Đời Sống 31/07/2014 09:06

Hàng trăm hộ dân trắng tay vì cây “vàng trắng”

Mặc dù đã được cảnh báo nhưng hàng trăm hộ dân trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai-Kon Tum vẫn ồ ạt tận dụng quỹ đất để trồng cao su, nuôi mộng làm giàu từ những giọt “vàng trắng”.

Hai năm nay, giá mủ cao su giảm mạnh, họ lại đua nhau chặt bỏ để trồng các loại cây khác. Nhiều gia đình trắng tay và nợ nần chồng chất vì cái "điệp khúc": Giá cao thì trồng, giá hạ thì chặt.

Không biết đến bao giờ thời hoàng kim của “vàng trắng” mới quay trở lại với người trồng cao su cả nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng. Nhưng hiện nay, đến đâu chúng tôi cũng nghe mọi người bàn tán về giá mủ cao su xuống thấp “không đủ tiền công cạo” và chuyện người dân chặt bỏ cây cao su để trồng hồ tiêu, bơ và cà phê… Đến vùng biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai, hai bên đường, những vườn cây cao su tiểu điền xanh tốt, đang mùa khai thác độ 5-7 tuổi bị người dân chặt bỏ, nhiều cây bị đào bật gốc, tua tủa những bộ rễ dài đang chết dần trên đất. Hậu quả đau lòng của việc bà con đua nhau trồng cao su, bỏ qua những lời cảnh báo của các cơ quan chức năng về giống cây, chất đất, giá cả… Tại xã Ia Phìn, nhiều vườn cao su tiểu điền tít tắp, xanh mướt ngày nào giờ như chốn hoang tàn, xơ xác như mới bị bão quét. Hàng nghìn cây cao su bị bật gốc, trơ rễ. Hố cao su được thay bằng hố cà phê, hồ tiêu. Toàn xã có 110ha cao su tiểu điền đã bị người dân bỏ mặc không đầu tư hoặc phá bỏ vì giá mủ tươi hiện tại rớt xuống chỉ còn 3000-4000 đồng/kg. Gặp chúng tôi trên vườn cao su đang bị “bức tử”, anh Nguyễn Văn Thông ở xã Ia Phìn, huyện Chư Prông (Gia Lai) buồn rầu cho biết: “Cách đây 8 năm, cũng như mọi người dân trong vùng, gia đình tôi tích lũy và vay mượn từ nhiều nguồn, nhiều người thân được hơn 300 triệu đồng để đầu tư trồng mới gần 5ha cao su. 
 

Những vườn cao su bị người dân chặt phá để trồng các loại cây khác.

Thời gian đi qua, cùng với bao nhiêu tiền bạc, công sức gia đình tập trung vào với hy vọng đổi đời từ những giọt “vàng trắng”. Nhưng niềm vui không trọn, mùa khai mủ thu hoạch năm 2013, hàng trăm cây cao su không có mủ, số còn lại có mủ nhưng không đáng kể. Năm nay, gia đình tôi khai thác tiếp nhưng lượng mủ cũng không đáng là bao, trong khi đó giá mủ thì ngày càng xuống thấp, tiền bán không đủ trả công thợ cạo, nên vợ chồng tôi thống nhất chặt bỏ để lấy đất trồng cà phê”. Cũng hoàn cảnh “trắng tay”, chị Nguyễn Thị Bưởi (47 tuổi) ở Ia Băng đang thuê người chặt cành, chặt ngọn 3ha cao su. Chị Bưởi bộc bạch: “Vườn cây cao su nhà tôi đã trồng được 7 năm. Cách đây hai năm, có người hỏi mua với giá 1ha/400 triệu đồng nhưng tôi không bán. Năm nay tập trung khai thác thì thấy lượng mủ không nhiều, mặc dù cây rất tốt, khoảng cách cây với cây, hàng qua hàng rất đúng quy định. Chặt bỏ toàn bộ thì tiếc quá, tôi đành tận dụng thân cây cao su làm trụ trồng hồ tiêu, nhờ thế mà tiết kiệm được một khoản tiền thuê người chặt, đào gốc cao su và mua trụ tiêu. Đây là cách làm mới ở vùng đất này, chưa biết hiệu quả sau này đến đâu nhưng trước mắt, tôi cùng nhiều người khác đã tận dụng với hy vọng cây tiêu sẽ sống được trên thân cây cao su, cho thu nhập ổn định chứ không phải lao đao, vất vả như cây cao su tiểu điền”.

Cũng như các loại cây công nghiệp khác được trồng trên đất Tây Nguyên, người dân trồng cao su chi phí rất cao. Từ phí mua đất, phí san ủi mặt bằng chuẩn bị đất, mua cây giống, thuê người trồng cho đến chi phí xăng dầu, phân bón, nước tưới, công chăm sóc... cũng đã ngốn mỗi năm hơn 100 triệu đồng/ha. Mấy năm đầu khi cây cao su còn nhỏ thì chi phí đầu tư cho phân bón thấp, nhưng khi cây bắt đầu chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch phải dồn sức bón thúc cho cây để cạo mủ, thời gian này thường kéo dài khoảng 3 năm. Tùy theo giá phân cao hay thấp mà mỗi ha cao su có mức đầu tư từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/ha. Nếu 1ha cao su 6-7 tuổi bị phá bỏ thì mất đi không dưới 250 triệu đồng.

Trước tình hình trên, UBND huyện Chư Prông đã có công văn chỉ đạo và khuyến cáo người dân không nên chặt. Tuy nhiên, do giá thấp, cây cho ít mủ nên người dân trên địa bàn xã Ia Phìn, Ia Băng, Ia Ve…vẫn chặt cây cao su. Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai). Ông Bộ cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 21.000ha cao su tiểu điền trên tổng số 120.000ha cao su. Thời gian trồng đến thu hoạch của cây cao su mất 6-7 năm, chu kỳ kinh doanh kéo dài từ 25-30 năm và chi phí đầu tư rất cao.

Nếu người trồng cao su phá bỏ chỉ vì trước mắt giá mủ thấp, khi giá tăng trở lại thì việc trồng mới mất nhiều thời gian và hao tốn thêm tiền bạc, công sức. Nhiều gia đình muốn giữ lại vườn cao su nhưng không có vốn để chăm sóc. Sở đang chờ báo cáo từ các huyện, sau đó mới tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng hỗ trợ cho người trồng cây cao su”.

Không riêng Gia Lai, trên một số địa bàn của tỉnh Kon Tum, tình trạng người dân trồng cao su tiểu điền chặt bỏ cây “vàng trắng” cũng tương tự. Đến nay đã có 3 huyện xảy ra tình trạng nông dân chặt bỏ cây cao su với diện tích hơn 34ha trong tổng số hơn 28.000ha cao su tiểu điền. Riêng địa bàn xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã có gần 20ha cao su bị người dân đốn hạ, trong đó có cả một số diện tích mới bắt đầu vào kỳ thu hoạch.

Do không có định hướng cụ thể, không làm tốt công tác tuyên truyền nên nhiều năm nay, người nông dân ở Gia Lai, Kon Tum vẫn thường rơi vào vòng luẩn quẩn với điệp khúc trồng-phá. Cứ đà này, không biết đến bao giờ người nông dân ở đây thực hiện được mục tiêu “Một nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp”. Một mục tiêu rất tốt nhưng thực sự quá xa vời!

Theo Lê Quang Hồi

QĐND

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *