Đời Sống 09/05/2015 10:35

Điêu đứng trước ‘quyền lực’ vô hình của các ‘siêu người hùng’ bàn phím

Thực tế đã chứng minh, có biết bao sản phẩm, doanh nghiệp “ngã ngựa” giữa đường bởi những cú click chuột tẩy chạy của cộng đồng mạng.

Sản phẩm như sữa có đỉa, trứng gà có virus HIV... cho thấy chỉ một thông tin nhỏ, thiếu chính xác, thậm chí thất thiệt đã dồn doanh nghiệp, người nông dân vào chân tường. Thế mới thấy “quyền lực” của cư dân mạng hiện nay đang trở nên khủng khiếp như thế nào.
 
Sản phẩm Việt chao đảo vì tin đồn
 

Từ năm 1997, khi internet xuất hiện đã đem đến một kho tàng tri thức khổng lồ cho người Việt. Tuy nhiên, càng ngày, khi mà người dân coi mạng internet là món ăn, giấc ngủ, một hoạt động không thể thiếu thì cũng từ đây nhiều hệ lụy bắt đầu sản sinh. Minh chứng rõ nét nhất là khoảng 5 năm gần-đây, cứ mỗi khi các sản phẩm, doanh nghiệp vừa nổi, vừa khẳng định được thương hiệu thì lập tức bị tin đồn nhảm và các “siêu” anh hùng bàn phím vùi dập.

Chưa bao giờ ngành sữa Việt Nam lại điêu đứng, hoảng loạn vì tin đồn như những năm gần đây. Chính “virus tin đồn” xuất hiện dẫn đến trào lưu tẩy chay sản phẩm. Trao đổi với PV báo ĐS&PL thời điểm đó, một lãnh đạo của Bộ Công thương đã phải thốt lên rằng, ngành sữa Việt Nam đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tin đồn thực sự! Những tin đồn, trào lưu tẩy chay có mức độ lây lan chóng mặt. Tuy nhiên, điều lạ ở chỗ, các tin đồn chỉ nhắm vào các sản phẩm sữa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Chẳng hạn, như trường hợp xảy ra tại thôn Dương Thọ, xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) với tin đồn có đỉa trong hộp sữa tươi tiệt trùng Mộc Châu. Với tốc độ lan truyền mạnh của internet mặc dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng và cơ quan công an, song những “vi khuẩn tin đồn độc hại này đã phát tán cực nhanh, gây hoang mang cho người dân. Chỉ một thông tin cộng hình ảnh thất thiệt được đưa lên mạng xã hội, các “anh hùng bàn phím” nhảy vào “chém” tới tấp đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Sau khi đã gây hiệu ứng cho dư luận, các thông tin tẩy chay liên tiếp được đưa ra. Thậm chí, các trường mẫu giáo đã quyết định “đoạn tuyệt” với loại sữa này. Mặc dù sau này, các chuyên gia đều khẳng định tin đồn trên là thất thiệt nhưng sản phẩm cũng khó lấy lại được cảm tình của người tiêu dùng.

Nông dân khóc ròng

Người nông dân vốn đã khốn khó, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, bán mồ hôi để kiếm từng cắc bạc lẻ. Tuy nhiên, những năm qua, nhiều người dân ở các địa phương cũng rơi vào vòng xoáy tung tin đồn nhảm tẩy chay, cả năm cặm cụi vun trồng và trông chờ vào một vụ mùa bội thu nhưng đến lúc thu hoạch, họ rớt nước mắt lặng nhìn ngô, dưa của mình thối theo những tin đồn bịa đặt ác ý. Khốn khổ là vậy nhưng những người nông dân vẫn bị “cư dân mạng” tẩy chay không thương tiếc.

Cách đây không lâu, người dân Đồng bằng sông cửu Long cũng từng lao đao trước tin đồn “trồng dưa hấu sử dụng hóa chất từ Trung Quốc”. Từ một thông tin trên mạng cho rằng, để trái dưa lớn hơn, ngọt hơn bình thường, những nông dân đã tiêm một loại hóa chật độc hại, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Khi đó, làn sóng tẩy chay trên mạng xuất hiện khiến nhiều người không dám mua dưa nữa. Giá dưa khi đó 5-6.000 đồng/kg bỗng nhiên hạ xuống 1-2.000 đồng/kg. Thậm chí, có nhiều gia đình, dưa chất đống trong nhà chỉ để cho trâu bò ăn vì ế. Sau này, khi các cơ quan chức năng kết luận tin đồn dưa hấu sử dụng hóa chất Trung Quốc là nhảm nhí thì cũng là lúc hàng trăm ngàn tấn dưa đã bán rẻ như cho hoặc để hỏng. Nhiều người đặt nghi vấn, việc tung tin đồn và tẩy chay dưa chính là chiêu ép giá của các tiểu thương, và sau đó, sự việc chìm xuồng. Kết cục, người nông dân là đối tuợng duy nhất chịu thiệt.

Và mới đây nhất là tin đồn trứng gà bị tiêm máu nhiễm virus HIV cũng khiến người chăn nuôi khóc ròng vì thua lỗ.

Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, anh Nguyễn Hùng Văn, một chủ trang trại ở xã An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) buồn bã nói. “Gia đình tôi cắm cả sổ đỏ, vay ngân hàng mấy trăm triệu đồng để làm trang trại, nuôi gà đẻ. Hàng tháng, chúng tôi phải bán trứng gà đi để duy trì việc làm cho hàng chục công nhân và trả lãi ngân hàng. Thế rồi, bỗng đâu từ trên trời rơi xuống tin đồn trứng gà bị tiêm máu nhiễm HIV xuất hiện trên mạng, cùng với đó là những lời kêu gọi tẩy chay. Ra chợ, người ta cứ đi qua hàng trứng gà là lại lắc đầu nghi ngại. Suốt một thời gian dài, trứng gà chất đầy nhà mà chẳng thương lái nào ngó ngàng đên nữa. Để có tiền trả lãi ngân hàng; chúng tôi phải liên hệ, năn nỉ rồi bán tống bán tháo cho tiểu thương giá rẻ mạt.

Không riêng chúng tôi mà trên thực tế rất nhiều gia đình làm trang trại khổ sở, điêu đứng vì tin đồn”. Nghe những lời bộc bạch chua xót của anh Văn, chúng tôi cảm thấy quặn lòng. Phải chăng, việc trứng gà bán rẻ như cho chính là kết cục mong muốn của những kẻ đưa ra tin đồn?

Đứng trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay có tình trạng một số thành phần lợi dụng các trang mạng internet để gây hoang mang dư luận, thị trường. Hậu quả tất nhiên, doanh nghiệp và người tiêu dùng lãnh đủ. Nguy hiểm là những tin đồn thất thiệt, sai sự thật, những nguồn tin vô căn cứ như thế lại vô tình tác động mạnh đến lòng tin của dân chúng, khiến họ có những suy nghĩ sai lệch về sản phẩm, thậm chí hoang mang dẫn đến tẩy chay. Và điều đáng buồn là chưa có một cá nhân nào bị xử lý vì tung tin đồn sai và cố tình tạo nên cơn sóng tẩy chay sản phẩm. Có lẽ, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm hơn nữa đối với những đối tượng tung tin đồn thất thiệt để bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Theo Văn Chương-Mai Hằng 

Đời sống & Pháp luật

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *