Đời Sống 20/12/2017 07:14

Bán hàng hội chợ: Thuê ki ốt 1 triệu đồng, thu chục triệu/ngày

Bán hàng hội chợ là từ lâu được các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhận lựa chon, bởi đây được xem là một trong những cách bán hàng giúp người bán thu lợi nhuận cao.

Bên cạnh việc bán hàng tại chợ, siêu thị, bán online, thì bán hàng tại hội chợ là một trong những phương thức kiếm tiền của nhiều người buôn.

Theo đó, thay vì thuê cửa hàng kinh doanh hay thuê vị trí bán hàng ở chợ, những nhà buôn này chọn cách chỉ đi bán hàng tại các điểm hội chợ.

Chia sẻ với PV, chị Thảo - chủ một gian hàng chuyên bán đồ nông sản miền núi, cho biết: “Tôi bán hàng hội chợ được hơn 1 năm nay. Bán hàng tại hội chợ có lợi thế là việc tiếp cận với các khách hàng dễ dàng hơn do tại mỗi địa điểm, các hội chợ không phải thường xuyên diễn ra, nên khá thu hút khách hàng”.


Bán hàng hội chợ cho thu nhập cao. Ảnh minh họa

Bán hàng hội chợ cho thu nhập cao. Ảnh minh họa

Theo chị Thảo, ngoài việc bán ở Hà Nội, chị cũng đi hội chợ tại các tỉnh khác như Bắc Giang, Nam Định, Móng Cái (Quảng Ninh)…

Cũng là một người chuyên bán hàng tại các hội chợ, chị Yến – chủ một cửa hàng chuyên bán tất và phụ kiện nam nữ, xởi lởi cho biết: “Tôi chỉ chuyên bán hội chợ. Khi thì công viên này, khi thì khu triển lãm nọ. Nếu không ở Hà Nội thì tôi lại đi các tỉnh.Tôi vừa mới bán hàng ở Móng Cái về, đánh hàng đi xa khá là mệt, nhưng bù lại bán ở đây rất thích, vì người ở đây họ thoáng, bạo chi”.

“Giá 1 ki - ốt tại hội chợ tùy từng thời điểm mà dao động từ 1 đến vài ba triệu/ngày. Như thời điểm này chưa sát tết lắm nên mất chi phí thuê khoảng 1 triệu đồng/ngày. Ngày đắt hàng có thể bán được 10 triệu đồng/ngày, ngày kém thì tầm 2 đến 3 triệu đồng”, chị Yến chia sẻ.

Theo chị Yến, ví dụ một lô quần chị bán 100 nghìn/5 chiếc, “thì chỉ cần 10 người mua đã được 1 triệu rồi. Mà hội chợ thì chẳng lẽ không có nổi vài chục người mua”.

“Nhưng không phải hội chợ nào cũng bán được. Có hội chợ ít khách thì lại ế, chỗ nọ bù cho chỗ kia. Về cơ bản thì cũng sống được, nên chúng tôi mới đi”.

Nhẩm tính, giả dụ bán được 10 triệu/ngày, thì trừ đi công cán, tiền hàng, chị Yến thu về cũng được khoảng 3 triệu đồng/ngày. Nếu thuận lợi, số tiền chị Yến thu về có thể lên tới trăm triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo chị Yến, thì bán hội chợ khá vất vả. “Chúng tôi phải di chuyển khá nhiều, hàng họ thì chất đống, chứ không được yên vị một chỗ như có cửa hàng hoặc ki ốt cố định. Thường thì tôi và 2 nhà nữa sẽ chung nhau thuê 1 xe tải chở hàng đến điểm bán, sau vài ngày tham gia bán lại thuê xe chở hàng về hoặc đi đến điểm khác. Mỗi điểm thuê bán lại phải dựng phông bạt, dỡ hàng,.. rất mệt mỏi”, chị Yến kể

Theo khảo sát của PV, tại một hội chợ đang diễn ra khu vực Cầu Giấy, số lượng khách hàng ở những giờ cao điểm khá đông. Có những cửa hàng ăn uống đặc sản vùng miền lượng khách khá nhiều. Đặc biệt, các gian hàng quần áo mùa đông giá rẻ cũng tấp nập khách mua.

“Em tranh thủ đi vào hội chợ chơi với xem hàng. Thường hội chợ có sự thu hút bởi em nghĩ sẽ có nhiều món đặc sản và các sản phẩm chất lượng tốt được tập hợp tại đây”, bạn Minh Ánh (sinh viên ĐH Sư Phạm Hà Nội 1) chia sẻ.

“Hàng hóa ở đây khá rẻ, và dễ mua, nên tôi đã chi khoảng 3 trăm nghìn đồng vào quần áo, thêm khoảng 100 nghìn đồng tiền ăn vặt trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ”, chị Hà Anh (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.

Tuy vậy, là một người khá ‘sành” trong mua sắm, chị Thương Giang (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Chất lượng hàng hóa tại một số hội chợ thời gian gần đây tôi đánh giá là không tốt lắm. Nhiều mặt hàng không khác gì hàng chợ, bán giá rẻ cho sinh viên, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Việc có quá nhiều hội chợ và chất lượng sản phẩm không được kiểm soát kỹ cũng là một vấn đề mà cơ quan quản lý cần quan tâm”.

Theo Lâm Anh
VietnamNet

 
 
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *