Đời Sống 16/09/2014 16:40

Đốn nhãn bán... củi vì dịch bệnh chổi rồng

FICA - Thời gian gần đây, dịch bệnh chổi rồng đã tàn phá hàng ngàn ha nhãn ở khu vực ĐBSCL

Nghề trồng nhãn long đong hơn bao giờ hết nên nhiều người chấp nhận đốn bỏ để bán củi và chuyển qua trồng cây khác vì dịch bệnh.

Ồ ạt đốn nhãn bán... củi

 

Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích khoảng 25.000 ha nhãn, trong đó diện tích bị bệnh chổi rồng lên đến 15.500 ha tập trung chủ yếu ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng... Diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng không cho trái, nông dân sử dụng thuốc cũng không hiệu quả nên chấp nhận đốn bỏ để bán... củi dù nhiều cây đã hơn chục năm tuổi.
 
Nông dân ở xã An Bình, Long Hồ đốn nhà để bán củi
Nông dân ở xã An Bình, Long Hồ đốn nhà để bán củi
 

Ông Nguyễn Tấn Nguyên, ngụ xã An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long) buộc phải đốn hơn 1ha nhãn trên 10 năm tuổi của mình để bán củi vì không còn cách nào khác sau nhiều năm trị bệnh chổi rồng không hiệu quả.

 
Ông Nguyên cho biết: "Ở xứ này người dân trồng nhãn rất nhiều nhưng hầu như đều bị bệnh chổi rồng. Từ lúc nhãn ra lá non, ra hoa đã bị nhiễm bệnh sau đó không phát triển mà xoắn lại như cây chổi và không ra quả. Chúng tôi sử dụng thuốc cũng không xong nên giờ phải cưa ngang bán củi được đồng nào hay đồng nấy rồi mới tính tiếp nên trồng loại cây gì".
 
Theo ông Nguyên, mấy chục năm trồng nhãn chưa khi nào người nông dân bị bế tắt, hoang mang như hiện nay. Nếu để nhãn thì tới mùa tiền bán nhãn không đủ tiền mua thuốc điều trị bệnh chổi rồng còn đốn hạ bán củi thì cũng không biết mai mốt sẽ trồng lại cây gì.
 
Nông dân đốn hạ vườn nhãn trên chục năm tuổi
Nông dân đốn hạ vườn nhãn trên chục năm tuổi
 
Diện tích vườn nhãn bị san bằng để trồng cây khác vì dịch bệnh chổi rồng
Diện tích vườn nhãn bị san bằng để trồng cây khác vì dịch bệnh chổi rồng
 
Theo thống kê sơ bộ, tài 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long có diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng lớn nhất với hơn 14.000 ha. Rất nhiều nông dân đành ngậm ngùi đốn bỏ vườn nhãn hàng chục năm tuổi để bán củi với diện tích lên đến hàng ngàn ha.
 

Tiêu tốn tiền tỷ, dịch bệnh vẫn tràn lan

 

Hiện tại ngành nông nghiệp đã bỏ ra tiền tỷ để phòng dịch bệnh chổi rồng nhưng vẫn không hiệu quả, khiến người làm vườn rất hoang mang. Sau nhiều năm điều trị với chi phí rất tốn kém nhưng rốt cuộc nông dân buộc phải đốn bỏ vườn nhãn. Trong đó tỉnh Vĩnh Long đã bỏ ra kinh phí hơn 55 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của trung ương và địa phương để dập dịch, tỉnh Tiền Giang cũng tiêu tốn đến 43 tỷ đồng nhưng dịch bệnh trên nhãn chổi rồng vẫn không được khống chế mà có chiều hướng ngày càng gia tăng nên nông dân buộc phải đốn bỏ.
 
Nhãn bị bệnh xoắn lại như cây chổi không thể ra quả
 Nhãn bị bệnh xoắn lại như cây chổi không thể ra quả
 
Diện tích trồng nhãn của huyện Cái Bè (Tiền Giang) khoảng 2.800 ha, sau một thời gian điều trị bệnh chổi rồng tiêu tốn gần 20 tỷ đồng của nhà nước (gồm 8 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuốc và 11,2 tỷ đồng hỗ trợ công cắt tỉa - PV) thì đến nay diện tích trồng nhãn chỉ còn 1.300 ha, diện tích 1.500 ha nông dân đã đốn hạ để bán củi.
 
Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết: "Việc điều trị bệnh chổi rồng trên nhãn không hiệu quả do chi phí để làm theo quy trình khá lớn trong khi giá nhãn thấp nên người nông dân chỉ còn từ huề đến lỗ sau khi bán nhãn. Từ đó dẫn đến tình trạng người dân không làm theo quy trình, chấp nhận sống chung với bệnh chổi rồng nên cứ nuôi bệnh hoài. Diện tích bị nhiễm bệnh nặng thì nông dân đốn bỏ để chuyển qua trồng các loại cây trồng khác".
 
Nhãn bị bệnh chổi rồng nên năng suất rất thấp, nông dân bị thua lỗ
Nhãn bị bệnh chổi rồng nên năng suất rất thấp, nông dân bị thua lỗ
 
Hiện tại, ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo người dân chuyển sang trồng ổi, xoài, cây có múi... nhưng giá cả rất bấp bênh và cũng xuất hiện dịch bệnh nên nhiều người rất hoang mang.
Minh Giang
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *