Đời Sống 21/01/2015 16:21

Áp lực mua nhà, đầu tư cho con cái đè nặng mối lo túng thiếu về già

FICA - 66% người trong độ tuổi lao động trên thế giới lo ngại họ sẽ không còn đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày lúc về hưu và 69% lo sợ sẽ cạn nguồn tài chính. Đa số lựa chọn vàng, trang sức hay đồ cổ để dự phòng khi tiền mặt bị lạm phát xói mòn.

Báo cáo mới được Ngân hàng HSBC phát hành gần đây cho thấy, trong khoảng thời gian trung bình 18 năm về hưu, những người trong độ tuổi lao động trên thế giới có thể sẽ sử dụng hết số tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư (không bao gồm trợ cấp hưu trí) chỉ sau 11 năm.
 
Những phát hiện từ cuộc khảo sát sẽ làm tăng thêm những nỗi lo âu hiện tại về tài chính cho cuộc sống sau này. Hai phần ba (66%) người trong độ tuổi lao động lo ngại họ sẽ không còn đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày lúc về hưu và 69% lo sợ họ sẽ cạn nguồn tài chính. Sự lo lắng này sẽ trở thành sự thật khi người lao động bước vào độ tuổi về hưu và nhận ra họ đang đối mặt với sự thiếu hụt lớn trong khoản tiền tiết kiệm.
 
Tuy nhiên, theo khảo sát Tương lai hưu trí của HSBC, vẫn có hơn một nửa những người đang trong độ tuổi lao động tin tưởng vào các chương trình hưu trí cá nhân (chiếm 62%) và các chương trình hưu trí của bên sử dụng lao động (57%) trong việc tạo ra nguồn thu nhập khi về hưu. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại mối lo ngại cho rằng nguồn quỹ này có thể không đủ mang lại một cuộc sống về hưu an nhàn, điều đó thôi thúc nhiều người tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác.
 

Ảnh: Mara Damian (Deviantart)

 
Trông cậy vào vàng, trang sức, đá quý
 
Khảo sát của HSBC lấy ý kiến của hơn 16.000 người trên thế giới, cho thấy việc sở hữu tài sản thứ hai đang là môt lựa chọn phổ biến để bổ sung thêm vào nguồn quỹ hưu trí. Cụ thể là tại châu Á, tương ứng 71% và 35% người lao động đã sở hữu hoặc có kế hoạch sở hữu tài sản thứ hai tại quê hương họ và ở nước ngoài. 9 trong 10 người lao động tại Indonesia (90%) và tại Ấn Độ (87%) có kế hoạch hỗ trợ nguồn quỹ hưu trí của họ bằng việc sở hữu tài sản thứ hai trong nước.
 
Điều thú vị là các nguồn quỹ bổ sung không theo truyền thống đang trở nên được ưa chuộng; 52% người lao động trên thế giới và 62% người lao động tại châu Á có kế hoạch trông cậy vào lợi nhuận từ vàng, trang sức quý, hoặc kim cương để hỗ trợ cho cuộc sống về hưu của họ. Tỷ lệ người lựa chọn trang sức quý, kim cương và vàng cao nhất là 92% tại Indonesia, tiếp theo là 86% tại Ấn Độ và 76% tại Malaysia.
 
Lần lượt gần một phần ba (28%) và một phần tư (25%) người lao động tại châu Á đã sở hữu hoặc có kế hoạch sở hữu đồ cổ và tranh vẽ để chuẩn bị cho quỹ hưu trí của họ so với tỷ lệ trung bình toàn cầu lần lượt là 24% và 22%.
 
Nhận định về kết quả khảo sát, Vineet Vohra, Giám đốc Toàn cầu Khối Phân tích Tài Sản, Ngân hàng bán lẻ và Quản lý tài sản, HSBC cho biết, “Khảo sát cho thấy nhiều người không chỉ đang vun đắp các quỹ hưu trí của họ thông qua các sản phẩm tài chính truyền thống mà còn bằng các tài sản hữu hình, và điều này đặc biệt đúng với người châu Á. Việc tích lũy tài sản đa dạng để tạo thu nhập khi về hưu là cần thiết, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần đảm bảo một sự kết hợp hợp lý của thu nhập từ đầu tư và thu nhập từ lương, dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro của từng người. Người lao động có khuynh hướng thích giữ tiền mặt, nhưng khả năng mua hàng hóa của tiền mặt lại bị lạm phát làm xói mòn trong dài hạn. Đa dạng hóa là điều cần thiết nhằm quản lý các rủi ro xuất phát từ lạm phát hoặc thị trường bất ổn.”
 
Bên cạnh suy thoái kinh tế, áp lực mua nhà và đầu tư giáo dục cho con cái... ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cuộc sống về già của người lao động.
 
Người châu Á dành 25% thu nhập cả năm cho hưu trí
 
Chuyên gia Vineet Vohra cho rằng, để tối thiểu hóa ảnh hưởng từ những sự kiện không lường trước như thất nghiệp, đối với quỹ hưu trí, những người đang trong độ tuổi đi làm có thể cân nhắc một vài kế hoạch bảo vệ hoặc các giải pháp đầu tư khác tùy theo nhu cầu. Thông qua việc lên kế hoạch sớm và đầu tư hợp lý, tuổi hưu sẽ không còn là một thách thức mà thay vào đó sẽ trở thành thời điểm mọi người hưởng thụ cuộc sống với sự độc lập về tài chính.
 
Người lao động ở châu Á có kế hoạch để dành trung bình 25% trên tổng thu nhập cả năm cho hưu trí, cao hơn ở Anh (11%), Mỹ (14%) và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (11%), theo khảo sát. Con số này đạt mức cao nhất 31% ở Hồng Kông, sau đó là Đài Loan 30% và Singapore 29%.
 
Tuy nhiên, tiết kiệm đủ cho một cuộc sống dễ chịu sau này là điều khó khăn, theo kết quả của báo cáo. Khả năng để dành cho hưu trí của người lao động tiếp tục bị đe dọa bởi ảnh hưởng lâu dài của suy thoái kinh tế và những sự kiện phát sinh trong cuộc sống.
 
Hơn 8 trên 10 (83%) người lao động ở châu Á cho rằng suy thoái kinh tế và những sự kiện khác trong cuộc sống, như mua nhà và đầu tư giáo dục cho con cái, có ảnh hưởng lớn lên khả năng tiết kiệm cho hưu trí. Hơn một phần ba (37%) những người trước độ tuổi về hưu ở châu Á ngừng hoặc giảm việc để dành cho hưu trí trong suốt thời gian khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh lên việc tiết kiệm cho tuổi hưu và tác động này sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.
 
Chuyên gia Vineet Vohra nhận định, “Khảo sát này cho thấy cho dù với sự cố gắng cao nhất, người lao động châu Á vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp tục để dành cho tuổi hưu trí mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang dần dần hồi phục. Như một dư vị khó chịu sót lại, nền kinh tế đi xuống gần đây đã khiến cho người lao động ưu tiên những nghĩa vụ tài chính khác như trả nợ vay, chi phí giáo dục và những trang trải cuộc sống hàng ngày. Không cần thiết phải như vậy. Với việc lập kế hoạch tài chính sớm và cẩn trọng cùng với tính kỷ luật khi thực hiện việc để dành và đầu tư thường xuyên, người lao động có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu bao gồm cả việc tiết kiệm cho tuổi hưu trí.”
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *