Đời Sống 11/07/2019 06:34

Hưng “kính” cùng đồng bọn “hành” tiểu thương chợ Long Biên thế nào?

Dưới danh nghĩa là những nhân viên của Tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) đã chỉ đạo các “tay chân” sử dụng các thủ đoạn chèn ép, gây khó khăn, đe dọa các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên.

Sáng 11/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” trong vụ án thu tiền “bảo kê” xảy ra tại chợ Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hưng “kính” cùng đồng bọn “hành” tiểu thương chợ Long Biên thế nào? - 1

Nguyễn Kim Hưng, tức Hưng "kính".

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội), cựu Tổ trưởng Tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên; Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”), Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”) và Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”) - nhân viên Tổ bốc dỡ hàng hóa số 2.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Mai Văn Quang. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố là ông Lê Tuấn Anh, Kiểm sát viên Viện KSND TP Hà Nội.

Theo cáo buộc, Hưng “kính” không có quyền phân công người thu tiền bốc dỡ, không có quyền đuổi xe, sắp xếp các xe trong chợ Long Biên, không có quyền chi tiêu số tiền bốc dỡ hàng hóa mà phải nộp ngay số tiền đã thu trong ngày.

Dưới danh nghĩa là những nhân viên của Tổ bốc dỡ số 2, Hưng “kính” đã chỉ đạo Vương, Hải, Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, gây khó khăn, đe dọa… hộ kinh doanh của gia đình Hoàng Anh Hà, chị Nghiêm Thúy Nga (kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên).

Các đối tượng dùng các cách thức như đuổi không cho xe ô tô của hộ kinh doanh anh Hà - chị Nga đỗ, cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước ki-ốt, kéo cá thối để cạnh ki-ốt của chị Nga, đuổi không cho nhân viên của chị Nga bốc dỡ hàng hóa nhưng anh chị vẫn phải trả tiền bốc dỡ cho nhóm của Hưng “kính”...

Từ tháng 12/2017, theo sự chỉ đạo của Hưng, Long và Hải đuổi không cho xe ô tô của chị Nga đỗ tại bãi thủy sản vì chị Nga chưa đăng ký với Hưng. Hưng yêu cầu Vương thông báo với chị Nga thực hiện việc nộp tiền với giá bốc xếp sẽ tăng 200 nghìn đồng/xe 1,4 tấn và 350 nghìn đồng/xe 3,5 tấn.

Sáng hàng ngày, Hưng “kính” cùng Tiến, Hải, Long và Vương trao đổi, hội ý với nhau tại khu vực trạm bơm phòng cháy chữa cháy để thống nhất số tiền thu bất hợp pháp. Hải, Long và Vương nộp số tiền vừa thu được cùng bảng kê cho Tiến.

Để quản lý việc thu tiền của các nhân viên, Hưng “kính” lắp đặt 2 camera theo dõi, cho các nhân viên trong tổ bốc dỡ theo dõi và kiểm soát lẫn nhau. Hưng trực tiếp kiểm soát việc Hải, Long, Vương nộp tiền và bảng kê cho Tiến vào buổi sáng.

Tại các buổi hội ý, Hưng yêu cầu Hải, Long và Vương không bốc dỡ nhưng vẫn thu tiền, không để nhân viên bốc dỡ của các hộ kinh doanh tự bốc dỡ với lý do thực hiện hợp đồng bốc dỡ với BQL chợ Long Biên và chỉ cho nhân viên Tổ bốc dỡ số 2 mới có quyền bốc dỡ.

Hưng “kính” chỉ đạo Tiến khi BQL chợ đã trả đủ lương cho nhân viên thì xé các trang trong sổ ghi tiền thu hàng ngày và các bảng kê nhỏ do Hải, Long, Vương nộp.

Theo tài liệu do chị Nga và anh Hà cung cấp, từ ngày 14/3/2018 đến ngày 1/9/2018, dưới sự chỉ đạo của Hưng “kính”, Hải cùng Long, Vương đã thu của chị Nga, anh Hà tổng số tiền hơn 28 triệu đồng. Trong số đó, Hải thu được hơn 15 triệu đồng, Long thu được hơn 12 triệu đồng và Vương thu được 740.000 đồng.

Tiến nhận từ Hải, Long và Vương tổng số tiền hơn 28 triệu đồng nhưng chỉ nộp về Ban Quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng, còn lại gần 25 triệu đồng chiếm hưởng chia nhau theo chỉ đạo của Hưng “kính”.

Tại cơ quan điều tra, Tiến, Hải, Long và Vương khai nhận, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 24/9/2018, các bị can được chia tổng số tiền là 46,4 triệu đồng.

Tiến Nguyên

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *