gọi mở cầu được. Tiền bắc cầu tốn kém những trên chục tỷ, bà con phải chịu khó mà đi lại thôi!

 
Xóm Sơn Tiến chia ra hai làng là Dũa và Sởi. Làng Sởi yên vị bên này sông, mỗi năm lại được con sông Dinh bồi bãi phù sa cát sỏi mở rộng. Còn Làng Dũa thì ngược lại, cứ teo tóp dần. Cả làng có 57 hộ dân đều là người dân tộc Thổ, toàn họ Trương.
 
 
Mỗi năm làm vài cây cầu như thế này
Mỗi năm làm vài cây cầu như thế này

 

Anh Trương Văn Duyệt, 28 tuổi, từ hồi là con nít bé xíu chạy chơi bên sông Dinh đến nay có mấy mặt con, thấy cây cầu của làng vẫn vậy. Gọi là cầu vì nó bắc qua đoạn sông, chỗ này là hẹp nhất dù nước quẩn vẫn xói vào: “Cái ni làm từ tháng 10 năm ngoái, đến dừ là lâu nhất. Là do sông không có lũ nên được lâu, nên dừ nó yếu cả phần chống và cả mặt cầu rồi”.

 

Mặt cầu làm bằng nứa mét đan vào như người ta đan bu gà, người đi bộ, đi xe máy qua là mặt cầu nhún nhảy như đi trên đệm. Năm trước làng phải làm đi làm lại đến 5, 6 cầu, có cái làm mới xong thì nước sông Dinh lên ào ào cầu lại trôi mất, mà cầu mới chưa được tuần. Ở làng Dũa, mỗi lần làm cầu mới, các gia đình ngoài cử một người ra góp công, còn phải góp vật liệu 4 cây mét làm mặt cầu và một cây gỗ làm chân chống (nói là gỗ cho to tát chứ chỉ những thân cây bằng bắp chân). Thanh niên trai tráng mấy ngày đó chỉ có công việc là làm cầu, làm xong thì mới làm được cái khác.

 

Đó là khi nước sông không lên cao, gặp lũ nước sông Dinh tràn vào cả trong làng, khi đấy đành chịu phải đi ngược lên Minh Hợp ra phía chợ 32 mới gặp được đường quốc lộ 48.

 

Em Trương Văn Chương và Trương Văn Hoàng đều 19 tuổi, học lớp 12 ngoài huyện, hằng ngày cả hai túc tắc đạp xe từ làng ra đến trường khoảng 6km. Tuy nhiên, ngày gặp lũ cầu trôi thì phải đi ngược lại gấp ba quãng đường. “Cứ mùa mưa lũ tới, chúng em lại nơm nớp lo sợ cầu bị sập. Cầu bị lũ cuốn chỉ còn cách đi đường vòng qua xã Minh Hợp toàn đất đá vun như vống khoai, đi xe đạp khó lắm, như đi trên đá”, Chương chia sẻ.

 
Học sinh cuối cấp như Chương và Hoàng thì phải tự lo đi học, đó cũng là cảnh của 15 học sinh cấp 3 làng Dũa. Còn 17 em cấp dưới bố mẹ đưa đi thì mới được học, trong làng này còn 16 cháu mầm non, gặp những ngày trôi cầu chỉ ở nhà chờ nước rút. Nhà ai có người quen bên kia sông thì xin cho con ở lại luôn, gửi sẵn gạo củi tiền nong cho con không đứt buổi học. Cô thầy dạy các cấp ngoài QL48 thấy nước sông Dinh lên là biết thế nào cũng thiếu mất vài em làng Dũa.
Mỗi năm làm vài cây cầu như thế này
Anh Trương Văn Thiêm - Xóm trưởng Làng Dũa: “Năm mô cũng có cả chục người rơi xuống sông, chở bao gạo lệch lệch cũng rơi, mà tránh nhau cũng rơi...”.

 

Trưởng xóm Trương Văn Thiêm lắc đầu chỉ vào mặt cầu có nhiều điểm sụt to bằng cái lốp xe máy: “Năm mô cũng có cả chục người rơi xuống sông, chở bao gạo lệch lệch cũng rơi, mà tránh nhau cũng rơi. Có người rơi nhè nhẹ, có người rơi phải đi bệnh viện, còn xe máy mà rơi xuống có cái nát hết”.

 

Nước sông cứ húc vào làng nên phần bên này làng Dũa đất đai cứ bị bóc dần không còn thoai thoải như trước, làm cầu mới đâm ra cứ cao dần lên. Giờ mặt cầu cách mặt nước 3-3,5m, từ mặt nước xuống lòng sông trong những ngày cạn chỉ hơn một mét nên đang đi trên cầu mà rơi xuống là lãnh đủ.

 

Hàng chục cọc gỗ to như bắp tay người lớn chống hai bên làm chân cầu trông như những chiếc đũa cắm xuống xiên xẹo. Gặp nước sông dâng cây cầu như lá mía lắc lư, chân chống cầu ngả nghiêng rồi bị nước nhấc lên cuốn trôi vùn vụt. “Đá tảng, cây gỗ trên rừng còn bị lũ nó bứng đi như đồ chơi thì cầu làng tôi trụ lại răng được. Năm mô cũng phải vài ba lần vất vả dựng lại mới có đường đi ra xã ra huyện” - xóm trưởng Thiêm ngao ngán.

 

Ngoài bà con làng Dũa, đi qua cầu còn người dân các làng Sởi trên, Sởi dưới, xóm Đò, xóm Dũa xã Thọ Hợp, người dân các cụm C6, C7 xã Minh Hợp cũng dùng cây cầu này đi lại hằng ngày.

 

Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp Nguyễn Văn Trung rất hiểu cái khó nhọc bấp bênh của bà làng Dũa con khi qua sông Dinh, nhưng Thọ Hợp chỉ là cấp xã không biết gỡ thế bí thế nào. Ông Trung nói: “Chúng tôi cũng chỉ biết động viên bà con làm cầu tre nứa mà đi chứ giờ mà xây cầu chắc chắn thì kinh phí rất lớn. Ngành chuyên môn có khảo sát, họ cho hay nếu xây cũng phải tương đương với cầu Cốc Mặm của huyện, mà cầu đó lên đến 15, 16 tỷ, kinh phí lớn quá”.

 
Chủ tịch Trung nói tiếp: “Nhiều lần họp dân, họp cử tri xã cũng làm đơn kiến nghị lên cấp trên xem xét. Ngoài chuyện đi lại buôn bán học tập, còn là vấn đề an toàn nữa, mùa lũ nước sông lên rất nguy hiểm. Để dân đi lại bằng cầu tre tạm bợ như vậy chúng tôi không thấy an tâm”.
 
 
Một người phụ nữ Làng Dũa đi làm về trên chiếc cầu khỉ.
Một người phụ nữ Làng Dũa đi làm về trên chiếc cầu "khỉ".
 
 
Làng Dũa trời xế bóng cũng là lúc những đàn trâu, bò kéo nhau về, và cách duy nhất chúng đi là bơi qua sông. Thấp thoáng trong ánh nắng muộn mằn ở phố núi là những bóng xe cuối cùng của những người trong làng đi làm ăn về. Chiếc cầu lại rung lên bần bật...
 
 
 
Mặt cầu đan như đan phên
Mặt cầu đan như đan phên
Người liều mới dám đi như thế này
Người liều mới dám đi như thế này
 
Học sinh Làng Dũa luôn đánh cược tính mạng mình mỗi khi qua cầu để đến trường.
 
 
Học sinh Làng Dũa luôn đánh cược tính mạng mình mỗi khi qua cầu để đến trường.
 
 Học sinh Làng Dũa luôn đánh cược tính mạng mình mỗi khi qua cầu để đến trường.
 
Nỗi niềm cầu Làng Dũa... chưa biết khi nào nguôi.
 
 
Nỗi niềm cầu Làng Dũa... chưa biết khi nào nguôi.
Cầu nào lâu nhất trụ được vài tháng.
 
 
Cầu nào lâu nhất trụ được vài tháng.

 

Nguyễn Duy - Danh Thắng

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *