Đời Sống 19/02/2016 09:40

Hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục, nước ngọt đắt như… vàng

Thời gian gần đây, việc hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nên tình hình thiếu nước ngọt trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng trở nên gay gắt. Người dân phải mua nước ngọt chưa qua lắng, lọc với giá rất đắt đỏ.

Mấy tháng qua, gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Giồng Kiến (xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) phải mua hơn 10 xe nước ngọt (1 xe khoảng 1,7 m3 nước) về sử dụng. Mỗi xe nước, ông phải trả gần 100 ngàn đồng, tính ra, tiền xài nước còn đắt hơn cả tiền ăn gạo hàng ngày của gia đình.

Ông Tuấn cho biết: “Do nước ở xung quanh đều bị nhiễm mặn tắm rất ngứa nên bắt buộc phải mua nước ngọt về sử dụng dù giá rất đắt. Trung bình mỗi gia đình 4 người một tháng xài tiết kiệm nhất cũng phải từ 3 đến 4 xe nên tốn rất nhiều chi phí”.

Khô hạn gay gắt làm nguồn nước ngọt rất khan hiếm
Khô hạn gay gắt làm nguồn nước ngọt rất khan hiếm

Ông Nguyễn Văn Tư, ngụ xã Vĩnh Hòa (Ba Tri, Bến Tre) cho biết: “Năm nay hạn mặn đến sớm và gay gắt nên nước ngọt người ta ví như… vàng. Dù rất đắt đỏ nhưng ai cũng phải mua để có nước sử dụng”.

Theo ông Tư, nói là nước ngọt nhưng thật ra là nước lấy từ giếng tầng nông, giếng khoan chỉ có vị ngọt chứ chưa hề qua lắng, lọc. Giá nước cao hay thấp là tùy thuộc đoạn đường vận chuyển, những hộ ở xa mua nước lên đến trên 100.000 đồng/m3.

Bơm nước từ giếng khoan lên cung cấp cho người dân
Bơm nước từ giếng khoan lên cung cấp cho người dân

Bà Phan Thị Kim Chi, chủ cơ sở kinh doanh nước ngọt tại thị trấn Ba Tri (huyện Ba Tri, Bến Tre) cho biết: “Hiện tại đang vào cao điểm cung ứng nước ngọt cho bà con trong vùng vì hạn, mặn rất gay gắt. Trung bình mỗi ngày gia đình cung ứng khoảng 20 đến 30 m3 cho các hộ dân ở thị trấn và các vùng lân cận. Hiện tại giá nước cung ứng khoảng 60.000 đồng/m3 nếu ở gần, còn những nơi xa hơn thì giá càng cao do tốn nhiều chi phí vận chuyển”.

Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nên cư dân đô thị và nông thôn đều “khát” nước ngọt. Tại huyện Ba Tri (Bến Tre) hàng ngàn hộ dân ngay trung tâm thị trấn nhưng bắt buộc phải mua nước máy có độ mặn 2% sử dụng vì trạm cấp nước cũng bị nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri cho biết: “Nước máy lấy từ nguồn nước mặt ở các sông đưa về nhà máy xử lý nên dù là nước sạch vẫn còn độ mặn. Vì vậy người dân đành chấp nhận sử dụng nước mặn trong mùa này”.

Chở nước bằng xe công nông để bán cho người dân
Chở nước bằng xe công nông để bán cho người dân

Còn tại TP Bến Tre (trung tâm tỉnh Bến Tre) khoảng 60.000 hộ dân phải mua nước có độ mặn trên 1% về sử dụng. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Tổng giám đốc công ty Cổ phần cấp nước Bến Tre cho biết: “Thời điểm này nước ngọt rất khan hiếm, từ đầu tháng 1 đến nay nguồn nước mặt trên các sông chính đã bị nhiễm mặn nên cư dân thành phố Bến Tre phải chấp nhận sử dụng nguồn nước nước nhiễm mặn từ 1%trở lên. Để giảm thiểu tối đa cơn khát nước ngọt, giải pháp Công ty thực hiện là khai thác nguồn nước mặt trên rạch Cái Cỏ, xã Quới Thành (Châu Thành, Bến Tre) chuyển về nhà máy nước Sơn Đông và Hữu Định hòa với nguồn nước nhiễm mặn để giảm độ mặn cấp cho bà con sử dụng”.

Minh Giang

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *