Đời Sống 14/01/2020 07:31

Ít đi nhậu, chồng tiết kiệm được tiền mua hải sản nhập khẩu tẩm bổ cho vợ con

Dừng nhậu với bạn bè, không ít người đã tiết kiệm được một khoản tiền để dành mua hải sản, thực phẩm tốt cho cả gia đình bồi bổ.

Hai tuần sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, các quán nhậu đã giảm mạnh doanh thu. Các hãng bia còn phải cắt giảm chương trình tiếp thị vì số lượng người đến nhà hàng, quán nhậu giảm rất mạnh.

Nhưng cũng có một câu chuyện đáng mừng khác là nhiều gia đình lại vui vẻ, đầm ấm bởi các bữa cơm gia đình thường xuyên có mặt của các ông chủ gia đình hơn.

Trước đây, sau mỗi trận đá bóng với bạn bè anh Ngọc Minh (Bưởi, Hà Nội) đều đi ăn nhậu tới tối khuya mới về nhà. Thậm chí, anh Minh còn đi hát karaoke tới sáng với bạn bè.

Nhưng 2 tuần gần đây, mỗi khi bạn bè rủ đi uống bia, rượu, anh Minh đều lắc đầu từ chối. Lý do là bởi anh đều di chuyển tới sân bóng bằng ô tô, nên không thể đi tụ tập cùng nhóm bạn.

Về nhà ăn cơm với gia đình, anh Minh còn thường xuyên mua thêm đồ ăn về cho vợ con. Bởi lẽ khoản tiền nhậu nhẹt 2 lần 1 tuần tốn kém, nay đã có thể tiết kiệm.

Ít đi nhậu, chồng tiết kiệm được tiền mua hải sản nhập khẩu tẩm bổ cho vợ con - 1

Nhiều người đã thường xuyên về ăn cơm nhà hơn sau Nghị định 100

Lịch nhậu còn dày đặc hơn anh Minh, vì ngoài lịch đá bóng, anh Xuân Quý (Hà Đông, Hà Nội) còn chơi với nhiều hội nhóm. Do đó, sau mỗi giờ tan ca, anh Quý chỉ chờ “tín hiệu” từ những người “đồng đội” là đi thẳng ra quán nhậu.

“Ngoài công việc với đối tác, tôi cũng ham vui với bạn bè, nên có tuần tôi nhậu tới 5 - 6 buổi. Có bữa tôi mời, có bữa cả nhóm cùng đóng góp, nhưng số tiền nhậu mỗi tuần có thể lên tới 1 - 2 triệu đồng”, anh Quý cho biết.

Ít đi nhậu, chồng tiết kiệm được tiền mua hải sản nhập khẩu tẩm bổ cho vợ con - 2

Bữa ăn cũng được chính các đấng mày râu cải thiện cho gia đình

Chi ra vài triệu đồng chỉ để ăn, nhậu hàng tuần như anh Quý không phải hiếm. Nhưng nhiều dân nhậu không hề tiếc khoản tiền này. Bởi đôi khi, họ chỉ cần một lý do vu vơ để ngồi nhậu như: Hôm nay trời nóng nên đi uống bia, trời mưa lạnh thèm lẩu, hay cuối tháng thèm thịt chó,…

Cùng là số tiền đó, nhưng trước đây, sẽ không nhiều người dành để mua tôm hùm, cua biển cho vợ con ăn tẩm bổ.

Ít đi nhậu, chồng tiết kiệm được tiền mua hải sản nhập khẩu tẩm bổ cho vợ con - 3

Nhiều người tự đi chọn hải sản sau giờ tan làm

Tuy nhiên gần đây, theo anh Nguyễn Đăng-chủ nhà hàng Hải sản Vân Đồn (Võ Thị Sáu, Hà Nội) thì, khách hàng thường xuyên đến mua hải sản tươi sống và thuê nhà hàng chế biến sẵn để mang về ăn tối cùng gia đình.

“Điều này cũng rất lạ, bởi trước đây, nhà hàng tôi thường tiếp khách đoàn khách đến đây nhậu, việc kinh doanh hải sản tươi sống chỉ là phụ. Nhưng gần đây, các khách quen của quán thay vì đến nhậu lại đặt mua về nhà cho gia đình và dặn nhà bếp chế biến thành nhiều món để cả nhà cùng thưởng thức”, chủ nhà hàng chia sẻ.

Ít đi nhậu, chồng tiết kiệm được tiền mua hải sản nhập khẩu tẩm bổ cho vợ con - 4

Nhiều nhà hàng ưu đãi cho khách mang về

Điều đáng nói là  sau Nghị định 100, việc bán hải sản tươi sống và chế biến tại chỗ lại trở thành chủ lực của nhà hàng anh Đăng. Lượng khách nhậu giảm đi, nhưng khách đến chọn đồ tươi sống rồi chờ chế biến mang về lại tăng gấp đôi.

“Khách mua về nhà đều là khách quen, hoặc khách đã từng ăn tại đây. Nhiều người thậm chí còn ngồi nhậu tại quán 3 - 4 lần/tuần, nhưng thay vì thế, bây giờ họ lại thích mua về nhà ăn cùng vợ con”, anh Đăng thông tin và cho biết, do lượng khách đang có xu hướng tăng lên, nên nhà hàng hỗ trợ vận chuyển và giảm giá cho các khách hàng mua theo hình thức này để kích cầu.

Ít đi nhậu, chồng tiết kiệm được tiền mua hải sản nhập khẩu tẩm bổ cho vợ con - 5

Các chị em vui mừng khi chồng ít đi nhậu hơn

Theo anh Ngô Hoàng Huy chủ nhà hàng hải sản Hải Linh (Mạo Khê, Quảng Ninh) thì hiện nay, một số nhà hàng như của anh cũng giảm nhẹ cho đơn hàng mua hải sản về nhà để thu hút khách.

Nếu khách thuê nhà hàng chế biến sẵn thì cua thịt có giá khoảng 700 nghìn đồng/kg, cua gạch 750 nghìn đồng/kg. Mỗi con nặng khoảng 6 - 7 lạng. Tôm hùm bông sống, chế biến tại chỗ có giá gần 3 triệu đồng/kg (loại tôm 2 - 4 kg).

“Khách mua về cho gia đình thường dặn đầu bếp chế biến các món dễ ăn như tôm chiên cháy tỏi, cháo tôm hùm, hoặc tôm sốt bỏ lò phô mai ăn với bánh mỳ. Cua thì có thể rang me để kích thích khẩu vị của trẻ”, anh Huy chia sẻ thêm.

Ít đi nhậu, chồng tiết kiệm được tiền mua hải sản nhập khẩu tẩm bổ cho vợ con - 6

Cải thiện bữa ăn cho gia đình từ chính tiền nhậu

Bỏ được thói quen hứng lên là đi nhậu 2 tuần nay, anh Nguyễn Mạnh Cường (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thậm chí còn để ra một khoản tiền hơn 6 triệu đồng để mua cua hoàng đế về cho vợ con tẩm bổ.

Nghị định 100 đang làm thay đổi thói quen nhậu của nhiều người, mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho trật tự xã hội. Do đó, thay vì tìm cách lách luật, người dân nên thích nghi và đi nhậu văn minh hơn.

Thế Hưng

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *