Đời Sống 20/03/2015 08:12

“Hà Nội nên rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thay thế 6.700 cây xanh”

FICA - Trước những thông tin trái chiều của dư luận xung quanh việc UBND TP Hà Nội cho thay thế 6.700 cây xanh, nữ đại biểu Quốc hội Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, Hà Nội nên rút kinh nghiệm, sát sao hơn nữa trong việc lắng nghe ý kiến của người dân sau vụ việc này.

PV: Chủ trương thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội hiện vẫn đang nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều, là ĐB Quốc Hội Hà Nội, bà nhận định thế nào về chủ trương đang gây nhiều tranh cãi này?


ĐB Quốc Hội Bùi Thị An: Về chủ trương thay thế cây xanh của UBND TP Hà Nội đưa ra, tôi cho rằng là rất cần thiết vì trong quy hoạch phát triển chung xây dựng thủ đô cần một tỉ lệ tối thiểu cho cây xanh. Phải có cây xanh mới đảm bảo phát triển bền vững đời sống người dân. Việc đảm bảo tỉ lệ đất cho cây xanh là vô cùng cần thiết, quy hoạch như thế nào để có cây xanh phù hợp với thẩm mỹ và thổ nhưỡng của thủ đô cũng vô cùng cần thiết. 

Tuy nhiên, Hà Nội cổ kính lâu đời là trái tim của cả nước nên việc thay thế phải có sự cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng. Những nơi phát triển mới xây dựng thì rất đơn giản trong việc quy hoạch cây xanh. Nhưng cái khó chính là những nơi như phố cổ, phố cũ ở Hà Nội có nhiều cây cổ thụ, cây lâu năm.

Chính vì vậy, tôi nghĩ thay vì thay thế hàng loạt, trước khi làm những nơi có nhiều cây lâu năm, nhiều cây cổ thụ  cần phải có khảo sát rất kỹ xem cây nào có buộc phải thay thế hay không, có cần thiết hay không để tránh lãng phí. Trồng được một cây xanh là rất khó cho nên nên giữ lại những cây xanh cổ thụ nếu có thể. 
 
Hà Nội đốn hạ 6.700 cây xanh: "Người dân có quyền được biết"
Đại biểu Quốc Hội Bùi Thị An. Ảnh: Quang Phong
Đại biểu Quốc Hội Bùi Thị An. Ảnh: Quang Phong
 
 

PV: Thực tế khi UBND TP Hà Nội triển khai chặt hạ cây đã vấp phải phản ứng gay gắt của người dân, bên cạnh đó lại có một số ý kiến cho rằng “không cần hỏi ý kiến của dân”, bà nhận định thế nào về quan điểm này?


ĐB Quốc Hội Bùi Thị An: Trước hết, tôi nhấn mạnh rằng, dân trí người dân thủ đô Hà Nội là rất cao, hơn nữa lại ảnh hưởng đến an sinh của người dân nên người dân phản ứng cũng là dễ hiểu. 

Bên cạnh đó, người dân cũng vì cái chung phát biểu chứ không phải vì lợi ích nhóm. Mặc dù cũng có thể trong số các ý kiến đó có những ý kiến còn chưa chuẩn nhưng hoàn toàn có thể xem xét trên nhiều góc độ để chắt lọc. Tôi cho rằng, người dân Hà Nội có những mong muốn hết sức chính đáng.

Nhìn rộng ra, cây xanh liên quan đến hàng triệu dân Hà Nội. Chủ trương tuyên truyền cho dân, lấy ý kiến của dân là rất cần thiết, không nên xa rời dân. Nên lấy ý kiến của dân, tuyên truyền để dân hiểu. Được dân đồng thuận thì mọi việc sẽ rất suôn sẻ. Nâng hiệu quả công việc lên rất nhiều để tránh lãng phí. 
 
Cây xanh đã bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Nguyễn Dương
Cây xanh đã bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Nguyễn Dương

Hơn nữa nguồn vốn dù của ngân sách hay xã hội hoá thì cuối cùng cũng là tiền của dân nên chúng ta nên tuyên truyền, lắng nghe, thuyết phục dân nếu chủ trương đúng thì dân sẽ nghe. Nếu có trục trặc, dân phản ánh thì có thể điều chỉnh cho hợp lý.

Chính vì vậy, có một số đồng chí nói rằng việc của chính quyền là do trách nhiệm không cần hỏi người dân, tôi nghĩ về mặt lý trong một số trường hợp là không sai vì chính quyền làm theo luật định. Nhưng liên quan đến quyền lợi của dân, là người lãnh đạo nhạy bén thì luôn tranh thủ ý kiến của dân. Đặc biệt lại liên quan đến an sinh thì càng nên hỏi ý kiến của dân vì trong dân luôn có những nhà khoa học, trí thức cao về cây, thực vật, thổ nhưỡng… thì tại sao lại không nghe, không hỏi (!?)  

PVVới đơn giá 10 triệu đồng/cây trong việc chặt hạ 6.700 hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội cần một số tiền không nhỏ, bà nghĩ thế nào về con số này? 

ĐBQH Bùi Thị An: Tôi cho rằng rất tốn kém !!! Chưa kể, chi phí chặt cây thôi mà đã tiêu tốn như vậy rồi. Sau khi chặt xong lại phải thay thế cây mới vào, còn phải cần tới cây giống rồi công trồng cây mới sẽ còn tốn bao nhiêu nữa? một năm trồng lại được bao nhiêu cây? trồng lại được thì bao nhiêu năm sau mới có bóng mát trở lại? Chưa kể việc xử lý đối với khối lượng lớn gỗ từ thân cây bị chặt hạ cũng cần phải tính toán rất kỹ. Rõ ràng là quá tốn kém nếu không tính toán cẩn thận rất có thể sẽ xảy ra tình trạng lãng phí.

Vì vậy, sau khi rà soát cẩn thận, tôi cho rằng, việc chặt hạ, thay thế nên thực hiện một cách dần dần, tránh triển khai rầm rộ, đồng loạt, gây tác động mạnh đến môi trường.

PV: Theo bà, sau vụ việc này, Hà Nội nên rút kinh nghiệm như thế nào để tránh xảy ra những phản ứng tương tự từ dư luận?
 
ĐBQH Bùi Thị An: Trước vụ việc Hà Nội chủ trương thay thế 6700 cây xanh trên địa bàn thủ đô hiện vẫn đang vấp phải những phản ứng từ phía dư luận, tôi cho rằng lãnh đạo Hà Nội nên rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình chỉ đạo, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện cấp trên phải theo dõi cấp dưới làm thế nào. Nếu làm không đúng phải đình chỉ lại ngay để chống lãng phí. Hoặc vấp phải những vấn đề bức xúc từ người dân thì cấp trên phải dừng lại ngay và đặc biệt, lắng nghe ý kiến của người dân là một việc làm vô cùng cần thiết. Dân đồng thuận thì công việc sẽ suôn sẻ, tại sao lại không làm.
 

Trước đó, trước sức ép của dư luận, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Xây dựng yêu cầu rà soát lại việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên địa bàn. Công văn của UBND TP.Hà Nội nêu rõ Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo việc rà soát cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.

 

Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.

Xuân Ngọc

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *