Đời Sống 20/04/2015 07:14

Dân 'khóc'vì hóa đơn điện, lời trấn an của Bộ Công thương

Người dân ở nhiều nơi đang 'tá hỏa' khi nhận được hóa đơn tiền điện vì cũng số tiêu thụ đó nhưng phải trả thêm tiền so với tháng trước.

Báo Tiền phong phản ánh ý kiến của anh Nguyễn Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Khi nhận hóa đơn tôi suýt kêu to khi tiền điện tháng này đột nhiên tăng gần 200 nghìn. Cô thu tiền điện có giải thích do số điện tăng và một phần điện được tính theo giá mới, tăng 7,5% so với tháng trước”, anh Huy nói.

 

Theo đó so với mức giá phải trả tháng trước là 755.000 đồng (336 kWh), lần này anh phải móc hầu bao chi thêm số tiền suýt soát gần 200.000 đồng (933.000 đồng với 424 kWh).

 

Người dân đang phải cân đong chi tiêu khi giá điện tăng thêm
Người dân đang phải cân đong chi tiêu khi giá điện tăng thêm

 

Anh Ngô Duy Sơn (Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết tháng 3/2015, gia đình anh sử dụng hết 46 kWh, phải trả 70.000 đồng. Sang tháng 4, lượng điện tiêu thụ nhà anh Sơn tăng vọt lên 205 kWh, phải trả 376.000 đồng.

 

Theo anh Sơn, rõ ràng “nhà bóng đèn” “rõ khéo” khi chọn thời điểm đúng lúc thời tiết bắt đầu nắng nóng mà tăng khiến cho người dân dù muốn tiết kiệm cũng đặng chẳng đừng.

 

“Thu nhập giữ nguyên nhưng tiền điện tăng, gia đình tôi dĩ nhiên phải hạn chế chi tiêu khoản khác để bù đắp chi phí giá điện”, anh Sơn nói.

 

Theo TS Lê Đăng Doanh: Việc tăng 7,5% giá điện là quá cao, sẽ đánh vào túi tiền và làm giảm thu nhập của người dân. Với doanh nghiệp, đặc biệt các ngành dùng nhiều điện như thép, xi măng, đông lạnh, dệt may… sẽ khiến chi phí sản xuất đội lên cao. Việc tăng giá điện này có nguy cơ tăng dây chuyền từ quả trứng đến bó rau… vì người dân phải chi thêm tiền điện và sẽ tính thêm chi phí các mặt hàng ngoài chợ.

 

“Tôi từng đề nghị chỉ nên tăng 3% rồi cuối năm sẽ tăng thêm. Nhưng bây giờ tăng ngay một lần lên 7,5% giá điện, lại trùng hợp vào thời điểm giao mùa nên người tiêu dùng lãnh đủ và mới kêu ca”, ông Doanh nói.

 

Thực tế này ngược với lời trấn an trước đó của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khi giải thích về việc tăng giá điện.

 

Theo đó, ông Hoàng cho rằng: sau khi tính toán và trên cơ sở đề xuất của ngành điện, chúng tôi đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan trước hết là Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, NHNN Việt Nam và cả ba Bộ này về cơ bản cũng thống nhất với ý kiến của Bộ Công Thương.

 

"Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thống nhất đó, Bộ Công Thương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Khi chúng ta thực hiện cơ chế giá thị trường, chúng ta luôn luôn phải tính đến yếu tố xã hội để không ảnh hưởng nhiều đến người dân", Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

 

Theo Phương Nguyên
Đất Việt
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *