Đời Sống 23/07/2015 13:09

“Lương hưu “ăn theo” lương Bộ trưởng như tôi là không hợp lý”

Fica - Dẫn chứng từ chính ví dụ của bản thân, đóng bảo hiểm cả đời làm việc qua nhiều mức khác nhau nhưng lương hưu sẽ được hưởng theo mức trung bình 10 năm cuối cùng “ăn lương” Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội của QH Trương Thị Mai nhận định, điều bất hợp lý đó là nguyên nhân đe doạ vỡ quỹ lương hưu.

Ngày 23/5, tại Vĩnh Phúc, UB Các vấn đề Xã hội tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc về thúc đẩy việc triển khai Luật Bảo hiểm xã hội và hoàn thiện pháp luật lao động trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đóng bảo hiểm thấp, nhận mức lương hưu cao

Giới thiệu về nhiều điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho biết, luật đã xác lập sàn lương hưu tối thiểu áp dụng cho những người đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo thu nhập khi hết tuổi làm việc của người lao động không bị rơi xuống dưới sàn lương tối thiểu này. Theo đó, đây là một công cụ quan trọng để xử lý vấn đề như của những cô giáo mầm non mà thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở.

Được biết, hiện tại cả nước có khoảng 14.000 giáo viên mầm non về hưu mức lương hàng tháng hưởng chỉ từ 280.000 đồng – dưới 500.000 đồng/tháng.

“Lương hưu “ăn theo” lương Bộ trưởng như tôi là không hợp lý”

 

Về vấn đề đảm bảo an toàn, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, bà Mai nhấn mạnh, thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý sẽ điều chỉnh công tính tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng bảo hiểm để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng bảo hiểm của người lao động.

Thông được được Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cung cấp là hiện tại, quỹ lương hưu không cân đối được vì mỗi người lao động đóng bảo hiểm cả đời theo nhiều mức lương khác nhau nhưng khi hết tuổi lao động lại hưởng lương tính theo mức lương trung bình 5 năm làm việc sau cùng (thường là đạt mức cao nhất).

Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cảnh báo quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ thực sự “vỡ” vào 2034 nhưng với các chính sách mở rộng hơn đối tượng đóng bảo hiểm, hệ quả này có thể kéo lùi một thời gian nữa. Ngoài ra, nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp khác như kéo dài tuổi lao động để tăng thêm thời gian đóng bảo hiểm, mức đóng bảo hiểm của người lao động.

Tuy nhiên, việc thay đổi công thức tính lương hưu sẽ được thực hiện theo lộ trình với 2 lần “giảm sóc”, kéo giãn từ mức tính trên trung bình 5 năm cuối làm việc lên trung bình 10 năm rồi trung bình 15 năm. Vậy nên, những người đầu tiên bước vào khu vực lao động từ 2018 thì đến 2036 mới thực hiện việc đóng bao nhiêu hưởng bằng đó (lương hưu tính trên mức trung bình lương cả đời lao động).

“Ngay cả tôi khi nghỉ hưu cũng sẽ được hưởng lương hưu theo mức 10 năm cuối cùng “ăn” lương Bộ trưởng. Như vậy chưa phải là hợp lý nhưng đó là một phần của lịch sử chính sách tiền lương của chúng ta để lại” – bà Mai dẫn chứng.

700.000 người “rơi nước mắt” vì chế độ 176

Về việc khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội, theo bà Mai, luật hướng đến 2 mục tiêu mở rộng diện đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm và nâng cao chất lượng bảo hiểm. Theo đó, luật đưa vào quy định bắt buộc đóng bảo hiểm với người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng.

Bà Mai cho biết, theo báo cáo mới đây của Thanh tra Chính phủ, rất nhiều chủ sử dụng lao động chỉ ký hợp đồng 1-3 tháng để tránh đóng bảo hiểm nhưng với quy định mở rộng diện đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc, luật mới đã giúp “quét” luôn nhóm lao động yếu thế này.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng nhấn mạnh, chính sách bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội. Với vai trò chủ đạo của nhà nước, sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động, quỹ Bảo hiểm xã hội đã trở thành quỹ an sinh xã hội lớn nhất của quốc gia với hơn 11,6 triệu người tham gia tính đến hết năm 2014.

Tuy nhiên, đáng chú ý, phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức (lao động không có hợp đồng lao động), nông dân chưa tham gia bảo hiểm.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm hiện cũng còn thấp, mới chiếm khoảng hơn 20% tổng lực lượng lao động. “Điều này có nghĩa, trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với việc hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu. Gánh nặng này sẽ thuộc về nhà nước khi phải trợ cấp cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của họ” – bà Mai dẫn chứng, năm 2014 có khoảng 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên hưởng trợ cấp xã hội, ngân sách nhà nước phải chi cho việc này hơn 3.000 tỷ đồng.

Đề cập thêm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội - 

TS.Bùi Sỹ Lợi nhắc tới Nghị quyết 93 Quốc hội mới ban hành vừa qua khi có phản ứng của dư luận về Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội 2014 hạn chế điều kiện nhận bảo hiểm xã hội 1 lần của người lao động. Nghị quyết 93 đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động có điều kiện việc làm, thu nhập chưa ổn định, thu nhập chưa ổn định, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn có nguyện vọng được hưởng bảo hiểm 1 lần.

Với Nghị quyết 93, người lao động có quyền được lựa chọn việc thực hiện quy định như Điều 60 (được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm sau 1 năm nghỉ việc để khi có điều kiện tiếp tục đóng cho đến khi đủ 20 năm để về già được hưởng lương hưu) hoặc nhận bảo hiểm 1 lần để lo cuộc sống trước mắt.

Ông Lợi trao đổi: “Một số người đặt vấn đề phải sửa Điều 60 vì thương người lao động nhưng đó là xuất phát từ đặc thù của một bộ phận người lao động phía Nam mà chưa nhìn thấy cảnh khổ của hơn 700.000 người lao động phía Bắc đã trải qua chế độ “về một cục” theo Quyết định 176 trước đây. Giờ có rất nhiều người rơi nước mắt muốn trả lại khoản tiền “một cục” đã nhận để đóng bảo hiểm bổ sung cho đủ điều kiện được hưởng, dù chỉ mấy đồng lương hưu hàng tháng, để không phải sống nhờ vào con cháu, không phải trông chờ vào khoản trợ cấp xã hội mà không có cơ chế nào cho phép quay lại như thế”.

P. Thảo 

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *