Đời Sống 31/05/2015 09:03

"Vùi dập" chỉ ngăn cản sự sáng tạo

Sự kiện Tập đoàn BKAV ra mắt điện thoại thương hiệu Bphone đã gây "bão" dư luận, từ các phương tiện truyền thông chính thống đến cộng đồng mạng, với nhiều ý kiến khác nhau.

1. Sự kiện Tập đoàn BKAV ra mắt điện thoại thương hiệu Bphone đã gây "bão" dư luận, từ các phương tiện truyền thông chính thống đến cộng đồng mạng, với nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, số ý kiến có tính "vùi dập" nhiều hơn cả. Họ nhân danh phản biện để móc máy, "bới lông tìm vết". Chưa bàn đến chuyện "vùi dập" hợp lý hay không, một câu hỏi đặt ra là: Kinh tế Việt Nam sẽ ra sao nếu không có sáng tạo?

2. Một vấn đề nóng được tập trung thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, cũng như đã, đang và sẽ còn làm dấy lên sự lo lắng của hàng vạn nông dân là xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2015 giảm sút nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là xuất khẩu gạo. Cùng với đó, số du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng giảm nhiều. Thực tế này ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của người nông dân hay những người hoạt động trong ngành "công nghiệp không khói". Có rất nhiều nguyên nhân khiến gạo ế ẩm không xuất khẩu được nhưng trong đó, có một lý do là Việt Nam lâu nay chỉ xuất khẩu gạo thường - mặt hàng mà các nước trong khu vực đều có thể sản xuất được. Ngành nông nghiệp chưa có khả năng tạo ra các giống gạo ngon, ưu thế hơn các loại gạo đang có dù chúng ta có rất nhiều trung tâm, viện nghiên cứu giống lúa. Dẫn ra những ví dụ này để khẳng định rằng nghiên cứu, sáng tạo một sản phẩm mới là không dễ dàng, phải có chất xám và thời gian cùng nhiều cơ chế khác… Trong nền kinh tế tri thức, sáng tạo sản phẩm có tính năng vượt trội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không tạo ra cái mới, cái ưu thế, không thể cạnh tranh nổi trong một thế giới mà mức độ toàn cầu hóa cùng với sự khắc nghiệt của nó đang diễn ra ngày càng rộng hơn. "Người khôn của khó", nếu không đủ "khôn" thì mãi mãi chúng ta chỉ là người gia công, không bao giờ lọt vào phần có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu. Chúng ta có hàng vạn kỹ sư được đào tạo trong và ngoài nước, hằng năm lại thêm hàng nghìn tân kỹ sư các ngành kỹ thuật, trong đó có công nghệ thông tin nhưng thực tế cho thấy sáng tạo, đưa ra các sản phẩm mang tính sáng tạo, đột phát thật không dễ dàng. 

3. Trở lại câu chuyện Bphone: Cho dù "cha đẻ" thương hiệu này - Nguyễn Tử Quảng nói nhiều về cái "nhất" của Bphone nhưng những ai từng dự lễ ra mắt sản phẩm mới của các công ty nước ngoài tại Việt Nam sẽ thấy họ còn "nổ" hơn Nguyễn Tử Quảng. Cứ như những gì họ nói thì sản phẩm đó là nhất, không hãng nào có thể so sánh được. Do đó, phải khẳng định để sản phẩm được chào đón, quảng bá là tất yếu. Xin dẫn thêm chuyện khác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel hay một số quốc gia khác không hề giàu có về tài nguyên thiên nhiên nhưng tại sao lại trở thành những nước giàu và luôn ở trong tốp đầu của kinh tế thế giới? Ngoài yếu tố thông minh thì các dân tộc đó chịu khó, kiên nhẫn và có lòng tự tôn dân tộc. Quan trọng hơn cả, người nghiên cứu, sản xuất được chính người dân trong nước ủng hộ, động viên với nhiều hình thức, từ dư luận đến hành động cụ thể: Sử dụng sản phẩm. 

Dân tộc Việt Nam ham học và thông minh nhưng sự phát triển vẫn chưa được như mong muốn. Tất nhiên, có nhiều lý do nhưng nếu các sáng tạo không bị… phản biện theo kiểu vùi dập, được dư luận xã hội động viên, chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Còn trước mắt, để xác định ưu điểm, nhược điểm của Bphone, vị trí của nó trong phân khúc thị trường ra sao, cần rất nhiều dữ liệu từ giới kỹ thuật, người tiêu dùng chứ không phải bằng định kiến. Nếu Bphone "đáng đồng tiền bát gạo", nó xứng đáng được ủng hộ; ngay cả trong trường hợp ngược lại, nếu chỉ đón nhận Bphone bằng sự vùi dập thì khó có thể nói đến tinh thần sáng tạo cho nền kinh tế.

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *