Đời Sống 25/08/2014 14:50

Hà Nội: “Khai tử” chợ tự phát chiếm dụng toàn bộ vỉa hè phố mới

FICA - Mới được TP.Hà Nội nâng cấp nhưng tuyến phố Vũ Tông Phan đã bị chiếm dụng cả 2 bên vỉa hè, bị biến thành khu chợ tự phát, luôn trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Ngày mai, 26/8, Công an quận Thanh Xuân sẽ phối hợp cùng Công an quận Hoàng Mai - Hà Nội thực hiện giải tỏa các vi phạm trật tự đô thị tại khu chợ tự phát Cầu Lủ.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Cầu Lủ nằm trên địa giới hành chính của hai phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) và phường Định Công (quận Hoàng Mai). Đây là khu chợ tự phát trên vỉa hè hình thành do thói quen tiêu dùng của người dân theo kiểu “tiện đâu mua đấy”.

Bị giải tỏa nhiều lần, chợ Cầu Lủ vẫn liên tục họp lại.
Bị giải tỏa nhiều lần, chợ Cầu Lủ vẫn liên tục họp lại.

Từ khi xuất hiện khu chợ tự phát Cầu Lủ, địa bàn trên trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức giải tỏa khu chợ này song do không có cơ chế duy trì thường xuyên, chưa giải quyết dứt điểm nên chỉ một thời gian ngắn, việc họp chợ lại tái diễn.

Trung Tá Nguyễn Anh Sơn - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh (Công an quận Thanh Xuân) - cho hay: “Phố Vũ Tông Phan trước đây là ngõ 35 Khương Hạ, mới được UBND TP Hà Nội nâng cấp lên là một tuyến phố và đổi tên là Vũ Tông Phan từ tháng 3/2014. Người dân tự ý họp chợ trên vỉa hè tuyến phố này là sai quy định của pháp luật. Việc giải tỏa các vi phạm ở đây nhằm đưa trật tự đô thị vào nề nếp, hè thông đường thoáng, họp chợ đúng nơi quy định.”

Theo thống kê của lực lượng chức năng quận Thanh Xuân và Hoàng Mai, khu chợ tự phát này có 308 hàng quán, trong đó có 75 hàng rau hoa quả thực phẩm tươi sống, 45 hàng khô tạp hóa, 125 hàng thịt tươi sống, 35 hàng quần áo, 3 hàng chiếm dụng vỉa hè rửa xe…

Hai bên vỉa hè phố Vũ Tông Phan bị biến thành các ki-ốt, sạp hàng.
Hai bên vỉa hè phố Vũ Tông Phan bị biến thành các ki-ốt, sạp hàng.

Quan sát của chúng tôi, dọc tuyến phố mới được đặt tên này, toàn bộ vỉa hè bị chiếm dụng, biến thành các ki-ốt, sạp hàng, quán buôn bán. Người mua, người bán dựng xe dưới lòng đường kéo dài cả cây số, gây tắc đường, nhất là cuối giờ chiều hàng ngày. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường khu chợ tự phát này đang trong tình trạng báo động.

Thượng tá Nguyễn Minh Chiến - Trưởng Công an phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) - cho hay: “Phường Khương Đình đã chủ động tuyên truyền đến các hộ dân, các tiểu thương kinh doanh qua các phương tiện như loa đài phát thanh, xe loa lưu động, dán thông báo ở các điểm công cộng và đến từng hộ dân để vận động người dân chấp hành quy định của Nhà nước, tránh tình trạng nhân dân không hiểu dẫn tới việc chống đối khi lực lượng chức năng tổ chức giải tỏa.”

Sau khi có thông báo về việc giải tỏa các vi phạm tại chợ Cầu Lủ, được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hầu hết cư dân địa phương đều hiểu và đồng ý chấp hành quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương không khỏi lo lắng bởi việc kinh doanh tại chợ Cầu Lủ nhiều năm nay là nguồn thu chủ yếu của hàng trăm hộ tiểu nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu chợ tạm Cầu Lủ bị “khai tử”. Đại đa số tiểu thương mong muốn được tạo điều kiện về mặt bằng với giá cả hợp lý để tiếp tục kinh doanh sau khi giải tỏa chợ Cầu Lủ.

Đủ các mặt hàng ở chợ tự phát Cầu Lũ.

Đủ các mặt hàng ở chợ tự phát Cầu Lũ.
Đủ các mặt hàng ở chợ tự phát Cầu Lũ.

Được biết, sau khi giải tỏa, 79 hộ kinh doanh thuộc quận Hoàng Mai sẽ được đưa về chợ Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Hơn 200 hộ kinh doanh thuộc địa bàn quận Thanh Xuân sẽ được chính quyền địa phương hướng dẫn tới các chợ được phép hoạt động trên địa bàn để liên hệ thuê địa điểm kinh doanh.

Theo ông Đỗ Ngọc Đãng, Bí thư chi bộ khu 9 phường Khương Đình(quận Thanh Xuân), đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng của các tiểu thương. Việc giải tỏa các vi phạm họp chợ Cầu Lủ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân.

“Hiện nay, chợ Khương Đình mới được xây dựng nhưng vẫn còn nhiều chỗ trống, chính quyền địa phương nên có những cơ chế phù hợp như thu tiền thuế, tiền thuê mặt bằng và các chi phí dịch vụ khác không quá cao để vận động người dân về đây kinh doanh buôn bán.” - ông Đãng chia sẻ.

Cũng theo ông Đãng, về lâu dài, để tránh tình trạng tái diễn họp chợ, cũng như việc các tiểu thương đổ về các ngõ nghách để tiếp tục kinh doanh, chính quyền địa phương cần duy trì lực lượng chống tái họp chợ trong một thời gian dài, công tác tuyên truyền phải thường xuyên và nhiều hơn nữa và xử lý thì quyết liệt, mạnh tay.

Tiến Nguyên

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *