Đời Sống 27/05/2014 14:44

Cho phép hôn nhân đồng giới: Tiếp tục phải nghiên cứu

Đại biểu Quốc hội cho rằng, chưa đến lúc Việt Nam cho phép hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Theo chương trình làm việc, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Tuy nhiên, qua những lần thảo luận trước đây, một số vấn đề liên quan đến việc chung sống giữa những người cùng giới tính vẫn còn một số ý kiến khác nhau.

 

Ông Đinh Xuân Thảo trả lời báo chí (Ảnh: Ngọc Mai)

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp này có thể nói đã được thảo luận kỹ lưỡng, nhưng vẫn còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề hôn nhân đồng giới.

 

Luật Hôn nhân gia đình hiện hành của Việt Nam quy định cấm hôn nhân đồng giới. Trong khi đó, trên thế giới, số nước công nhận kết hôn đồng giới rất ít, khoảng 18 nước; một số nước vẫn đang xem xét; còn lại đa số nước chưa cho phép, thậm chí có nước coi hành vi quan hệ đồng giới là tội phạm hình sự.

 

Theo ông Đinh Xuân Thảo, lúc đầu, Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) được soạn thảo trên tinh thần bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới nhưng lại chưa cho phép người đồng giới kết hôn; vẫn có quy định về hậu quả pháp lý liên quan đến việc những người đồng giới chung sống với nhau như vấn đề tài sản, con chung (nhận con nuôi chung).

 

Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nếu đưa vào Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình tinh thần trên, nó sẽ mâu thuẫn với kỹ thuật lập pháp và nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, đặc biệt là trong Hiến pháp, đó là việc gì được làm thì cơ quan công quyền phải cho phép, còn người dân được làm những việc mà luật pháp không cấm.

Ông Thảo cho rằng, về vấn đề hôn nhân đồng giới nếu luật bỏ không cấm thì có nghĩa là người dân được làm. Đây là vấn đề đặt ra cần phải xem xét, bởi chưa đến lúc ta cho phép hôn nhân đồng giới. Vì vậy Quốc hội thấy rằng vấn đề này vẫn phải tiếp tục nghiên cứu bởi nó có liên quan số lượng lớn người đồng tính trong xã hội. Không chỉ đơn thuần liên quan tới đạo đức, vấn đề này được xem như căn bệnh không thể chữa chạy được.

Ông Thảo cũng cho rằng, việc quy định để xử lý những hậu quả pháp lý của việc sống chung giữa những người đồng giới liên quan đến vấn đề tài sản và những vấn đề khác, nếu không quy định trong Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi sẽ được giải quyết bằng các đạo luật khác về dân sự. Như vậy là chúng ta vẫn có cơ chế để xử lý chứ không phải bỏ mặc một mảng quan hệ xã hội đang diễn ra hiện nay.

 

Về vấn đề mang thai hộ với mục đích nhân đạo, có ý kiến cho rằng nếu luật quy định quá chặt sẽ không khả thi, ông Thảo cho rằng, thực tế trong xã hội nhu cầu mang thai hộ là có và phần lớn đại biểu Quốc hội cũng đồng tình ủng hộ vấn đề này. Tuy nhiên, trong lần thảo luận, đại biểu Quốc hội đều cho rằng nếu không quy định chặt sẽ xảy ra vấn đề lạm dụng khó kiểm soát giữa mục đích nhân đạo và mục đích thương mại. Vì thế cần phải có quy định, bởi trong thực tế, cả hai bên đều có quyền, nghĩa vụ, người mang thai hộ cũng phải mang nặng đẻ đau như người mẹ đích thực nên cũng phải bảo đảm lợi ích cho người mang thai hộ. Người mang thai hộ nếu là chị em ruột giúp đỡ nhau, người ta cũng phải đi làm công ăn lương thì họ cũng phải được hưởng các chế độ như người mẹ thực thụ. Việc quy định chặt là để đảm bảo không bị lợi dụng bởi vấn đề thương mại hóa nhưng cũng đồng thời để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người mẹ, người muốn nhờ người mang thai hộ và kể cả người mang thai hộ.

 

Theo Thanh Hà

VOV

Chủ đề: tap erobic , tap erobic Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *