Đời Sống 18/04/2014 08:45

Hà Nội không vội được đâu!

Câu ngạn ngữ dân gian “Hà Nội không vội được đâu” té ra có thể vận vào nhiều việc ở Hà Nội.

Chẳng hạn, lẽ ra cầu Nhật Tân phải được hợp long từ lâu chứ không phải đến ngày 15/4 vừa qua cũng chỉ vì chậm giải phóng mặt bằng. Sự kiện chi phí phát sinh tại cầu Nhật Tân sẽ không có gì đặc biệt, nhưng nếu nhìn theo diễn biến trên thực tế từ trước đến nay, nó lại khiến nhiều người phải sửng sốt, bất ngờ.

 

Tại Hà Nội cũng như trên cả nước, câu chuyện các dự án chậm tiến độ là “chuyện thường ngày ở tỉnh”, còn chậm vì không thể giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng đã phổ biến tới mức có cả ngàn lẻ một lý do. Ai cũng nói được lý do tại con người. Việc nhà thầu cầu Nhật Tân né từ ngữ nhạy cảm “nộp phạt”, “bồi thường” bằng cụm từ “yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ” cho những tổn thất từ nguyên nhân này thì không phải bao giờ cũng thấy, nếu không nói là hiếm gặp. Giá như có thể nói được với nhà thầu rằng: “Các vị ơi, Hà Nội không vội được đâu!”.

 

Báo chí thông tin đích thân ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nổi đóa vì chậm GPMB của Dự án tàu điện Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ nên tư vấn Systra (Pháp) kiến nghị điều chỉnh giá trị hợp đồng và bồi thường gần 3 triệu euro.

 

Đường Trường Chinh chuyển hướng là quyết định của tập thể

 

Sau nhiều năm khởi công, Dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội (Nhổn - ga Hà Nội) liên tục chậm tiến độ khiến thời gian dự kiến hoàn thành kéo dài đến cuối năm 2017. Tuy nhiên, cả chủ đầu tư và tư vấn Systra (Pháp) đều tính toán thời gian sẽ phải kéo dài đến tháng 11/2018.

 

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, nguyên nhân khách quan do đây là tuyến thí điểm của thành phố nên thiếu kinh nghiệm triển khai, song nguyên nhân chủ quan là sự chỉ đạo và phối hợp thiếu quyết liệt, chặt chẽ, nhất là quan hệ với tư vấn nước ngoài. Nếu dự án tiếp tục bị đình trệ, thành phố sẽ thanh tra công vụ tại các đơn vị liên quan.

 

Với lỗi chậm GPMB, các chủ đầu tư thường phải “âm thầm” hỗ trợ nhà thầu thông qua điều chỉnh tỷ lệ trượt giá, bổ sung phát sinh. Đây cũng chính là lý do khiến các chủ đầu tư thường không dám mạnh tay xử lý nhà thầu yếu kém, vì ngại bị “bật lại” chuyện bàn giao mặt bằng chậm.

 

Trong tình trạng không vội này, việc Việt Nam chấp thuận chi khoản hỗ trợ kinh phí phát sinh trên cho nhà thầu Nhật Bản có thể là một “tin vui” đối với nhiều nhà thầu đang chuẩn bị lên tiếng đòi quyền lợi. Quy định trong hợp đồng rất có khả năng hiện thực hóa thành thông lệ trong thực tiễn thi công các dự án tại Việt Nam.

 

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng đã rất thẳng thắn: Đền là đúng rồi, trách nhiệm đã rõ, nhưng lẽ ra phải trừ lương, thưởng, phạt bên chủ đầu tư chứ không phải lấy tiền ngân sách ra mà trả như chúng ta đang làm.

 

Vụ uốn cong đường Trường Chinh được chính người dân tại chỗ, trong đó có những tướng lĩnh, sĩ quan lên tiếng. Báo chí đưa rầm rộ. Cũng đúng là không vội được đâu, người dân vẫn chờ câu trả lời chính thức của UBND TP Hà Nội.

 

Theo Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn, khi quy hoạch đường Trường Chinh, Bộ Quốc phòng yêu cầu lấy về phía bắc 6m, tuy nhiên khi gặp phải đoạn vuốt nối với chỉ giới Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, phải vuốt cong lên phía bắc 15m, tịnh tiến lên để đấu nối cho chuẩn. Ông Tuấn cũng đưa ra nhận định việc tịnh tiến này đã tạo ra “đường cong mềm mại”, gây phản ứng trong dư luận.

 

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, không có chuyện bẻ cong đường né nhà lãnh đạo, bởi quan điểm của thành phố là làm nghiêm túc, không có khái niệm “nhà lãnh đạo” hay “nhà quan chức”, nhà lãnh đạo thì cũng không khác gì nhà người dân bình thường. Công luận cần nhìn thấy những việc làm để chứng tỏ lời khẳng định của UBND TP Hà Nội là ngay thẳng.

 

Lý giải từ các cơ quan chức năng vẫn chưa làm công luận thôi đặt dấu hỏi về cái sự “cong mềm mại”. Công luận không cần những lý giải “mềm mại”.

 

Và rồi người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị lên tiếng, việc quyết định hướng tuyến đường Trường Chinh được các cơ quan Hà Nội tiến hành rất thận trọng, quy trình làm việc chặt chẽ, trong đó có lấy ý kiến của các cơ quan liên quan là Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ), Bộ Quốc phòng. Quân chủng PKKQ đề nghị cần có điều chỉnh hướng tuyến con đường và Bộ Quốc phòng cũng có đề nghị như vậy, TP Hà Nội là cơ quan xem xét các ý kiến đó. Việc điều chỉnh hướng tuyến đường Trường Chinh về nguyên tắc không sai. Bí thư Thành ủy khẳng định, việc điều chỉnh đường Trường Chinh không có dấu hiệu tiêu cực, được công khai, minh bạch, đúng thủ tục và cơ quan quyết định thuộc thành phố Hà Nội chứ không phải cá nhân nên không có ai đưa ý chí hay lợi ích của mình vào việc này.

 

Tuy nhiên, Bí thư Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, nếu có giải pháp tốt hơn về kinh tế, quy hoạch thì thành phố vẫn lắng nghe để sửa đổi, mong muốn đường Trường Chính có hướng tuyến tốt nhất. Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan của thành phố cung cấp thông tin chính xác, trung thực tới dư luận vì sao đường Trường Chinh phải điều chỉnh hướng tuyến.

 

Dự án mở đường Trường Chinh đã chậm tiến độ nhiều năm, nay lại càng đình trệ do khiếu kiện. Đã bảo rồi mà, không vội được đâu!

 

 

Theo Bảo Dân

Petrotimes

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *