Đời Sống 09/11/2014 12:43

Hà Nội: Mua nước sạch giá "cắt cổ" để... rửa chân

Trạm bơm nước sạch ở thôn Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đi vào hoạt động cách đây hàng chục năm nhưng người dân địa phương chỉ dám dùng rửa chân.

 

Hà Nội: Mua nước máy giá cắt cổ để...rửa chân

Trạm bơm nước sạch tại thôn Yên Nội

Mua nước với giá cắt cổ

Theo phản ánh của người dân thôn Yên Nội, từ nhiều năm nay họ phải mua nước sạch với giá “cắt cổ” 5.200đồng/m3 nước để sinh hoạt trong khi chất lượng nước không được đảm bảo. Từ những thông tin này, phóng viên PetroTimes đã về đây để tìm hiểu sự việc.

Theo người dân trong thôn, trạm bơm nước sạch tại đây đã có từ hàng chục năm trước, việc mua nước với giá cắt cổ cũng diễn ra từ lâu.

“Giếng khoan này có độ sâu khoảng 100m, nằm tại khu gò Mả Viềng. Nước được bơm lên bởi một máy bơm công suất lớn, sau đó được xử lý trước khi đến từng hộ gia đình” – một người dân cho biết.

Khi xây dựng xong, UBND xã Đồng Quang đã bàn giao nhà máy cho một đơn vị khai thác, bán nước cho các hộ dân trong thôn Yên Nội. Nhưng đơn vị này lại bán nước với giá 5.200đồng/m3 cao hơn nhiều lần so với mức giá được quy định vào thời điểm đó.

Trao đổi với phóng viên PetroTimes, ông T.Đ.L (53 tuổi, ở xóm Gò, thôn Yên Nội) cho biết, gia đình ông đã phải mua nước với giá 5.200đồng/m3. Ông L. nói: “Chúng tôi mua nước sạch với giá 5.200đồng/m3 lâu rồi. Họ thu nhiều khi không có hóa đơn, cứ xem đồng hồ hết bao nhiêu m3 nước thì tính ra tiền rồi trả”.

Hà Nội: Mua nước máy giá cắt cổ để...rửa chân

Bà K.T.D trao đổi với phóng viên

Bà K.T.D (50 tuổi) bức xúc: “Nhà tôi mua nước sạch từ nhiều năm nay, giá bán là 5.200đồng/m3. Cũng không ai để ý là giá nước hiện hành là bao nhiêu nên lúc mua họ báo thế nào thì trả bấy nhiêu”.

Khi được hỏi tại sao lại đồng ý mua nước với giá “cắt cổ”, một số người dân trả lời vì không biết về giá nước của thành phố, hơn nữa, giá nước tại đây đã được UBND xã Đồng Quang thống nhất với nhà thầu nên nhiều người miễn cưỡng chấp nhận.

Nước sạch có cả… đỉa

Cũng theo phản ánh của người dân, bên cạnh việc họ phải mua nước với giá “cắt cổ” họ chỉ dám dùng nguồn nước của nhà máy nước sạch để tắm, giặt chứ không nấu ăn được vì nguồn nước không đảm bảo, nhiều khi nước có màu đen, bốc mùi.

Bà N.T.T (50 tuổi) bức xúc: “Nước máy nhiều khi đen ngòm, bốc mùi hôi thối nữa. Chúng tôi ở đây mua nước sạch về chỉ dùng rửa chân, tay thôi vì nước máy ở đây không đảm bảo chất lượng lại hay bị mất nước nên hầu như hộ nào trong thôn cũng đều dùng nước mưa hoặc nước giếng khoan để ăn uống”.

Nói về nguyên nhân của tình trạng nước sạch hóa nước bẩn, người dân nơi đây cho rằng do các đường ống dẫn nước bị hoen gỉ, bào mòn nên khi bơm nước thì nước sạch tràn ra ngoài và ngược lại khi không bơm nước thì nước ruộng, nước thải sinh hoạt chảy vào ống dẫn nước sạch.

Hà Nội: Mua nước máy giá cắt cổ để...rửa chân

Ông T.Đ.L chỉ vị trí đường ống bị bục

Hà Nội: Mua nước máy giá cắt cổ để...rửa chân

Một "mạch nước" rò rỉ từ đường ống dẫn nước sạch

Dẫn phóng viên đến những vị trí đường ống bị rò rỉ, ông T.Đ.L (53 tuổi) bức xúc: “Không chỉ có việc nước đen, nhiều lần chúng tôi còn phát hiện có đỉa trong nước sạch, chúng tôi đã báo lên đơn vị vận hành nhà máy nước nhưng chỉ nhận được câu trả lời là sẽ sửa, thay đường ống nhưng sau đó, chẳng có ai làm gì cả”.

“Đường ống dẫn nước thường xuyên bị vỡ và phải sửa chữa nên khi bơm, nước từ đường ống sẽ tràn ra ngoài ruộng canh tác. Lúc ngừng máy, nước từ ngoài ruộng lại chảy ngược vào bên trong đường ống dẫn nước của trạm bơm”, – ông L. lắc đầu ngao ngán.

Chính quyền than khó!

Đại diện chủ thầu trạm bơm nước sạch ông Vũ Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân, ngay khi tiếp nhận vụ việc, tôi đã tự bỏ tiền và thuê thợ tới để gia cố và sửa chữa các điểm ống nước bị vỡ. Ngoài ra, chúng tôi cũng mua máy bơm mới thay thế cho các máy bơm cũ bị hỏng trước đó gần chục ngày”.

Về phía UBND xã Đồng Quang, ông Nguyễn Nhã Văn – Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết: “Toàn bộ công trình này sau khi hoàn thành, chúng tôi đã bàn giao cho thôn Yên Nội quản lý trực tiếp nên xã chỉ quản lý về mặt hành chính. Còn về những phản ánh về việc nước bẩn, tôi cũng đề nghị các đơn vị liên quan phải có các biện pháp khắc phục sự cố kịp thời để đảm bảo đủ nước cho bà con”.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Văn nói: “Địa phương không có kinh phí nên chúng tôi cũng mong UBND huyện quan tâm, tạo điều kiện đưa nước sạch từ hệ thống đường nước sạch sông Đà về địa phương nhằm đảm bảo chất lượng nước cho bà con”, ông Văn nhấn mạnh.

Từ 1/10/2014, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội đã có quyết định tăng giá nước sạch. Lần tăng giá này là thực hiện lộ trình tăng giá 3 năm liên tiếp đã được thành phố ban hành (giá được được điều chỉnh vào ngày 1/10 trong 3 năm 2013-2015).

Mức giá được điều chỉnh tăng từ 1/10/2014 cụ thể như sau: giá nước sinh hoạt là 5.020 đồng/m3 so với mức giá hiện tại là 4.172 đồng/m3. Với 10 m3 đầu tiên (5.973 đồng/m3 từ 1/10/2015) và tối đa 13.377 đồng/m3 khi dùng trên 30 m3 (15.929 đồng/m3 từ 1/10/2015).

Với các cơ quan hành chính sự nghiệp; đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công cộng; sản xuất vật chất; kinh doanh dịch vụ, mức giá cũng được điều chỉnh tăng.

Theo Xuân Hinh - Nhật Minh

Petrotimes

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *