Đời Sống 30/11/2013 10:43

Chưa thể gọi là đại án tham nhũng

Người dân nghe nói đến tham nhũng là sôi máu lên, chỉ muốn nhanh chóng đưa ra xét xử và trừng trị.

Người dân nghe nói vụ án tại Cty Vifon là một trong mười vụ đại án tham nhũng nghiêm trọng được công bố, nên rất quan tâm theo dõi. Đã là tham nhũng nghiêm trọng thì dứt khoát phải ăn cướp của Nhà nước, của nhân dân hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng. Lại một Vinashin thứ hai chứ chẳng chơi.

Nhưng chuyện không phải vậy. Càng theo dõi diễn biến tại phiên tòa, càng không thấy vụ án này là tham nhũng theo kiểu cá mập, mà cũng chưa chắc được là phận tôm tép. Theo như kết luận của tòa án, các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 18 tỉ đồng, trong đó Nhà nước bị thiệt hại hơn 14 tỉ đồng, phần còn lại là của cổ đông.

Nếu như tòa sơ thẩm đúng (bởi vì còn phúc thẩm), thì Nhà nước thiệt hại 14 tỉ đồng.

Dù một đồng của Nhà nước cũng là tham nhũng, cũng đáng bị trừng trị; nhưng ngẫm trong vụ “đại án” này có nhiều điều kỳ lạ.

Kỳ lạ ở chỗ, các đối tượng tham nhũng tại Cty Vifon gây thiệt hại cho Nhà nước, nhưng đại diện phía Nhà nước là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính không thấy mình bị thiệt hại nên từ chối nguyên đơn dân sự để đòi bồi thường tài sản. Có nghĩa là, dù là “tham ô” nhưng không biết tham ô của ai. Không có ai cho mình là bị hại, nhưng tòa vẫn buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước - đại diện là Bộ Công Thương.

Lạ ở chỗ, các đối tượng tham nhũng ở Cty Vifon làm ăn có hiệu quả. Với vốn ngân sách hơn 16 tỉ đồng (1993), đến khi cổ phần hóa (2003), vốn nhà nước lên trên 48 tỉ đồng. Sau hai lần bán cổ phần, ban giám đốc của Vifon đưa về lại cho Nhà nước hơn 65 tỉ đồng. Chưa kể các nguồn thu từ liên doanh thu lại lợi nhuận cao, Vifon đã nộp các khoản thuế, nộp tiền thu sử dụng vốn liên doanh cho Nhà nước, nộp quỹ phát triển sản xuất xác định vốn nhà nước tổng cộng hơn 75,6 tỉ đồng. So với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước khác, các đối tượng bị kết tội tham nhũng ở đây không để lại đồng nợ nào.

Còn lạ nữa, kể cả tòa kết luận các bị cáo gây thiệt hại cho cổ đông, nhưng Công đoàn Cty Vifon có đơn đại diện cho hơn 2.000 công nhân gửi đến tòa, đề nghị xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Trong 2.000 công nhân này, có nhiều người là cổ đông.

Cho nên, câu hỏi đặt ra sau phiên tòa là vụ án này có phải là “đại án” tham nhũng hay không?

Tội phạm dứt khoát phải bị trừng trị; nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì dân mới phục.

Theo Lê Thanh Phong
Lao động

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *