Đời Sống 29/10/2014 07:44

Hà Nội: Sai phạm chồng sai phạm ở chung cư BMM

FICA - Không chỉ tự ý thu tiền đấu nối điện, nước với giá “cắt cổ”, các cư dân ở tòa nhà BMM tố giác hàng loạt sai phạm về chất lượng công trình của chủ đầu tư.

Đóng tiền triệu mới có điện, nước

 

Thời gian gần đây, các hộ dân mua nhà và chuyển tới sinh sống tại tòa chung cư BMM (phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) do Công ty TNHH sản xuất thương mại BMM (Cty BMM) và Công ty Cổ phần Sông Đà 12 làm chủ đầu tư hết sức bức xúc trước việc phải nộp tiền triệu cho chủ đầu tư để được đấu nối điện, nước.

 

Theo anh Hà Văn Quang (37 tuổi) cư dân của tòa nhà BMM, các hộ dân chính thức được nhận bàn giao nhà từ tháng 1/2014. Khi chuyển về ở, các hộ dân phải tiến hành đấu nối điện nước nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

 

Cư dân chung cư BMM tố giác hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư
Cư dân chung cư BMM tố giác hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư
 

Để thực hiện được việc này, mỗi hộ gia đình đều phải có văn bản xác nhận của chủ đầu tư là phía Cty BMM. Tuy nhiên, khi xin xác nhận, các hộ dân lại bị phía Cty BMM yêu cầu phải nộp mức phí là 2.500.000 đồng sau đó giảm xuống còn 1.500.000 đồng để mua công tơ, phí lắp đặt thì mới xác nhận vào đơn xin cấp nước.

 

Trước sự việc trên, nhiều hộ dân tỏ ra bức xúc không đóng phí theo yêu cầu của chủ đầu tư mà làm đơn kiến nghị tới Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông. Tại công văn số 201/CTN-KD ngày 6/8/2014 về việc trả lời kiến nghị của cư dân BMM, Công ty nước sạch Hà Đông đã khẳng định rằng, để ký hợp đồng cung cấp nước sạch, công ty này không hề thu bất kỳ khoản phí nào của khách hàng.

 

Bên cạnh đó, Phía Công ty điện lực Hà Đông cũng đã trả lời kiến nghị của cá nhân anh Hà Văn Quang cũng như các hộ dân rằng, “Việc thu 2,5 triệu đồng/hộ gia đình là do chủ đầu tư tự ý thu của các hộ dân, Công ty điện lực Hà Đông không thu hồi bất kì khoản thu phí nào đối với các cư dân của tòa nhà”.

 

Tại văn bản trả lời, Công ty điện lực Hà Đông cũng hướng dẫn các hộ dân chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để tiến hành làm hợp đồng trực tiếp với Công ty này về việc cung cấp điện.

Mặc dù đã có văn bản trả lời rõ ràng như vậy nhưng theo các hộ dân phía Cty BMM vẫn làm khó bằng việc đòi thu 1,5 triệu đồng tiền phí. Một số người dân đã buộc phải chấp nhận đóng tiền cho chủ đầu tư để được làm hợp đồng đấu nối điện, nước

 

Chưa nghiệm thu PCCC đã đưa hộ dân vào ở

 

Cũng theo các hộ dân ở tòa nhà BMM phản ánh, dù đã bàn giao nhà hơn 9 tháng nhưng hệ thống PCCC vẫn chưa hoàn thiện, tại biên bản làm việc ngày 21/8/2014 của sở cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội về việc kiểm tra hệ thống PCCC của tòa nhà chung cư BMM đã nêu rõ: “Tại thời điểm kiểm tra, công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa các hộ dân vào sinh sống, khu vực tầng hầm đã bố trí để xe ô tô, xe máy. Kiến nghị chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về PCCC, công trình chỉ được đưa vào sử dụng khi đã được nghiệm thu về PCCC”.

 

Ngoài ra, tòa nhà BMM được đầu tư hệ thống gas trung tâm nhưng van điện tử của hệ thống gas trung tâm lại không đuợc kết nối với hệ thống điện dự phòng chạy bằng máy phát điện. Trường hợp điện lưới bị mất mà bị rò rỉ gas thì hệ thống van điện tử sẽ vô tác dụng. Các hộ dân cho rằng điều này dẫn tới hậu quả khôn lường nếu xảy ra rò rỉ khí gas gây cháy, nổ.

 

Xây nhà đội tầng trái phép

 

Anh Hà Văn Quang, đại diện các hộ dân còn phản ánh rằng, theo quyết định số 2280/QDD-UBND ngày 10/7/2008 của UBND tình Hà Tây cũ (nay thuộc Tp Hà Nội) phê duyệt dự án xây dựng khu nhà ở cao cấp BMM thì tòa nhà này chỉ gồm 30 tầng nhưng thực tế xây dựng hiện tại lại được đội lên thành 32 tầng.

 

Tầng kỹ thuật nhưng lại có hộ dân sinh sống
Tầng kỹ thuật nhưng lại có hộ dân sinh sống
 
Các hộ dân từ tầng 6 trở lên đều bị đội tầng so với hợp đồng mua bán nhà vì xuất hiện tầng 5A
Các hộ dân từ tầng 6 trở lên đều bị đội tầng so với hợp đồng mua bán nhà vì xuất hiện tầng 5A
 
Trong hợp đồng mua nhà của anh Quang có ghi rõ phòng 501 tầng 5 nhưng khi bàn giao nhà lại thành tầng 6. Anh Quang có thắc mắc với đại diện chủ đầu tư thì được cho hay “Tầng 5 là tầng kỹ thuật”. Tuy nhiên, tại tầng 5 lại có các hộ dân sinh sống và chính trong văn bản của sở cảnh sát PCC tp Hà Nội cũng ghi rõ đã phát hiện hộ dân sinh sống tại phòng 509A. Để kiểm chứng điều này, phóng viên cũng đã ghi nhận thực tế có tới 2 hộ gia đình đang sinh sống trong căn hộ ở tầng 5.

 

Theo cư dân BMM, sai phạm xây đội tầng thể hiện rõ nhất khi trong thang máy số bấm tầng cao nhất là 30 nhưng thực chất là tầng 31 vì có tầng 5A. Ngoài ra, tầng 32 không làm thang máy mà làm cầu thang bộ đi lên.

 

Các cư dân lo lắng việc bàn giao nhà không đúng tầng so với hợp đồng sẽ ảnh hưởng tới việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà sau này.

 

Liên quan đến sự việc, phóng viên Báo điện tử Dân trí đã có liên hệ trực tiếp với phía Công ty BMM nhưng sau hơn 1 tuần vẫn không nhận được bất cứ phản hồi nào. Phóng viên đã thử liên hệ qua số điện thoại của giám đốc Công ty BMM là ông Nguyễn Văn Bằng nhưng ông này không bắt máy.

 

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

 

Lê Tú

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *