Đời Sống 20/11/2015 15:11

Chuyên gia kinh tế nói về “tiền tệ hoá” trong quan hệ thầy trò

"Cơ chế thị trường rất quyền năng và phân bổ nguồn lực hiệu quả trong nhiều tình huống, nhưng có những thứ không thể "tiền trao cháo múc" được. Buồn là điều này lại đang quá phổ biến trong xã hội chúng ta”, vị chuyên gia kinh tế đồng thời là người thầy trên giảng đường viết.

 

Cơ chế quyền năng

Sáng sớm ngày 20/11, TS Huỳnh Thế Du - một chuyên gia kinh tế đồng thời là Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright chia sẻ trên trang cá nhân: "Mong rằng những nhà giáo chân chính không phải rơi vào hoàn cảnh người mẹ, vợ trong ví dụ nhà nghiên cứu kinh tế học hành vi Dan Ariely viết trong cuốn Phi lý trí".

Ví dụ mà TS Huỳnh Thế Du nhắc đến có nội dung là, sau khi hồ hởi làm những món ăn vừa ý cho gia đình thì cuối buổi người con rể lại rút ví ra rồi nói: “Mẹ! Vì tất cả tình yêu mẹ dành cho bữa tiệc này, con nợ mẹ bao nhiêu nhỉ? Mẹ nghĩ 300 đô-la có đủ không? Không! Có lẽ con nên gửi mẹ 400 đô-la!”

"Cơ chế thị trường rất quyền năng và phân bổ nguồn lực hiệu quả trong nhiều tình huống, nhưng có những thứ không thể "tiền trao cháo múc" được. Buồn là điều này lại đang quá phổ biến trong xã hội chúng ta”, vị chuyên gia kinh tế đồng thời là người thầy trên giảng đường viết.

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Du cho rằng, khi kinh tế thị trường vào Việt Nam và được công nhận đã tạo ra sự phát triển kỳ diệu nhưng ngược lại cũng làm nhiều quy chuẩn xã hội bị "tiền tệ hoá" hay "thị trường hoá” và giáo dục là một trong số đó.

"Bạn tới nhà một người thân quen ăn tiệc vì tình cảm nhưng cuối buổi bạn rút tiền ra để trả ơn cho tình cảm đó là điều không thể chấp nhận được. Trong giáo dục cũng thế, việc dạy dỗ phụ thuộc vào tâm huyết của người thầy chứ không phải vì người nào trả nhiều tiền hơn thì tôi dạy nhiệt tình hơn. Nó phải phụ thuộc vào thước đo quy chuẩn xã hội nhưng khi thước đo chuyển sang tiền thành ra kinh khủng như tình trạng Việt Nam hiện nay”, ông nói.

Khi ai cũng nghèo...

Theo TS Du, cách đây vài chục năm khi ai cũng nghèo nên nhiều khi chỉ có 1 món quà tượng trưng tặng cho thầy chủ nhiệm thôi nhưng tình thầy trò rất tốt và sự nhiệt tâm của thầy cô thời đó hoàn toàn không phải vì đồng tiền. Tuy nhiên bây giờ, mối quan hệ này đang bị "đồng tiền hoá” với sự lên ngôi của phong bì trong những ngày lễ tết.

“Điều đó tạo cho thế hệ học trò cảm giác là tôi trả tiền cho anh và anh phải dạy tôi. Đây là vấn đề cực lớn cho thế hệ ngày nay và kinh khủng hơn, nó khiến nghề giáo bị coi thường, rẻ rúng”, ông nói.

Thừa nhận một bộ phận không nhỏ những người làm nghề giáo thích “quy ra tiền” nhưng ông cho rằng, không thể tư duy tiền tệ hoá được dù trong kinh tế học, tiền có giá trị cao nhất, mang lại giá trị phúc lợi và độ thoả dụng cao nhất.

“Theo nghiên cứu kinh tế học hành vi, tưởng rằng tiền tệ hoá là cách thức phân bổ hiệu quả nhưng có những thứ không thể tiền tệ hoá được, đặc biệt là quan hệ thầy trò. Ở góc độ phụ huynh cũng cần nhìn nhận, sẽ như thế nào nếu hình thành khái niệm là thầy cô phải phục vụ tôi vì tôi trả tiền cho thầy cô rồi. Hơn nữa, khi được thầy cô quý hơn nếu bố mẹ chăm sóc thường xuyên thì sẽ rất nguy hiểm”, ông nhấn mạnh.

Về hướng giải quyết, ông Du cho rằng: “Rất khó nhưng mỗi người phải tự ý thức điều gì có lợi hay có hại. Ngoài ra, tôi nghĩ cũng cần có cơ chế khác như các nước khác là phải tạo ra quỹ mạnh thường quân, thay vì bố mẹ cho tiền thì đóng vào quỹ của trường và trường sẽ phân bổ nguồn lực đó. Thay vì đưa phong bì cho từng thầy cô thì có thể ủng hộ, đóng góp cho trường, số tiền đó sẽ chi ra nhưng cách chi mới là quan trọng”.

Phương Dung

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *