Đời Sống 06/11/2013 14:38

Chiêu “rửa tuyến” khi buôn lậu hàng cấm

FICA - Để qua mặt lực lượng chức năng, các tổ chức buôn lậu thường đưa hàng cấm quá cảnh hoặc trung chuyển qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trước khi về “đích” cuối cùng. Nhưng với tinh thần cảnh giác và kinh nghiệm, lực lượng Hải quan đã lật tẩy chiêu “rửa tuyến” tinh vi này, bắt giữ nhiều hàng cấm.

Trong lịch sử chống buôn lậu của Hải quan Việt Nam, vụ bắt giữ hơn 5,6 tấn ngà voi có nguồn gốc châu Phi ở khu vực cảng Hải Phòng đầu năm 2009 vẫn là một chiến công tiêu biểu thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước.

Sự quan tâm không chỉ vì trị giá lô hàng vi phạm lên đến nhiều tỉ đồng mà quan trọng hơn đây là một trong những vụ triệt phá đường dây buôn lậu quốc tế lớn nhất thế giới đối với mặt hàng cấm trong danh sách Công ước CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Trao đổi với chúng tôi, các cán bộ của Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng vẫn nhớ như in nhiều chi tiết của vụ việc dù đã hơn 4 năm trôi qua.

 

Ngà voi lậu có nguồn gốc châu Phi nhưng xuất phát từ Malaysia đến Việt Nam, do Hải quan Hải Phòng bắt giữ ngày 7-10-2013.

Ngày 20-2-2009, khi tết Nguyên đán Kỷ Sửu mới đi qua ít ngày, các trinh sát của Đội nắm được thông tin một lượng lớn ngà voi có xuất xứ từ châu Phi chứa trong 2 container đang trên đường cập cảng Hải Phòng. Nhưng chuyến tàu nào, container nào chứa mặt hàng cấm trong “danh sách đỏ” của Công ước CITES trong số hàng chục chuyến tàu, hàng nghìn container cập cảng Hải Phòng mỗi ngày là điều làm cho lực lượng Hải quan trăn trở.

Theo thông tin trinh sát nắm được, lô hàng cấm là ngà voi có nguồn gốc châu Phi, nhưng chiếc tàu nghi vấn lại xuất phát từ một cảng ở Đông Nam Á và treo cờ quốc gia này. Trước một vụ việc có quy mô vi phạm lớn và phát sinh nhiều tình huống phức tạp, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng trực tiếp chỉ đạo kế hoạch tác chiến. Mọi tình huống, chi tiết dù nhỏ nhất  đều được rà soát, phân tích một cách cẩn trọng.

Với kinh nghiệm dày dạn ở vùng cảng biển nhiều phức tạp, lực lượng Hải quan Hải Phòng đi đến nhận định nhiều khả năng lô hàng cấm được tổ chức buôn lậu “rửa tuyến” bằng việc cho trung chuyển qua nhiều quốc gia trước khi về Việt Nam. Nên dù xuất phát từ châu Á nhưng vẫn có thể chứa hàng cấm có nguồn gốc châu Phi.

Chiêu thức này ít được sử dụng đối với các vụ buôn lậu, trốn thuế quy mô nhỏ vì tốn nhiều thời gian, chi phí. Nhưng với mặt hàng cấm như ngà voi thì khả năng này không loại trừ.

Ngày 28-2-2009, lô hàng nghi vấn theo chiếc tàu HUBEZO (mang cờ Malaysia) cập cảng Đình Vũ (quận Hải An, TP. Hải Phòng). Lập tức lô hàng nghi vấn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ 24/24 giờ của lực lượng Hải quan. Mặt khác, Đội Kiểm soát Hải quan triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành xác minh, trinh sát tại hãng tàu và địa chỉ DN nhằm làm rõ, xác minh các đối tượng có liên quan.

Ngày 5-3-2009, Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 tổ chức khám xét lô hàng. Tuy nhiên, lúc này Công ty Phúc Thiên Ngân (DN đứng tên nhận hàng trên vận đơn) đã có văn bản từ chối nhận hàng.

Ngày 6-3-2009, Đội Kiểm soát Hải quan kiểm tra thực tế chi tiết toàn bộ hàng hóa chứa trong 2 container, kết quả toàn bộ số mẫu vật chứa trong 114 thùng carton được Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hải Phòng xác định là ngà voi thuộc loại voi châu Phi, có khối lượng hơn 5,6 tấn. Toàn bộ số ngà voi được cất giấu trong  các hộp carton nhựa phế liệu, giấy phế liệu.

 

Các bao vỏ ốc dùng chứa ngà voi lậu.

Kết thúc quá trình điều tra vụ buôn lậu này, lực lượng Hải quan Hải Phòng phát hiện hải trình của lô hàng hết sức phức tạp. Lô hàng được chuyển lên tàu từ cảng đầu tiên ở vùng Daresalam (Tanzania) vào cuối tháng 1-2009, sau khi trung chuyển qua một số quốc đảo ở Ấn Độ Dương rồi tiếp tục qua một số cảng của Malaysia trước khi đến Việt Nam.

Theo nhận định của cơ quan Hải quan, Việt Nam cũng chưa phải là điểm đến cuối cùng, bởi nếu không bị phát hiện, bắt giữ lô hàng sẽ được tiếp tục chuyển qua nước thứ 3 tiêu thụ. Những vụ buôn lậu ngà voi được phát hiện tại Hải Phong sau này đều sử dụng chiêu “rửa tuyến” với hải trình phức tạp như vậy. Các lô hàng chứa ngà voi không bao giờ đi trực tiếp từ châu Phi về Việt Nam mà còn chuyển qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Một vụ việc điển hình khác trong sử dụng chiêu “rửa tuyến” là vụ buôn lậu 4 xe ô tô hạng sang từ Hòa Kỳ. 4 chiếc xe gồm: BMW X6, BMW 750 Li, Mercedes S550 và Volkswagen Tuareg chứa trong hai container vận chuyển trên tàu Uni Chart từ Hoa Kỳ về Hồng Kông (Trung Quốc) sau đó đưa tiếp về cảng Green Port (Hải Phòng) ngày 26-2-2012 dưới vỏ bọc nhôm cuộn. Đây là 4 chiếc xe có nguồn gốc ăn cắp từ Hoa Kỳ. Sau khi lọt qua nhiều cảng trên thế giới về đến Việt Nam lô hàng lậu có giá trị lớn khoảng 10 tỉ đồng này đã bị phát hiện, bắt giữ.

Theo cán bộ Đội Kiểm soát Hải quan, việc “rửa tuyến” nhằm xóa bỏ nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng, gây khó khăn cho lực lượng Hải quan thu thập, phân tích thông tin. Ví dụ các vụ buôn lậu ngà voi, nếu chuyển thẳng từ châu Phi- nơi có lượng ngà voi nhiều nhất thế giới dễ bị phát hiện. Mặc dù việc “rửa tuyến” mất nhiều thời gian, chi phí nhưng để lô hàng đến đích an toàn, các tổ chức buôn lậu vẫn thường xuyên sử dụng để buôn lậu hàng cấm và những mặt hàng trị giá lớn.

Một cán bộ có kinh nghiệm của Đội Kiểm soát Hải quan chia sẻ, để triệt phá thành công, nhanh chóng các vụ buôn lậu mà hải trình hết sức phức tạp như trên, công tác xây dựng cơ sở bí mật, thu thập, phân tích, đánh giá thông tin là hết sức quan trọng. Hiện nay, với sức ép phải tạo thuận lợi, thông quan nhanh chóng cho hàng hóa XNK, đồng thời không để lọt hàng cấm nên không có thông tin chính xác, việc kiểm tra sẽ không đạt hiệu quả và gây phản ứng từ DN, tạo dư luận không tốt. Bên cạnh đó, tinh thần cảnh giác, sự nhạy cảm và kinh nghiệm của cán bộ làm công tác chống buôn lậu phải luôn được nêu cao. Có 1 điểm chung ở nhiều vụ buôn lậu ngà voi được phát hiện ở Hải Phòng là hàng hóa dùng để ngụy trang là những mặt hàng giá trị thấp như vỏ ốc, giấy phế liệu, nhựa phế liệu… hòng “qua mắt” lực lượng Hải quan.

Theo N.Quốc

Báo Hải quan

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *