Đời Sống 06/12/2013 09:15

Điện đắt, gas tăng: Than tổ ong đến thời hưng thịnh

FICA - Dù đã bỏ bếp than tổ ong gần 3 năm nay, nhưng sau lần giá gas tăng 80.000 đồng/bình, chị Đinh Thị Loan (Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội) lại đi mua bếp than tổ ong mới để đỡ xót ruột khi dùng gas.

Công nhân, dân lao động thu nhập thấp như chị Loan hay sinh viên giờ đây đành chuyển sang dùng bếp than để đối phó với “bão” giá gas trong thời buổi đói kém, bếp điện cũng là điều xa xỉ.

Cả xóm dùng chung bếp than tổ ong

Chị Loan cho biết, nhà chị đông người, một bình gas chỉ đun nấu được trong vòng hơn tháng. Nay gas tăng giá, một số người bảo chuyển qua dùng bếp điện nhưng khổ nỗi gia đình chị đang thuê trọ, tiền mua bếp điện đã là cả vấn đề, chưa kể tiền điện bà chủ xóm trọ còn tính giá 4.000 đồng một số.

Theo lời chị Loan, chuyển qua bếp than tổ ong, gia đình chị đun nấu thoải mái, nhất là trong mùa đông này còn có thể đun nước tắm. Nhờ vậy, tiết kiệm được tiền gas và tiền điện nữa.

Tương tự, vì giá gas tăng nên cái bếp than tổ ong cũng đã quay lại căn nhà của chị Nguyễn Thị Mai ở Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội).

Giá-gas, bếp-gas, bếp-than-tổ-ong, tiết-kiệm, đun-nấu, độc-hại

 

Để chống chọi với “bão giá gas”, sinh viên, dân lao động có thu nhập thấp quay lại dùng bếp than tổ ong (ảnh thiennhien.net)

"Mỗi bình gas, nhà tôi dùng được trong gần hai tháng. Một số người bảo tôi quay lại đun than chỉ tiết kiệm được vài chục ngàn tiền gas. Nhưng được đồng nào hay đồng ấy, bởi có phải chỉ gas tăng giá đâu. Mấy năm gần đây, điện, nước,xăng cũng như giá cả hàng hóa cứ tăng vù vù trong khi tiền kiếm được chẳng tăng nổi một đồng, thậm chí nhiều tháng còn bị lõm", chị Mai than thở.

“Bão giá gas” còn đe dọa đến túi tiền của nhiều sinh viên. Họ buộc phải từ bỏ hẳn chiếc bếp gas, quay lại với bếp than tổ ong để không bị “thủng túi” chi tiêu khi lương tháng gia đình vẫn chỉ cấp cho chừng đó.

Thu Hương, sinh viên năm hai ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, xóm trọ của Hương có 6 phòng, trước kia các phòng chỉ nấu ăn bằng bếp gas lớn và bếp gas du lịch. Nhưng chỉ ba ngày sau khi giá gas tăng, cả xóm bảo nhau mua bếp than về nấu. Tuy nhiên, sinh viên nấu ăn không nhiều như các gia đình, một mình một bếp thì hơi lãng phí. Chính vì vậy, thay vì mỗi nhà mua một bếp thì cả xóm trọ chỉ mua hai cái bếp than tổ ong để trong xóm cho mọi người đun nấu chung.

“Bọn em không dám dùng bếp điện đun nấu vì chủ trọ luôn tính giá điện cao cắt cổ. Giá gas tăng, dùng bếp than tổ ong thay cho gas là hợp lý nhất vì xóm trọ có sân rộng, để bếp ngoài sân thỏa mái mà không lo ảnh hưởng tới phòng nào cả”, Hương nói.

Như lời Hương, vì cả xóm chỉ sử dụng hai bếp than tổ ong nên thời gian đun nấu cũng được phân ra để không phải ngồi chờ. Phòng nào có người đi học buổi chiều thì nấu trước, phòng nào đi học sáng về thì nấu sau. Tối ai muốn đun nước tắm thì phải chờ các phòng nấu cơm xong hết. Tiền than cả xóm góp tiền mua chung.

Giá-gas, bếp-gas, bếp-than-tổ-ong, tiết-kiệm, đun-nấu, độc-hại

 

Cửa hàng bán bếp than tổ ong được mùa

“Làm thế này tiết mỗi tháng cũng chỉ dư ra được 100.000 đồng nhưng với sinh viên không bị thâm hụt là may”, Hương chia sẻ.

Biết độc hại cũng đành chấp nhận

Khi chuyển sang bếp than, nhiều người biết đun nấu bằng than tổ ong rất độc hại nhưng gas cứ nối tiếp chuỗi ngày tăng giá cũng khiến mọi người đành chấp nhận.

Anh Xuân Thành (Xuân Thủy, Cầu Giấy) vừa mua một chiếc bếp than tổ ong về để đun nấu thay thế một phần bếp gas, than thở: “Người ta nói đun nấu bằng than tổ ong rất độc hại. Thực tế, mỗi khi đến quán cơm hay quán phở mà đi qua khu vực bếp nấu bằng than mình cũng cảm thấy khó chịu. Nhưng giờ gas tăng giá vậy gia đình cũng đành chấp nhận chuyển quan bến than thôi”.

Anh Thành cho hay, nhà có khoảng sân rộng, đặt bếp than ở đó đun nấu thoáng hơn trong nhà chắc cũng đỡ độc hại được phần nào.

Chị Tô Thị Phượng ở Yên Hòa (Cầu Giấy) cũng đành phải chuyển sang dùng bếp than đun nấu thay bếp gas như trước mặc dù biết là rất độc hại.

“Chỉ vì quyết định chuyển sang dùng bếp than thay bếp gas mà hai vợ chồng phải to tiếng, rồi mâu thuẫn xảy ra. Người thì nói độc hại, người thì nói cần phải tiết kiệm”.

“Người có thu nhập khá họ có thể chuyển qua dùng bếp điện còn người có thu nhập thấp như chúng tôi thì lại quay lại với bếp than tổ ong. Thời buổi giá cả cứ đua nhau tăng, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Còn chuyện độc hại, khi đun nấu mình có thể để bếp than ra ngoài hành lang cũng có thể hạn chế một phần”, chị Phượng tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Tư, chủ một cửa hàng đồ gia dụng trên phố Đại Từ thừa nhận rằng mấy ngày gần đây, người dân đến mua bếp than tổ ong nhiều hơn.

Theo Bảo Hân

Vef.vn

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *