Đời Sống 15/09/2015 17:51

Gỗ Việt Nam xuất siêu sang Trung Quốc, đạt kim ngạch 425 triệu USD

Ngày 15/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức hội thảo “Thương mại gỗ Việt Nam-Trung Quốc 2012-2014 thực trạng và xu hướng”.

Mặc dù xu hướng chung trong thương mại song phương giữa hai quốc gia Việt Nam-Trung Quốc với hầu hết các loại hàng hóa là thâm hụt mạnh đối với Việt Nam, nhưng thương mại các mặt hàng gỗ được đánh dấu bằng cán cân thặng dư cho Việt Nam, với mức thặng dư bình quân hàng năm khoảng trên 600 triệu USD. 

Riêng 6 tháng đầu năm nay, các mặt hàng gỗ của Việt Nam đã đạt kim ngạch trên 425 triệu USD từ thị trường Trung Quốc, cao thứ 2 (sau sắn) trong tất cả các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Năm loại sản phẩm quan trọng nhất giúp cho ngành gỗ của Việt Nam xuất siêu sang Trung Quốc bao gồm dăm gỗ, gỗ xẻ, đồ gỗ, gỗ ván bóc và gỗ tròn; trong đó, mặt hàng dăm gỗ chiếm 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang thị trường này. 

Tuy nhiên, thương mại các mặt hàng gỗ giữa hai quốc gia, đặc biệt Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã và đang bộc lộ một số hạn chế cơ bản của ngành gỗ trong nước.

Đó là hầu hết các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc là sản phẩm thô, có giá trị gia tăng thấp. 

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 940 triệu USD sang thị trường này nhưng trên 700 triệu là sản phẩm thô như dăm mảnh, gỗ tròn, sản phẩm tinh chế ít, trong khi đó các thị trường khác chủ yếu nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh.

Không chỉ xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Trung Quốc, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều sản phẩm gỗ từ quốc gia này. Trong 6 tháng đầu 2015, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt gần 121 triệu USD. Các loại sản phẩm nhập khẩu chủ yếu bao gồm gỗ dán, ván sợi, ván dăm, vơnia và đồ gỗ.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, thương mại các sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn từ các quy định của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định hàng hóa ASEAN-Trung Quốc. 

Những yếu tố này sẽ tạo cơ hội cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam tại Trung Quốc và ngược lại.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do giúp Chính phủ và các doanh nghiệp sắp xếp và tổ chức lại hình thức sản xuất kinh doanh của ngành gỗ. Điều này tạo cơ hội thông qua các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.

Theo Bích Hồng

TTXVN

Theo Bích Hồng

TTXVN

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *