Đời Sống 17/09/2014 07:10

Hậu công nghiệp, hàng chục nghìn công nhân sẽ làm gì?

Họ sẽ không thể xin vào bất kỳ công ty nào nữa. Vì khi làm trong KCN, họ chỉ làm được 1 công đoạn nhỏ trong dây chuyền. ​

Tiếp theo loạt bài “Những khoảng tối ở khu công nghiệp” nói về những mặt trái trong đời sống công nhân, đặc biệt là công nhân nữ, VOV.VN có cuộc phỏng vấn PGS. TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về chủ đề này.

TS Vũ Quang Thọ bày tỏ lo lắng: “Nhiều người cho rằng lương công nhân cao nhưng họ lại không có thời gian để tiêu xài, hưởng thụ thì quả là bi đát. Bất kỳ ai đi làm cũng phải chia thành 2 khoảng thời gian: khoảng thời gian tất yếu để đi làm và khoảng thời gian tự do là của họ. Trả lương cho công nhân càng cao thì họ càng phải có nhiều thời gian tự do. Công nhân của chúng ta hiện nay là làm việc tối ngày, không có lúc nào rảnh để đi chơi, nói chuyện với bạn bè. Điểm thiếu nhiều nhất của công nhân hiện nay là đời sống tinh thần. Hỏi nhiều công nhân cung văn hóa đâu họ nói là không biết; đi chơi ở đâu họ cũng không biết. Chỉ đi qua chỗ nào có ca nhạc là họ chạy lại xem... như thế họ gọi là đời sống tinh thần”.

Công nhân KCN Thăng Long (Hà Nội), ảnh Tiền phong

 

Ông Vũ Quang Thọ chia sẻ: "Có lần, tôi đến một dãy nhà của công nhân có khoảng 30 hộ. Họ dán những tờ báo cũ đã chuyển sang màu ố vàng. Họ đọc thuộc cả 1 bài báo dài và bảo đó là đời sống tinh thần của họ. Lúc ấy, tự nhiên tôi phì cười, nhưng sau này mới thấy là mình vô duyên trước sự thiếu thốn tinh thần của công nhân”.

PV: Với đời sống vật chất - tinh thần thiếu thốn, thời gian lao động căng thẳng, liệu có phải là nguyên nhân công nhân giải tỏa sự “bức bối” của mìnhbằng bạo lực, thưa ông?

Ông Vũ Quang Thọ: Chuyện này là có. Tôi lên Thái Nguyên tìm hiểu về câu chuyện công nhân đánh bảo vệ ở Samsung Thái Nguyên. Bảo vệ bị đánh và bị thương nhẹ. Tôi cho rằng, đây chỉ là hệ quả thôi, do họ bị áp bức nhiều dẫn đến hệ quả đó. Họ đã kiến nghị nhiều lần, nhưng cả KCN và công ty đều không giải quyết nên dẫn đến hệ quả đó. Đây được coi là giọt nước cuối cùng làm tràn li nước.

Mức thu nhập 5-6 triệu/tháng với công nhân là cao. Tuy nhiên, để làm được mức lương này thì họ không có thời gian để đi chơi, đi giải trí. Đây thực sự là điều đáng lo chứ không đáng mừng. Vì chúng ta chỉ biết công nghiệp thôi mà không quan tâm đến đời sống phía sau công việc của công nhân. Giới chủ kéo dài thời gian lao động tất yếu để bóc lột sức lao động của công nhân. Họ lấy hết cả thời gian lao động đến mức, người công nhân không còn thời gian được hưởng cái mà họ làm ra và đáng được hưởng thụ.

PV: Chúng tôi đã đi thực tế ở một số KCN và thấy có tình trạng, vợ chồng cùng làm công nhân nên không có thời gian gặp nhau. Ông có lo ngại về thực trạng này?

Ông Vũ Quang Thọ: Từ rất lâu rồi tôi đi công tác ở Bình Dương và đã gặp những cặp vợ chồng ở cùng phòng, nhưng suốt 2 tuần không được gặp mặt nhau... Tôi đã cảnh báo những trường hợp như thế này về sau sẽ nhiều lên. Đó là tình cảnh của những cặp vợ chồng cùng làm trong KCN nhưng khi vợ về thì chồng đi, khi chồng về thì vợ đi, thời gian gặp nhau rất ngắn, không có lúc nào trao đổi thông tin vắn chứ chưa nói đến chuyện tình cảm. Đây là nỗi bức xúc lớn và cũng là trách nhiệm của người làm công nghiệp hiện nay. Họ chỉ biết làm ra lợi nhuận và tìm mọi cách để kiếm được lợi nhuận, kéo dài thời gian làm việc và rút ngắn thời gian, ý chí, tâm tư của công nhân, làm tê liệt tâm tư tình cảm của công nhân.

Trong tình cảnh này, Các - Mác dùng từ "thoái hóa, tha hóa" công nhân, vì người ta sẵn sàng đánh đổi đời sống tinh thần để kiếm tiền. Nhưng kết quả cuối cùng thì giai cấp công nhân chả còn gì.

PV: Vừa rồi, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp và đưa ra phương án cuối cùng về lương tối thiểu vùng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Quang Thọ: Tôi nói trước Hội đồng tiền lương quốc gia là chúng ta không đòi lương cho chúng ta mà cho giai cấp công nhân. Chúng ta không phải đòi nhiều mà đòi để cho người công nhân có lương đáp ứng đủ đời sống tối thiểu chứ không phải là cao hơn. Nếu mức lương đã hợp lý thì chả cần cãi nhau làm gì. Lần đầu, tôi đề nghị thấp nhất là tăng 25%, sau khi nghe ngóng tình hình và bàn bạc trên thực tế thì hạ xuống còn 19,6% và tôi nghĩ rằng mức này phù hợp. Phù hợp nhưng không có nghĩa là đã đạt mà chỉ là phù hợp với giai đoạn này, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam.

Một thực tế là lương của công nhân trong các DN Việt Nam không cao, chỉ có khối FDI trả lương cao hơn. Nhưng các DN FDI cũng chỉ chọn những người thực sự làm được việc của họ để trả cao, chứ không phải ai cũng được trả cao. Thế cho nên là lương bổng của công nhân đến thời điểm này chúng ta mới chỉ đạt gần mức sống tối thiểu.

PV: Ông lo lắng nhất điều gì cho thời kỳ hậu công nghiệp ở Việt Nam?

Ông Vũ Quang Thọ: Công nhân không làm việc được lâu dài. Thời kì hậu công nghiệp, chỉ cần 20-30 năm nữa thôi các KCN này tự động giải tán, lúc bấy giờ công nhân của chúng ta đang ở lứa tuổi 36-40, họ sẽ làm gì? Khi đó về quê làm ruộng cầm cái cuốc cũng lóng ngóng. Mà tôi e là cũng không còn ruộng để làm. Những công nhân này cũng không thể xin vào bất kỳ công ty nào nữa. Vì khi làm trong KCN, họ chỉ làm được 1 công đoạn nhỏ trong dây chuyền, và họ không có nghề. Vậy họ sẽ làm gì? Họ ngồi không như thế con cháu họ có để cho họ yên không? Đấy chính là cái bi ai nhất của thời hậu công nghiệp Việt Nam hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Theo Hạnh - Mai
VOV.VN
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *