Đời Sống 18/01/2015 07:23

“Né” thưởng!

Cứ đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp lại bắt đầu giở các chiêu bài quen thuộc để khỏi chi tiền thưởng: Sa thải. Và thế là nhiều người lao động vẫn bị đẩy ra đường vào dịp cuối năm chỉ vì doanh nghiệp không muốn trả tiền thưởng Tết.

Hiện nay, chưa có một số liệu chính xác và chính thức nào về số người mất việc làm, do các công ty giải thể, phá sản được công bố nhưng với tình hình kinh tế khó khăn khiến một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tình hình sản xuất kinh doanh đình trệ phải thu hẹp hoạt động nên cứ đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp - chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần hoặc tư nhân, nơi mà các cơ quan quản lý Nhà nước ít can thiệp - lại bắt đầu giở các chiêu bài quen thuộc để khỏi chi tiền thưởng: Sa thải. Và thế là nhiều người lao động vẫn bị đẩy ra đường vào dịp cuối năm chỉ vì doanh nghiệp không muốn trả tiền thưởng Tết.

 
Minh họa: Internet

Thời điểm này, người lao động đang rất trông chờ vào mức thưởng Tết sau một năm làm việc vất vả để về đoàn tụ vui vẻ cùng gia đình. Thế nhưng, cũng lại có không ít người khốn đốn vì bỗng dưng mất việc, không biết phải làm gì để có tiền tiêu Tết sau khi đã vắt kiệt sức để kiếm sống suốt cả năm trời. Trở thành người thất nghiệp thời điểm giáp Tết là tình cảnh bi đát của hàng trăm, hàng nghìn công nhân. Mất việc, không tiền lương, không thưởng Tết, nhiều người còn không có đủ cả tiền về quê ăn Tết.

Việc doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động được pháp luật cho phép trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn hay phù hợp các quy định của pháp luật. Hiện trong luật không quy định về thời điểm doanh nghiệp được phép sa thải người lao động. Thực tế, khi doanh nghiệp làm ăn khó khăn thì việc cắt giảm nhân sự cũng là điều không thể tránh khỏi để tiết giảm chi phí. Nhưng nếu cho nhân viên nghỉ việc vào sát Tết thì không chỉ gây thiệt thòi cho người lao động, mà còn là ứng xử thiếu tình người.

Trong Bộ luật Lao động cũng có quy định về tiền thưởng (Điều 103), nhưng luật không quy định cụ thể - khoản tiền thưởng có hay không, nhiều hay ít đều phụ thuộc vào phía doanh nghiệp quyết định-khiến nhiều doanh nghiệp vẫn có cơ hội để lách luật, gây thiệt hại cho người lao động. Các công ty sa thải lao động đều giải thích việc đó là do hoạt động không hiệu quả, người lao động vi phạm quy chế. Lý do để ngụy biện cho việc "né" tiền thưởng Tết này rất khó có thể chứng minh được. Nhất là nhiều trường hợp khi ký hợp đồng, doanh nghiệp đã “gài” các điều khoản bất lợi cho người lao động như kiểu hợp đồng khoán việc, hợp đồng ngắn hạn có thời hạn đến gần cuối năm... Điều đó khiến cho nhiều người lao động chịu thiệt thòi khi bất ngờ bị sa thải, nhất là những người lao động nghèo chỉ mong có việc làm để lo cho cuộc sống.

Từ thực tế kể trên, để bảo vệ người lao động vốn thường chịu thiệt thòi cần có một quy định và chế tài về thời điểm sa thải, không chấm dứt hợp đồng vào dịp cuối nămđ ể hạn chế việc người lao động bị mất việc, trước mỗi dịp đón năm mới?
 
Theo Minh Khuê
ANTĐ
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *