Đời Sống 20/12/2014 08:35

20.000 lượt người qua lại Cửa khẩu Móng Cái mỗi ngày

FICA - Riêng 11 tháng đầu năm 2014, lượng người xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái đạt gần 1,68 triệu lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013.

Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, lưu lượng người xuất nhập cảnh qua – lại các cửa khẩu biên giới tăng nhanh. Tuy nhiên, số lượng cư dân biên giới tham gia hoạt động xuất nhập cảnh qua – lại các cửa khẩu biên giới tăng không đáng kể, chủ yếu mức tăng là từ các nhóm còn lại.

Theo lý giải cả Vụ, nguyên nhân do cư dân biên giới chỉ là cư dân có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn tiếp giáp biên giới trên đất liền, đây đều là những khu vực có mật độ dân số thấp và sống phân tán. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của điều kiện giao thông vận tải, người dân ở các xã, phường, thị trấn khác hoặc các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh biên giới hoặc ngay cả các tỉnh lân cận có thể thường xuyên tham gia xuất nhập cảnh qua – lại các cửa khẩu biên giới đất liền để tham gia các hoạt động thương mại và dịch vụ qua biên giới.

Theo thống kê của Vụ Thương mại biên giới và miền núi, đối với trường hợp cửa khẩu Móng Cái, tổng lượng người xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái trong giai đoạn 2011-2013 đạt khoảng 3,5 triệu lượt người, với tốc độ tăng từ 15-20% một năm. Năm 2013, trung bình một ngày có xấp xỉ 4.100 lượt người qua lại cửa khẩu biên giới Móng Cái. Riêng 11 tháng đầu năm 2014, lượng người xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái đạt gần 1,68 triệu lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013 (trung bình trong 11 tháng đầu năm 2014 một ngày có trên 5.000 lượt người xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái).

Tuy nhiên, lượng người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái tăng, giảm không đều trong 11 tháng vừa qua. Lưu lượng người giảm mạnh từ tháng 5 đến tháng 10, ngược lại tăng mạnh từ cuối tháng 10 và tháng 11. Đặc biệt, từ ngày 22 đến ngày 29/11/2014, lưu lượng người xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái luôn duy trì ở mức cao, khoảng 20.000 lượt người một ngày.

Ùn tắc cửa khẩu vì mang, vác hàng

Qua kiểm tra của Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới, thấy rằng từ ngày 23/10/2014, phía Trung Quốc chính thức khôi phục lại hoạt động du lịch biên giới, cho phép khách du lịch Trung Quốc tiếp tục đi qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của sự kiện Biển Đông (từ 18/5 đến 23/10/ 2014). Các công ty du lịch của Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện bổ sung những kế hoạch du lịch biên giới hai chiều trong thời gian gián đoạn.

Các cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng hộ chiếu xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái nhằm mục đích thăm quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực có liên quan tăng mạnh (như thường lệ vào cuối năm). Thương nhân hai bên Việt Nam và Trung Quốc tăng cường nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái nhằm tiếp xúc, trao đổi và chuẩn bị cho Hội chợ thương mại biên giới Đông Hưng – Móng Cái (luân phiên thường niên) được tổ chức tại Đông Hưng vào giữa tháng 12/2014.

Bên cạnh lượng người Trung Quốc sang phía Móng Cái làm việc, số lượng người Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái sang lao động tại Khu Khai phát thí điểm trọng điểm Đông Hưng cũng như các khu thương mại và dịch vụ tại Đông Hưng tăng mạnh. Do các lực lượng chức năng của cả phía Trung Quốc và phía Việt Nam tăng cường công tác quản lý biên giới ở các điểm xuất – nhập chưa chính thức.

Lợi dụng tình hình đông đúc, một số người không thuộc diện cư dân biên giới sử dụng giấy thông hành xuất nhập khẩu nhằm tìm cách mang vác hàng; bên cạnh đó, một số cư dân biên giới xuất nhập cảnh qua – lại nhiều lần trong ngày nhằm tìm cách mang vác hàng hoặc mang vác hàng không đúng quy định theo danh mục.

Với những thành phần người xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái tăng đột biến như vậy đã gây lên hiện tượng ùn tắc cửa khẩu. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới, nguyên nhân là do, sự tăng đột biến lưu lượng người xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái nhưng không trải đều cả ngày mà chủ yếu là tập trung vào buổi sáng sớm, buổi chiều và thỉnh thoảng là vào giữa buổi.

Hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị của cửa khẩu Móng Cái không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cửa khẩu Móng Cái được xây dựng gần 20 năm, đã được sửa chữa, nâng cấp, nhưng chưa được mở rộng về không gian cũng như các làn kiểm tra, kiểm soát, hơn nữa trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu. Cũng cùng một lưu lượng người như vậy nhưng chỉ xảy ra hiện tượng ùn tắc bên phía Việt Nam, còn bên phía Đông Hưng của Trung Quốc thì hiếm khi.

Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Móng Cái đã tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế lợi dụng chính sách hàng cư dân biên giới. Theo quy định mới ban hành, chỉ những cư dân có hộ khẩu thường trú 08 phường, xã của thành phố Móng Cái (bao gồm: Hải Yên, Hải Hòa, Trần Phú, Trà Cổ, Ninh Dương, Ka Long, Bắc Sơn và Hải Sơn) thuộc diện cư dân biên giới và được hưởng chế độ ưu đãi trao đổi, mua bán hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với trị giá không quá 2.000.000 đồng/1 người/1 ngày/1 lượt với những mặt hàng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng theo danh mục quy định tại Thông tư số 42/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012.

Nhìn chung, trong lưu lượng người xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái lấy theo thống kê của 11 tháng đầu năm 2014 thì số lượng người có thể được hưởng chính sách ưu đãi cư dân biên giới chỉ chiếm khoảng 1/3 (công dân có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn tiếp giáp biên giới).

Không phải tất cả cư dân biên giới xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái là để mua bán, trao đổi hàng hóa. Một tỷ lệ rất lớn cư dân biên giới sang làm việc và lao động tại Khu Khai phát thí điểm trọng điểm Đông Hưng cũng như các khu thương mại và dịch vụ tại Đông Hưng. Bên cạnh đó, một số cư dân biên giới sang Trung Quốc để học tập, chăm sóc y tế hoặc các dịch vụ khác cũng như các sự kiện liên quan đến gia đình.

Tình hình gia tăng lưu lượng người đột biến xuất nhập cảnh qua – lại cửa khẩu Móng Cái trong tháng 11 có nhiều nguyên nhân. Khi công tác kiểm tra, giám sát của Ban Quản lý và các lực lượng chức năng quản lý nhà nước tại cửa khẩu được tăng cường thì chính sách ưu đãi của Đảng và Nước sẽ đến được cư dân biên giới, hạn chế tình trạng lợi dụng, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa của đất nước.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *